Tất cả » ĐB sông Hồng » Hà Nội » Quận Hà Đông » Bia Bà » KỂ CHUYỆN SỰ TÍCH BIA BÀ »
Tải lại | Mở cửa sổ riêng

KỂ CHUYỆN SỰ TÍCH BIA BÀ


Liên quan tới: Bia Bà

KỂ CHUYỆN SỰ TÍCH BIA BÀ

NGUYỄN MINH ĐĂNG

Cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Bia Bà là tấm bia ghi về sự tích Bà đệ nhị cung phi triều Mạc Thái Tông (1530- 1540).

Bà sinh ngày mồng 2 tháng 3 năm 1511 tại làng La Ninh huyện Từ Liêm trấn Sơn Tây, nay là thôn La Khê xã Văn Khê thành phố Hà Đông tỉnh Hà Tây. Sinh ra trong một gia đình thế phiệt nhiều đời làm quan trong triều, thân phụ Bà là Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân đời Lê sơ. Được trời phú cho tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người, nên Bà được nhiều gia đình danh giá đương thời muốn đón về làm dâu. Năm Minh Đức thứ 1 (1527) đời Mạc Thái Tổ, nhà vua cho đón Bà vào Đông cung chọn làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Đại Chính, Bà được phong làm Đệ nhị cung. Khi vào cung vua, Bà vẫn hay lam hay làm, thức khuya dậy sớm lo liệu thu xếp việc nhà rất là ổn thỏa. Năm 1532 Bà sinh được Hoàng tử, song cũng từ đó sức khỏe giảm sút, bệnh tật cứ đeo đẳng mãi làm cho Bà hao mòn sức lực. Năm 1538 vua cho Bà về dưỡng bệnh tại quê nhà La Ninh và cử các quan Ngự y về chạy chữa thuốc men rất tận tình, song vẫn không qua khỏi, đến ngày 16 tháng 11 năm ấy Bà qua đời ở tuổi 28. Triều đình cử nhiều viên quan giữ trọng trách trong triều mang lễ vật về điếu viếng rất trọng thể và đưa Bà đến nơi an nghỉ tại cánh đồng Đa Bang trong làng. Năm 1539 hai vị quan Đại phu trong triều là Tả Thị lang Bộ Lễ Nguyễn Tiến Thanh và Hiệu lý viện Hàn lâm Bùi Hoằng cùng trao đổi soạn thảo văn bia ghi lại.

Bia Bà sừng sững ở cánh đồng Đa Bang làng La Khê suốt ba thế kỷ rưỡi. Đến ngày 25 tháng 2 năm 1913, đất lún, bia đổ. Bấy giờ có một người làng La Khê (không rõ họ tên) ý thức được giá trị của Bia Bà, tự nghĩ rằng, đây là tấm bia của tiền nhân, nay bỗng bị đổ, chỉ sợ nước chảy đá mòn, người đời sau không đọc được bia nữa nên đã bỏ ra cả ngày trời cầm bút sao chép lại, để trong cuốn sổ Thánh tích của làng. Ít lâu sau Bia Bà lại được dựng như cũ. Thời gian thấm thoát đến những năm tám mươi của thế kỷ XX, bia lại đổ sụp. Sau đó bia được đưa về để ở sân đình làng La Khê. Từ đó khách thập phương đến chiêm bái mỗi ngày một đông. Thể theo nguyện vọng của đồng dân, Ban quản lý di tích làng La Khê đã tiến hành dựng nhà để bia vào ngôi đền thờ Bà ở ngay trong xây khuôn viên của đình. Nhận thấy đây là tấm bia có giá trị, không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về sự tích Bia Bà mà còn cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý giá về chế độ quan chức, nghi thức tế lễ, tập tục thờ cúng của vương triều Mạc (1527-1593), do vậy chúng tôi xin phiên âm toàn bộ nội dung của văn bia như dưới đây.

Phiên âm:

Quốc Oai phủ Từ Liêm huyện La Ninh kỳ hương dã. Tổ khảo húy Thiện, phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thái bảo; Tổ tỉ tính Nguyễn thị húy Trù, phong Liệt phu nhân. Hiển khảo Trần tính, húy Chân dĩ công phong Thiết Sơn bá, Dũng quận công. Tỉ tính Trần thị, huý Tú, phong Huy phu nhân.

