Wiki
Tất cả » Tư liệu Hán Nôm » VỀ BÀI THIÊN ĐÔ CHIẾUTRONG ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯVÀ CÁC TÀI LIỆU LIÊN QUAN »
Tải lại | Mở cửa sổ riêng

VỀ BÀI THIÊN ĐÔ CHIẾUTRONG ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯVÀ CÁC TÀI LIỆU LIÊN QUAN


Liên quan tới: Vườn hoa Lý Thái Tổ

NGUYỄN CÔNG VIỆT


TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Bài Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn viết năm 1010 được các triều đại phong kiến Việt Nam từ nhà Lý đến nhà Nguyễn coi là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nên được ghi chép lưu truyền trong sách sử, trong tuyển tập văn học... Song do nhiều nguyên nhân, tài liệu này chỉ còn thấy trong một số thư tịch tài liệu chữ Hán tập trung ở thời kỳ nhà Nguyễn.


Hiện nay bài Thiên đô chiếu trong các tài liệu thư tịch được bảo lưu chủ yếu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và lẻ tẻ ở một vài cơ sở khác như Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Thư viện Hiệp hội châu Á - Paris Cộng hòa Pháp... Ở đây chúng tôi khai thác khảo cứu bài Thiên đô chiếu trong các sách Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Đại Việt sử ký tiền biênĐại Việt sử ký Hoàng Việt văn tuyển, trong đó chủ yếu là ở bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Việc khảo cứu đối chiếu cũng sẽ được mở rộng ra đối với những tài liệu liên quan khác có ghi bài Thiên đô chiếu như các sách Khâm định Việt sử thông giám cương mụcViệt sử cương mục tiết yếu... Tất cả các thư tịch tài liệu này hiện nằm trong kho bảo quản ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều là những tài liệu gốc, không phải là bản photocopy, có xuất xứ rõ ràng và đều mang số hiệu riêng biệt. Cơ sở tư liệu như vậy là khá chắc chắn và trung thực đảm bảo về mặt khoa học cho việc khảo cứu, so sánh dị bản. Không có điều kiện đối chiếu, so sánh đối với một vài tài liệu liên quan hiện được lưu giữ ở miền Nam, Paris - Cộng hòa Pháp nên việc khảo cứu sẽ được thực hiện chủ yếu trong số tài liệu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


1. Văn bản Thiên đô chiếu trong sách Đại Việt sử kí toàn thư


ĐVSKTT là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử của nước ta, được biên soạn qua nhiều thời kỳ khác nhau từ thời Trần đến cuối thế kỷ XVII thời Lê Trung hưng. Tác giả là các sử gia tên tuổi của các triều đại thực hiện như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy và nhóm biên soạn Nguyễn Quý Đức, Hà Tông Mục. Nội dung ghi về lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến cuối đời Lê Gia Tông (1675). Quá trình biên soạn tính từ
Lê Văn Hưu viết xong Đại Việt sử ký năm 1272 đến khi Lê Hy cùng nhóm biên soạn hoàn thành ĐVSKTT tổng cộng là 425 năm. Cuối năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697) đời Lê Hy Tông, bộ ĐVSKTT đã được khắc in và ban hành. Sau này nhiều bản in ĐVSKTT đã được in thành nhiều bản ở các thời kỳ khác nhau và lưu hành rộng rãi, tồn tại đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn được lưu giữ ở Pari - Cộng hòa Pháp.


Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được các bản ĐVSKTT có nhiều ký hiệu khác nhau là: A.2694/1-7: 1676 tr., khổ 29 x 17cm. Bản A3/1-4: 2462tr., khổ 26 x 16cm. Bản VHv.2330-2336: 920 tr., khổ 26 x 16cm. Bản VHv.1499/1-9: 776 tr., khổ 26 x 16cm. Bản VHv.179/1-9: 1852 tr., khổ 29 x 19cm. Nhìn chung các bản đều không còn được đầy đủ, ít nhiều thiếu, mất trang ở mức độ khác nhau.


