Landmarks

Lăng họ Giáp

Lăng Giáp Đăng Luân, Lăng Phục Chân Đường
Tags: bia

Tổng quan

Đứng trên cầu Quận đoạn km số 10 tỉnh lộ 398 tuyến thành phố Bắc Giang đi Cao Thượng, dõi nhìn về bên kia bờ nước mênh mông của con sông Ngao cổ hiện lên một công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm soi mình xuống dòng nước biếc, đó là lăng họ Giáp, xã Việt Lập, huyện Tân Yên.

Vào thăm khu lăng, ta được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ còn khá vẹn nguyên như ngày đầu khởi tạo. Cả khu lăng rộng chừng 4 sào Bắc Bộ có bố cục mặt bằng hình chữ nhật. Toàn bộ khu lăng được xây bao quanh bởi vành lao tường gạch cổ xen các khối đá xanh thẫm. Bên trong khuôn viên có các công trình: 3 toà nhà lớn phía ngoài làm theo lối chữ tam liền kề nhau với các toà tiền đường, trung đường và hậu đường (ba toà nhà này được gọi với cái tên chung là Phục chân đường). Phía sau Phục chân đường là khu mộ - nơi an nghỉ của Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân. Tấm bia đá tạo năm Vĩnh Khánh (1732) hiện lưu giữ tại khu lăng cho biết: "Giáp Đăng Luân tước Lập nghĩa hầu là người xã Chuế Dương, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang. Ông trải nhiều chức quan trong triều như: Phó thủ hiệu, thị hầu, thị soạn đội kiểm tri, thị nội thư, tả hộ phiên, thị cận, tư lễ giám… Nay mua một khu đất ở Chuế Dương làm gia cư… Giũ sạch bụi trần về nghỉ nơi đất này, dẫu chẳng phải có công thúc văn từ gì, ta vẫn vui ngõ hầu, nay cho khắc thành văn để lâu dài vậy".

Sau khi thắp hương tưởng niệm người xưa, chúng ta cùng quay lại Phục chân đường để chiêm ngưỡng các di vật bài trí nơi đây. Nhìn từ ngoài khu lăng vào ta thấy các di vật bằng đá được bài trí cân đối, hài hoà. Theo một trục thẳng, các di vật được đặt đăng đối nhau từng đôi một: Hai con chồn nghểnh đầu đón nắng bên giả sơn, đôi chó đá ngồi chầu bên cổng, hai con sấu rạp mình phủ phục, ngoái cổ nghểnh đầu chầu trước tiền đường. Bốn viên thị thư tề chỉnh áo mũ túc trực tại trung đường… Đáng lưu ý, ngoài các linh thú như: nghê, sấu, linh cẩu… mà chúng ta thường bắt gặp trong các khu lăng, ở đây xuất hiện hai linh thú rất lạ, cho đến nay không ai xác định được là loài thú gì. Hai con được bày đặt đối diện nhau nằm phủ phục trước cổng. Thú có đầu tròn, mặt như thể cúi xuống giấu kín vào hai chân trước, lưng cong kéo vồng xuống mông. Hai chân trước xoài rộng ra hai bên, mông cong lên, bụng nép. Tất cả cơ thể đều trơn từ đầu tới chân, không mắt, không mũi, không mồm và cũng chẳng có râu, tóc hay bờm, đuôi.

Hai bên cổng trước cửa ngoài của lăng có một cặp tượng thú có hình con chồn rất đẹp sống động và có giá trị thẩm mỹ cao. Ở lăng họ Giáp chúng ta còn bắt gặp hình tượng hạc (4 con), chạm nổi như phù điêu trên những phiến đá hình vuông, gắn vào tường trên vòm cổng lăng và cổng nhà mộ, cách tạo dáng giống hạc gỗ, nhưng không đứng trên lưng con rùa mà trên cụm mây có dải dài bay phất phới.

Bên trong toà trung đường, bốn thiếu nữ được tạo dáng gần bằng người thật, với khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, trang phục thướt tha, dải bao lưng lụa mềm mại buông dài xuống tận mũi hài càng làm tăng thêm vẻ duyên dáng, yêu kiều của các thị nữ. Hai nữ quan gần cửa được tạo dáng gần giống nhau: đội mũ trùm đầu xuống gáy gọn gàng, mình mặc áo giáp ngắn, cổ tròn, có nẹp nổi với hai đinh đồng, cúc bạc, gắn dọc từ cổ xuống đến đai lưng. Mắt phượng, mày ngài, miệng như nửa vành trăng khuyết. Miệng không cười nhưng nhìn nét mặt rất tươi, sáng ngời rạng rỡ. Khuôn ngực cao đầy đặn với hai bờ vai tròn thon thả, hai ống tay áo dài buông sát sườn tha thướt để hở khuỷu tay và đôi bàn tay dài. Cây côn dài dựng hơi chéo sát sườn, một tay đặt hờ trên chỏm đầu côn, còn tay kia buông thõng nắm nhẹ ngang cây côn, đứng làm duyên, làm dáng.

Các di vật đá trong lăng họ Giáp đều được chạm khắc tinh tế, điêu luyện mang phong cách đặc trưng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Tất cả đã tạo nên giá trị nghệ thuật riêng cho lăng họ Giáp trong hệ thống lăng đá tỉnh Bắc Giang. Cùng với các di vật đá khác tại các lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng Đá Bầu… các di vật đá tiêu biểu của lăng họ Giáp đã làm phong phú, góp thêm vào kho tàng hiện vật đá ngoài trời đáng nghiên cứu tìm hiểu và tôn vinh giá trị.

(Báo Bắc Giang)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

13/2, 28 Tết, sau hơn 50 năm mình quay lại thăm Lăng Phục Chân Đường, lăng mộ Quận công Giáp Đăng Luân, một trong những nhân vật xuất chúng của họ Giáp nhà mình. Lăng chỉ cách nhà mình hơn cây số đường chim bay.

Thày mình kể, lúc còn sống, ông nội mình là Giáp Văn Nhạc, nổi tiếng vì sự gan lì, liều lĩnh, chẳng biết sợ là gì. Một lần khi còn nhỏ, khi đi tìm trâu bị lạc, trời tối, gặp mưa to gió lớn, ông đã vào lăng trú mưa và định ngủ qua đêm, dù biết lăng rất linh thiêng, ông vẫn không sợ. Nhưng đến nửa đêm, ông bỗng nghe có tiếng phèng la khua inh ỏi, rồi thấy có người ăn mặc tướng phục lẫm liệt oai phong, quát lớn đuổi ông phải ra khỏi chốn này ngay. Ông sợ quá, bỏ chạy ra ngoài, từ đó ông tin vào sự linh thiêng của khu lăng.

Dân làng Vườn nay còn kể, có người tham, đang đêm lẻn vào đào mộ cụ Quận công, đình tìm vàng bạc châu báu, đào dở chừng thì gặp tảng đá xanh lớn chắn ngang, phải bỏ về. Sau đó ông này sinh bệnh, hộc máu ra chết.

Sau này lại có bọn lạ mặt từ đâu đó đánh cả xe tải về, đào bới mộ cụ, nhưng cũng bị những tảng đá lớn chắn lối, không tìm được lối vào hầm mộ, đành bỏ đi.

Năm ngoái khu lăng mộ đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.










Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Lăng họ Giáp
Địa chỉ TL 284, Kim Tràng, Tan Yen District, Bac Giang, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-09-02 03:03:44
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất