Tất cả » Tư liệu Hán Nôm » Về câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc »
Tải lại | Mở cửa sổ riêng

Về câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc


Liên quan tới: Đền Kiếp Bạc


( theo fb Trần Ngọc Đông )




Nhân có bạn hỏi về di tích Đền Kiếp Bạc ( Chí Linh - Hải Dương) để mọi người cùng nhớ tới câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm có đề trên cổng chính.


"Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Lục Đầu vô thủy bất thu thanh"


Theo thông tin từ trang FB của TS Nguyễn Xuân Diện, hôm nay lại đúng là ngày 17/5 âm lịch là kỵ nhật của cụ, xin tóm tắt lại theo thông tin đã dẫn trên trang.


Cụ Vũ Phạm Hàm (1864-1906) quê ở làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, Hà Nội, tự Mộng Hải, Mộng Hồ, hiệu Thư Trì.Cụ là một trong 3 vị Tam nguyên của Triều Nguyễn.


Những người đỗ Tam nguyên thì cả triều Nguyễn (1802-1945) chỉ có 3 người là: Vị Xuyên Trần Bích San; Yên Đổ Nguyễn Khuyến; Đôn Thư Vũ Phạm Hàm.


Về tộc danh Vũ Phạm - Phạm Vũ:

“Theo ghi chép của Mộng Hồ gia tập - gia phả họ Vũ Phạm, thì tổ tiên của họ Vũ nguyên là họ Phạm, đến đời tổ thứ 2, được người họ Vũ nuôi dưỡng nhận làm con nuôi nên từ đó đổi ra họ Vũ, hoặc kiêm dùng cả chữ “Phạm” để lấy họ là “Vũ Phạm”, thế nên gia phả ghi là “Phạm Vũ thị phả” có ý không quên gốc.” (Theo Nguyễn Đức Toàn).


Cuộc đời làm quan của Cụ Thám hoa ngồi Đốc học 4 tỉnh, ngồi Án sát 2 tỉnh Hưng Hóa, Hải Dương.

Cụ là chân khoa bảng, hay chữ nên sau Cụ được bổ nhiệm giữ chức Đốc biện (Chủ bút) Đại Nam Đồng văn nhật báo sau Cụ Đào Nguyên Phổ và trước Cụ Kiều Oánh Mậu. Đại Nam Đồng văn nhật báo là tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ. Hình thức giống một loại Công báo, song lại có mục Thời đàm bám sát đời sống chính trị xã hội..


Những trước tác chính của Cụ: Kinh sử thi tập, Hưng Hóa tỉnh phú, Tuyên Quang tỉnh phú, Hương Sơn phong cảnh phú, Thám hoa văn tập, Thư Trì thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Mộng Hồ thi tuyển, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách.

Cụ là tác giả của đôi câu đối nổi tiếng ở Đền Kiếp Bạc và ở Đền Trung Liệt (Hà Nội).


VỀ CÁC CÂU ĐỐI NỔI TIẾNG CỦA THÁM HOA VŨ PHẠM HÀM TRÊN CÁC DI TÍCH


1- Ở Đền Kiếp Bạc:

萬 劫 有 山皆 劍 氣

六 頭 無 水不 秋 聲


Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí

Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh.


Nghĩa là:

Vùng Vạn Kiếp ngọn núi nào

cũng ngút hơi kiếm toả

Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào là không vang dậy tiếng thu


TIẾNG THU: Tiếng sàn sạt binh đao

Chữ "Tiếng Thu" ở vế đối của câu đối đã khiến cho các học giả thời trước tranh cãi mà không tìm ra nghĩa gốc. Có nhiều vị còn cho rằng chữ viết sai và cần lại sửa câu đối thành "THUNG THANH" hoặc "Trang Thanh" mới là đúng. Điều này khiến cho câu đối càng được nhiều người đến chiêm bái nhưng chữ tự cổ vẫn chỉ là THU THANH 秋聲。(Chi tiết ở phần bình luận)


2. Câu đối ở Miếu Trung Liệt - Thái Hà ấp, tức Gò Đống Đa- Hà Nội

此 城 郭 此 江 山 百 戰 風 塵 餘 赤 地

爲 日 星 爲 河 岳 十 年 心 事 共 青 天

Thử thành quách, thử giang san,

bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên


Nghĩa là:

Này thành quách, này giang sơn, trăm trận phong trần dư thước đất;

Làm trăng sao, làm sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh).


Tưởng nhớ và ghi công những đóng góp của Cụ, TP Hà Nội đã đặt tên đường Vũ Phạm Hàm vào năm 2010. Đường Vũ Phạm Hàm kéo dài từ ngã tư giao với phố Nguyễn Khang, nối với cầu 361 ra đường Láng đến ngã tư giao với đường Trung Kính, nối với đường vào khu đô thị Nam Trung Yên đi ra Phạm Hùng.


Tại con phố này có trung tâm lưu trữ Quốc Gia 1. Nơi lưu trữ nhiều tư liệu có giá trị của các làng xã Việt Nam: Đinh bạ, Điền bạ, Đơn từ khiếu kiện..... của các làng thời phong kiến...


Ảnh: Đền Kiếp Bạc ngày xưa cùng câu đối nổi tiếng của đền và chân dung của cụ.(Nhiều báo online dẫn nhầm ảnh này là nhà bác học Lê Quý Đôn)