Tại Thư viện Viện Sử học còn một bản ĐVSKTT ký hiệu Hv.118, đây là bản in có hình thức giống như bản A.3/1-4 ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tại Paris - Cộng hòa Pháp còn lưu giữ một số bản ĐVSKTT có ký hiệu khác nhau(1), trong đó bản ký hiệu SA.2310 (1-15) đã được chụp lại và công bố ở Việt Nam năm 1983(2). Chúng tôi đã xem xét đối chiếu bản photocopy sao lại từ bản chụp SA.2310 (1-15). Không có điều kiện khảo sát đối chiếu các bản ĐVSKTT ở xa Hà Nội, chúng tôi tập trung chủ yếu khảo sát bài Thiên đô chiếu trong các bộ ĐVSKTT ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Bài Thiên đô chiếu được ghi trong phần Bản kỷ, quyển 2 kỷ nhà Lý ở ĐVSKTT các bản có ký hiệu A.2694, A.3, VHv.2330. Riêng 2 bản VHv.1499 và VHv.179 không thấy có bài Thiên đô chiếu vì mục nhà Lý từ Lý Thái Tổ đến Lý Thần Tông (từ 1010 đến 1138) bị rách mất. Như vậy việc khảo cứu bài Thiên đô chiếu ở đây chỉ tập trung ở 3 bản có ký hiệu A.2694, A.3 và VHv.2330 cùng với bản sao từ sách ký hiệu SA.2310 (1-15) mà chúng tôi sẽ nói riêng sau này.


Văn bản Thiên đô chiếu ở 3 bản nêu trên đều là các bản in có kích thước giống nhau. Khuôn in, khổ chữ, nét chữ, cỡ dòng rất giống nhau. Toàn văn có 12 dòng, mỗi dòng 19 chữ. Dòng đầu có 16 chữ tính từ chữ “Tích Thương gia chí Bàn Canh 昔商家至盤庚”. Dòng thứ 9 có 16 chữ (kèm 5 chữ cước chú). Dòng thứ 12 có 11 chữ - tính đến chữ “Khanh đẳng như hà 卿等如何”(3). Tổng cộng là 214 chữ. Cả 3 bản trên về nội dung và hình thức tổng thể giống nhau, song về chi tiết có một số điểm khác biệt.


Toàn văn bài Thiên đô chiếu ở bản VHv.2330được chấm câu, khuyên, đánh dấu bằng mực son vào những chỗ tên can chi, niên hiệu triều đại, quốc gia, tên hiệu vua, địa danh. Nhìn chung khuôn in, bố cục vuông vức hoàn chỉnh hơn hai bản A.3 và A.2694. Bản VHv.2330 phần điểm nối giữa 2 trang chỗ dòng Lý Thái Tổ kỷ quyển nhị 李太祖紀卷二có một dấu ấn mầu son hình lá cách điệu. Hình dấu này với chức năng như một kiềm dấu đóng chỗ giáp trang để khẳng định hơn nữa sự hoàn chỉnh và tính xác thực của văn bản.


Cả 3 bản VHv.2330, A.3 và A.2094 phía trên đầu trang in Thiên đô chiếu ngoài đường kẻ khuôn in có tiêu chú 4 chữ "Khiển sứ như Tống" (sai sứ sang nhà Tống), đóng trong khung. Tiêu chú này chú ghi sự kiện trọng đại trong năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên (1010) có việc đi sứ Trung Quốc, mục đích để Hoàng đế ngự lãm hoặc các trọng thần có nhiệm vụ xem xét hiệu duyệt bản in bộ chính sử thấy rõ. Dấu tích mực son của Đại thần hoặc của cả Hoàng đế trên bài chiếu bản VHv.2330 khẳng định sự hoàn chỉnh của văn bản cũng như tổng thể bộ sách trong việc ban hành và chuyển giao bộ ĐVSKTT này. Đó là mối liên quan tương ứng với tiêu chú trên văn bản ta chỉ thấy trong văn bản học Hán Nôm, mà ở văn bản này giá trị của dấu tích công nhận được thể hiện cao hơn các văn bản mang ký hiệu khác.


Ở hai bản A.3 và A.2094 thì để trắng hoàn toàn, không có chấm câu, khuyên, chấm, đánh dấu bằng mực son vào những điểm như bản VHv.2330 đã nêu.


Xem xét đối chiếu kỹ từng khuôn chữ, nét chữ, khoảng cách chữ của cả ba bản chúng tôi thấy hai bản A.3 và A.2694 hoàn toàn giống nhau, chúng được in ra từ cùng một khuôn in và trong cùng một thời gian. Riêng bản VHv.2330 thì có một số nét khác biệt rất nhỏ ở những dòng dưới trong sách và một số tiêu chí hoàn chỉnh khác, nên chúng tôi cho rằng bản này được in trước hai bản A.3 và A.2694 trên.


Việc khảo cứu văn bản tác giả tác phẩm bộ ĐVSKTT trước đây đã được các học giả tên tuổi như E. Gaspardone, Dương Quảng Hàm, Trần Văn Giáp, Trần Kinh Hòa, Hikida Toshiaki, Phan Huy Lê thực hiện và công bố... Bộ ĐVSKTT đã được Viện Sử học tổ chức biên dịch do các nhà Hán học Cao Huy Giu phiên dịch và Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng trên cơ sở các ký hiệu sách ĐVSKTT chúng tôi đã nêu. Sách đã được Nxb. KHXH, H., ấn hành năm 1967(4). Hơn 10 năm sau bộ ĐVSKTT đã được Ủy ban KHXH Việt Nam tổ chức dịch lại từ bản ĐVSKTT mới do Phan Huy Lê sưu tầm từ Pari - Cộng hòa Pháp, chụp từ nguyên bản sách ký hiệu SA.2310 (1-15) ở Thư viện Hiệp hội châu Á (Sociéte Asiatique) - Pari. Nxb. KHXH, H., đã ấn hành năm 1983 trong đó có phần khảo cứu về tác giả, văn bản, tác phẩm của Phan Huy Lê. Bộ ĐVSKTT này còn được gọi là bản in Nội các quan bản là sách in mộc bản, khổ 16x28cm, toàn bộ gồm 1231 tờ, mỗi tờ hai mặt, mỗi mặt 9 dòng, mỗi dòng 19 chữ... Nói chung bản in đầy đủ, trừ 6 tờ bị mất... chữ in đẹp, nói chung nét đậm và rất đều(5). Niên đại sách ghi rõ "Chính Hòa thập bát niên tuế tại Đinh Sửu trọng đông cốc nhật".


Ở đây chúng tôi không nhắc lại việc công bố bộ ĐVSKTT mới sưu tầm từ Paris và cũng như ý kiến bình luận của một số học giả về vấn đề này, mà chỉ coi đây là tài liệu tham khảo đối chiếu về bài Thiên đô chiếu.


Phần Bản kỷ Kỷ nhà Lý sách ĐVSKTT kí hiệu SA.2310 (1-15) ghi đầy đủ bài Thiên đô chiếu. Toàn văn 12 dòng, mỗi dòng 19 chữ trừ dòng đầu 16 chữ (tính từ chữ “Tích Thương gia chí Bàn Canh”, dòng thứ 9 có 16 chữ (trừ 5 chữ cước chú), dòng thứ 12 có 11 chữ (tính từ chữ “Khanh đẳng như hà卿等如何”. Toàn văn bài Thiên đô chiếu có 214 chữ với cách sắp xếp hình thức tổng thể giống như ba bản A.3, A.2694 và VHv.2330 chúng tôi đã nêu. Song ở bản này khác với ba bản trên về chi tiết khuôn chữ, nét chữ, bố cục, khoảng cách các chữ. Chữ ở bản này khắc in đẹp, đều đặn, nét chữ đậm, rõ ràng khoảng cách chữ gần nhau. Việc ngắt câu, khuyên, chấm, đánh dấu vào những chỗ tên triều đại, tên hiệu vua, địa danh cũng gần giống như bản VHv.2330 tuy có khác về mặt hình thức. Ở bản SA.2310 (1-15) không có tiêu chú 4 chữ "Khiển sứ như Tống".


Việc xác định niên đại khắc in các bản VHv.2330 có từ đầu thời Nguyễn và hai bản A.3 và A.2694 có từ đời Tự Đức của một số học giả theo chúng tôi là có cơ sở khoa học. Vấn đề xác định niên đại khắc in bản SA.2310 (1-15) có phải từ đời Chính Hòa thứ 18 (1697) hay không nếu có điều kiện cũng cần phải khảo sát đối chiếu lại bản gốc. Vì xem xét bản photocopy của tài liệu này dưới góc độ văn bản học Hán Nôm chúng tôi thấy cũng có một vài điểm chưa được tỏ tường. Song dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa bản SA.2310 (1-15) vẫn được coi là bản có niên đại sớm và bài Thiên đô chiếu ở đây vẫn đảm bảo đầy đủ tiêu chí của một văn bản hoàn chỉnh. Như vậy có thể xem, bản VHv.2330 là bản chuẩn của ĐVSKTT trong việc khảo cứu đối chiếu bài Thiên đô chiếu.


Tại kho mộc bản triều Nguyễn thuộc Cục Lưu trữ hiện bảo quản ở Đà Lạt còn giữ được nhiều khuôn in một số bộ sách, trong đó có bộ ĐVSKTT. Đây là dạng tư liệu ván in Hán Nôm có giá trị được các nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên đây là tư liệu từ mộc bản vẫn chưa được xem xét kiểm chứng qua các dấu tích công nhận để ban hành. Bài Thiên đô chiếu dưới dạng mộc bản đã được thông tin đại chúng giới thiệu sơ lược, chúng tôi cũng đã được gián tiếp xem xét đối chiếu. Rất mong văn bản gốc này sớm được công bố để chúng ta có thêm cơ sở khoa học trong việc khảo cứu và xác định bản Thiên đô chiếu nói riêng và sách ĐVSKTT nói chung.


Để việc khảo cứu bài Thiên đô chiếu được khách quan và chuẩn xác hơn, chúng tôi đã mở rộng việc xem xét đối chiếu bài Thiên đô chiếu trong các thư tịch khác ở kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đó là các bộ sách Đại Việt sử ký, Đại Việt sử kí tiền biênHoàng Việt văn tuyển v.v...


2. Văn bản Thiên đô chiếu trong sách Đại Việt sử kíĐại Việt sử kí tiền biênHoàng Việt văn tuyển và các tài liệu liên quan.


a.Đại Việt sử ký (ĐVSK) là bộ sách chép tay có 9 bản với các ký hiệu khác nhau(6), nội dung ghi về lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến hết thời Tây Sơn. Là bộ sách lược biên bộ ĐVSK từ thời trước và có ghi thêm sự kiện từ các tư liệu lịch sử khác nhau, trong đó có cả phần trích từ bộ Đại Việt sử ký tiền biên khắc in thời Tây Sơn. Sách không ghi niên đại, nhưng chắc chắn có từ thời Nguyễn vì có bài Tổng lược của Viện Tập hiền triều Nguyễn. Nhìn chung các bản đều thiếu ngoại trừ bản có ký hiệu A.1272/1-4. Phần Bản kỷ - Kỷ nhà Lý có chép bài Thiên đô chiếu, chúng tôi đã xem xét và chọn ba bản A.1272/1-4, A.1486 và VHv.1578/2 để đối chiếu. Lấy bài Thiên đô chiếu trong ĐVSKTT, đặc biệt là bản VHv.2330 làm nền, thì Thiên đô chiếu ở ĐVSK đều thấy ghi thiếu hoặc khác lệch ở một số đoạn. Dòng 4 đều ghi là "dân tục" (民俗). Ở Toàn thư ghi là “phong tục” (風俗). Dòng thứ 7 ghi là “trạch đại địa khu vực chi trung宅大地區域之中”. Toàn thư ghi là “trạch thiên địa宅天地”. Dòng thứ 10 ghi là “dân cư miệt hôn điếm chi khổ民居蔑昏墊之苦”. Toàn thư ghi là “chi khốn之困”. Ở hai bản A.1272 và A.1486, dòng thứ 6 không có đoạn “toán số đoản xúc算數短促” và “vạn vật thất nghi萬物失宜”. Dòng cuối khác hẳn Toàn thư, ghi là “khanh đẳng hữu sở khả bĩ thái minh cáo Trẫm卿等有所可否泰明告朕” (Các khanh thấy chỗ nào hay chỗ nào dở thì nói rõ cho Trẫm). Về riêng lẻ thì bản A.1486 mở đầu thiếu chữ tích昔. Hai bản A.1486 và A.1272 dòng thứ 2 thiếu chữ “chi之” trong “tam đại chi sổ quân三代之數君”. Còn bản VHv.1573 lại bị thiếu chữ s數trong đoạn này...


b.Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB) là bộ sách in hiện còn 6 bản ký hiệu khác nhau là A.2665/2-3: 1372 trang, A.2/1-7: 1372 trang, A.3133/1-2: 296 trang, A.2682: 628 trang, VHv.1500/1-4: 726 trang, VHv.1501: 190 trang(7). Nội dung ghi về lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời thuộc Minh, ngoài ra còn có sơ đồ về sự phân chia, hợp nhất quốc gia qua các triều đại, về sự kế truyền các đời vua. Sách được khắc in năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) triều Tây Sơn. Nhìn chung các bản đều giống nhau, được in từ cùng một ván in và trong cùng một thời gian.


Bài Thiên đô chiếu ở ĐVSKTB được chép trong tờ 2a, 2b quyển 2 - Kỷ nhà Lý. Toàn văn xếp theo cột dọc 12 dòng, tổng cộng là 220 chữ. Về tổng thể bản in xấu, khuôn in dòng kẻ không thẳng, chữ không đều, không đẹp, bố cục nét chữ không sắc nét, thiếu ngay ngắn. Nội dung bài Thiên đô chiếu về cơ bản đầy đủ và giống bản ĐVSKTT tuy có một vài chỗ khác biệt. Ở dòng thứ 4 ghi là “Dân tục phú phụ民俗富阜” khác Toàn thư ghi là "phongtụcphú phụ". Dòng thứ 9 không có cước chú. Dòng thứ 10 ghi: “Dân cư miệt hôn điếm chi khổ (…墊之苦)” khác Toàn thư là “... điếm chi khốn (…墊之困)”. Dòng cuối ghi “Khanh đẳng hữu sở khả bĩ thái minh cáo Trẫm 卿等有所可否泰明告朕” giống với bản ĐVSK và khác Toàn thư chỉ ghi là “Khanh đẳng như hà”.


c.Hoàng Việt văn tuyển (HVVT) là một tập sách tuyển của Tồn Am Bùi Huy Bích ghi từ thời Lý - Trần đến Lê gồm các thể phú, chế, chiếu, biểu, tấu, ký, tế văn... Ở đây Bùi Huy Bích đã học tập và kế thừa nhiều từ bộ Hoàng Việt văn hải (đã bị thất lạc từ lâu) của thầy học mình là Lê Quý Đôn(8). Hiện nay tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được 7 ký hiệu sách khác nhau là A.2683, A.3163/1-3, A.1582, VHv.1452a, VHv.1452b, VHv.1452, VHv.93. Tất cả đều là các bản in từ nhà in Hi Văn đường thời Nguyễn. Sách do Nguyễn Tập, Đốc học trấn Sơn Nam biên tập và viết lời tựa năm Minh Mệnh thứ 6 (1825).


Ở quyển 5 HVVT mục Chiếu sách tờ la, 1b có bài Tỷ đô Thăng Long chiếu徙都昇龍詔hầu hết các bản in có ký hiệu riêng đều giống nhau. Phần đầu chú giống ĐVSKTT ghi là năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên (1010) Lý Thái Tổ thấy kinh đô cũ của hai nhà Đinh, Lê ở Hoa Lư chật hẹp, ẩm thấp nên tự tay viết bài chiếu muốn dời đô ra thành Đại La. Khi thuyền ngự đến dưới thành thì vua thấy rồng vàng hiện lên, vì thế mới đổi gọi là Thành Thăng Long.


Toàn văn bài Tỷ đô Thăng Long chiếu có 10 dòng (không kẻ ô dọc), mỗi dòng 23 chữ, dòng cuối có 3 chữ, tổng cộng là 210 chữ. Nhìn chung bản in bình thường, khuôn chữ cân đối, bố cục chữ đều, nét chữ ngắn không sắc nét như chữ ở bản Toàn thư. Phần chấm câu rõ ràng giống như ở ĐVSKTT. Nội dung về cơ bản đầy đủ và giống như bản ở Toàn thư, song bên cạnh có một vài điểm dị biệt. Dòng thứ nhất chữ “Đãi” trong “Chu thất đãi Thành vương 周室逮成王” viết khác chữ “Đãi 迨” ở Toàn thư. Dòng thứ 9 ở đây ghi là “Vi vạn thế đế vương chi thượng đô 為萬世帝王之上都” khác với Toàn thưĐVSKĐVSKTB đều ghi là “Vi vạn thế kinh sư chi thượng đô為萬世京師之上都”. Ở HVVT không ghi câu cuối Khanh đẳng như hà 卿等如何.


Như vậy ta thấy rõ bài Tỷ đô Thăng Long chiếu ở HVVT đã được làm sau trên cơ sở bài Thiên đô chiếu ở ĐVSKTT và ĐVSKTB. Song ở bài chiếu này được làm với mục đích tuyển chọn và được thực hiện từ một danh thần như Bùi Huy Bích nên nó mang nhiều ý nghĩa nhất định, kể cả việc gọt dũa thay hai chữ “kinh sư” bằng hai chữ “đế vương” cũng như việc lược bỏ câu cuối “khanh đẳng như hà”.


Ngoài những thư tịch chính đã trình bày, bài Thiên đô chiếu còn được ghi trong một số tài liệu khác thời Nguyễn như Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), Việt sử cương mục tiết yếu (VSCMTY)... KĐVSTGCM là một bộ sử lớn được thực hiện dưới thời Nguyễn do Quốc sử quán chủ trì khởi thảo năm 1856 và hoàn thành năm 1881. Nội dung ghi biên niên sử Việt Nam thời Hùng Vương đến thời Lê Mẫn đế (1788). Hiện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn giữ 9 bản in và 7 bản viết. Việc đối chiếu sẽ được thực hiện đối với các bản in và các bản có niên đại sớm và chuẩn xác hơn. Bài Thiên đô chiếu ở các bản in có khổ lớn, chữ in đẹp, rõ ràng. Nội dung bài chiếu được tóm lược ghi trong quyển 2, tờ 9a, 9b (niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên nhà Lý). Toàn văn hơn 6 dòng, tổng cộng có 99 chữ. So với bản Toàn thư thì ở đây lược bớt nhiều. Riêng 2 dòng cuối ghi khác Toàn thư là “... Thành đế vương chi thượng đô dã, trẫm dục thừa thử địa lợi, dĩ định quyết cư, khanh đẳng dĩ vi hà như 誠帝王之上都也朕欲乘此地利以定厥居卿等以為何如”.


Việt sử cương mục tiết yếu là tài liệu sử chép tay do Sử gia Đặng Xuân Bảng biên soạn vào cuối thời Nguyễn(9). Bài Thiên đô chiếu được ghi trong phần Kỉ nhà Lý ở tờ 53. Chữ nhỏ viết lối Chân thư, toàn văn tóm lược ghi trong 5 dòng tổng cộng là 98 chữ. Cũng giống như bài KĐVSTGCM đoạn cuối cùng khác Toàn thư ghi là “Thành đế vương chi thượng đô dã...”.


*


*    *


Qua việc khảo cứu sơ liệu bài Thiên đô chiếu ghi ở các thư tịch, tài liệu Hán Nôm trên chúng tôi thấy:


Bản Thiên đô chiếu là một văn bản ghi về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta đầu thời Lý về việc dời đô từ Hoa Lư tới Đại La (Thăng Long) năm 1010 do Lý Thái Tổ tự tay viết. Hai chữ thủ chiếu 手詔(bài chiếu do chính tay vua viết) được viết ở đầu bài trong một số tài liệu đã nêu có thể khẳng định về tác giả của bài chiếu.


Bài chiếu không có đầu đề ngoài tên Tỷ đô Thăng Long chiếu được ghi trong Hoàng Việt văn tuyển. Tên đầu đề Thiên đô chiếu (chiếu dời đô) được hậu thế đặt không biết từ khi nào căn cứ vào nội dung sự kiện được ghi trong sách sử Kỷ nhà Lý, năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên nguyên niên (1010), mùa xuân Lý Thái Tổ thấy Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp muốn dời đô ra thành Đại La (Thăng Long) mới viết “Thủ chiếu thiên đô”. Trên thực tế đến mùa thu tháng 7 năm 1010 kinh đô mới được di dời từ Hoa Lư ra Đại La. Nhân thấy rồng vàng hiện ra gần thuyền ngự, vua mới đổi gọi là Thăng Long thành.


Bài chiếu nếu được công bố quảng bá dưới mọi hình thức vẫn có thể lấy đầu đề là Thiên đô chiếu hoặc Tỷ đô Thăng Long chiếu, vì một bài chiếu văn cũng cần phải có tên, đồng thời còn bao hàm nhiều ý nghĩa khác.


So sánh các dị bản Thiên đô chiếu trong các tài liệu ĐVSKTT, ĐVSKTB, ĐVSK, HVVT, KĐVSTGCM, VSCMTY chúng tôi thấy phần nội dung về cơ bản giống nhau song về chi tiết có một số điểm khác biệt như đã nêu. Thiên đô chiếu trong ĐVSKTT với nhiều kí hiệu sách khác nhau, niên đại khác nhau là bản đầy đủ và hoàn chỉnh nhất. Trong đó bản VHv.2330 có thể được coi là bản chuẩn từng câu, từng chữ, dấu ngắt câu, chuyển dòng với đầy đủ các tiêu chí về văn bản học để từ đó thực hiện việc viết khắc chữ trên bia và phiên dịch ra chữ Việt.


Bài Thiên đô chiếu trong các tài liệu ĐVSKTB, ĐVSK, HVVT, KĐVSTGCM, VSCMTY so với ĐVSKTT thì đều được làm sau, nội dung dựa trên cơ sở của bản ĐVSKTT khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Ngoài một vài chữ, đoạn văn thiếu thì một số chữ khác biệt như “dân tục 民俗” khác “phong tục 風俗” ĐVSKTT, “khổ 苦” khác với “khốn 困” ĐVSKTT v.v...


Đoạn cuối riêng HVVT, KĐVSTGCM, VSCMTY lại thay chữ... “Kinh sư chi thượng đô” bằng “Đế vương chi thượng đô”. Xét về ngữ nghĩa cũng có khác và còn bao hàm ý nghĩa sâu xa. Song ở đây nếu cần tuân thủ nội dung từng câu từng chữ của nguyên tác thì vẫn nên giữ nguyên 2 chữ “kinh sư” không nên thay bằng 2 chữ “đế vương”.


Hiện nay một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài Hà Nội đã và chuẩn bị công bố bài Thiên đô chiếu bằng chữ Hán dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng tôi thấy chưa có sự thống nhất và khoa học về việc ghi tên đầu đề và cách dùng một số chữ trong nội dung; bên cạnh là việc sử dụng thể chữ Hán, bố cục sắp xếp, thể hiện nội dung bài chiếu đi liền với các biểu tượng rồng mây, hoa văn họa tiết v.v... Thiết nghĩ việc công bố bài Thiên đô chiếu trong dịp lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long cũng cần được xem xét điều chỉnh lại theo các tiêu chí khoa học nhất định sao cho xứng đáng là một bản thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn hóa dân tộc.


Dưới đây là phần phiên âm, dịch nghĩa và phụ bản toàn văn bài Thiên đô chiếu


Phiên âm:


Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam đại chỉ sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hảo tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ. Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế kinh sư chi thượng đô. Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?


Dịch nghĩa:(10)


“Ngày xưa nhà Thương đến Bàn Canh là năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương là ba lần dời đô, há phải là các vua đời tam đại ấy theo ý riêng mà tự dời đô bậy đâu, là vì mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế cho con cháu ức muôn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo lòng dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi. Bởi thế ngôi truyền dài lâu, phong tục giàu thịnh. Thế mà nhà Đinh nhà Lê lại theo lòng riêng, lơ là mệnh trời, không noi theo việc cũ nhà Thương nhà Chu, yên ở nơi quê quán, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật không nên. Trẫm rất xót thương không thể không dời đi nơi khác. Huống chi, đô cũ của Cao Vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rộng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là nơi hơn cả. Thực chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào?”.



Chú thích:


(1) Xem Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Tập I, Nxb. KHXH. H. 1993.


(2) Xem Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb KHXH. Hà Nội 1983.


(3) Những chỗ trích chữ Hán từ Thiên đô chiếu, xin xem bản dịch ở cuối bài.


(4) Xem ĐVSKTT. Tập I, Nxb. KHXH. H. 1967. Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính.


(5) Xem ĐVSKTT. Tập I, Nxb. KHXH. H. 1983 từ trang 9 đến trang 69. Phan Huy Lê khảo cứu, Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính.


(6) Xem Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu - Tập I, Nxb. KHXH, H. 1993.


(7) Bộ ĐVSKTB hiện nay ở một số Thư viện Paris - Cộng hòa Pháp còn lưu giữ một số bản có ký hiệu khác nhau mà chúng tôi không có điều kiện đối chiếu được.


(8) Xem Thơ văn Lý - Trần. Tập I, Nxb. H. 1977, tr.134-135.


(9) VSCMTY do nhà sử học Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) biên soạn hoàn thành năm Thành Thái thứ 17 (1905). TS. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. Nxb. KHXH, H. 2000. Có in kèm bản Hán văn.


(10) Theo ĐVSKTT Cao Huy Giu phiên dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng, tập I, Nxb. KHXH, H. 1972. tr.190./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 4(101) 2010; Tr. 21-29)