Phi, Lê triều Hồng Thuận tam niên Tân Mùi tam nguyệt sơ nhị nhật Quý Mùi Mão thì sinh. Xuất phù hoa phiệt, khác định nhu nghi nhi văn định quyết tường dĩ dự bốc hĩ. Thuộc hoàng thượng chi nhật, ứng tàm sinh chi kỳ. Giám quỹ tại trung, động tuân lễ pháp. Minh Đức nguyên niên Đinh Hợi Thái thượng hoàng thụ mệnh thống kiến trung dụ hậu, Hoàng thượng khảo thần trung mông hưu đức, Phi phụng thị vu Đông cung. Đại Chính nguyên niên Canh Dần Hoàng thượng thụ mệnh đế thiền tự di luân, Phi phụng cư vu Đệ nhị cung. Địch phất thừa vinh, kê minh tiến giới, tương thành chi đạo cái hữu lực yên. Tam niên Nhâm Thìn ngũ nguyệt sơ nhất nhật Mậu Thân đản sinh hoàng tử đệ ngũ tử, lý hòa hùng bi chi triệu, lân chỉ chi nhân hữu túc trưng giả. Cửu niên Mậu Tuất lục nguyệt nhị thập tam nhật Giáp Tý Phi nhân tọa nhục chi cố cảm nhi thành tật. Thập nguyệt nhị thập nhất nhật Tân Dậu phụng quy dưỡng La Ninh chi cố trạch. Bản nguyệt trục nhật Hoàng thượng mệnh Tư lễ giám Tổng Thái giám Tham tri giám sự Lê Ngọc Uyển, Tư lễ giám Hữu đề điểm Nguyễn Nhượng, Cung môn Thừa chế phụng sự Lê Quý Đô, Giám sát phụng ngự Đỗ Khanh, Bản cung Cung phó Dương Quang Bật, Nữ quan Hồ Tiếu Ứng đẳng chẩn trị, y liệu đa phương nhi thần đan võng hiệu, khởi phi mệnh da? Thập nhất nguyệt thập lục nhật Bính Tuất Dần thì mệnh chung, xuân thu nhị thập bát.

Hoàng thượng văn phó nhi xuyết triều, tức nội nhật đặc mệnh Bắc quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Khánh Sơn bá Trần Ôn đổng tang sự. Thập niên Kỷ Hợi bát nguyệt nhị thập ngũ nhật Kỷ Mùi đặc mệnh kính sắc Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Đô sát Tổng thái giám Chưởng giám sự Lễ Giang bá Đỗ Khải Đễ tê kim sách phong vi Bảo Huy phi, thụy Thận Nghi, thị huy hiệu dã. Cửu nguyệt sơ cửu nhật Quý Hợi Phi khải thấn, hựu mệnh Lễ Giang bá Đỗ Khải Đễ úy dụ tịnh mệnh Tư lễ giám Tả đề điểm Ngô Thì Đạt tê cổ tiền tứ bách ngũ thập quan đại điếu, thị tuất điển dã. Nhị thập ngũ nhật Canh Dần phát dẫn táng vu Từ Liêm chi Đa Bang xứ, Quý sơn Đinh hướng. Kỳ sức chung chi lễ, tính văn bị hĩ.

Y! Phi chi u nhàn trinh tĩnh nhu thận huy gia, năng kiệm năng cần khắc tu nội chức, tuy Dịch Thi sở xưng đãi bất quá. Thị nghi hưởng phúc khánh ư vô cùng dã, nhi hạp nhiên hà thệ, lương khả ai dã! Kỳ thục hạnh ý đức, hạp kỷ vu trinh mân dĩ thuỳ bất hủ.

Minh viết:

Vận khai hoàng đạo,

Thiên hựu thánh quân.

Hiền phi duy đức,

Sư tải lai tân.

Đoan trinh thục thận,

Kính giới kiệm cần.

Hành tất hữu thường,

Ngôn tất hữu vật.

Đạo tận tương thành,

Sự vô khuyết thất.

Hồ giáo mục tuyên

Hoà khí lưu dật.

Hùng thần triệu hiệp,

Lân chỉ thi canh.

Phúc khánh diễn nhạ,

Môn hộ hiển vinh.

Phương liên Giản Địch,

Mỹ lệ Nữ Anh.

Dĩ bách vi kỳ,

Thùy tất hữu mệnh.

Thái muộn hiên tinh,

Mộng hồi tiên cảnh.

Huệ lộ triêu hi,

Lan phong xuân lãnh.

Uyên trung khúc chẩn,

Ân kỷ hậu suy.

Nhân sơn định chế,

Tức viễn giới kỳ.

Trinh mân chí thực,

Vạn cổ chiếu thùy.

Đại Chính thập niên Kỷ Hợi mạnh đông cốc nhật.

Phụng chế đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện Thị độc Chưởng hàn lâm viện sự Tư chính thượng khanh thần Nguyễn Tiến Thanh, Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý thần Bùi Hoằng, đồng soạn.

Dịch nghĩa:

Làng La Ninh huyện Từ Liêm là quê hương của Bà phi. Ông nội của bà húy là Thiện, được phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bảo; bà nội họ Nguyễn huý là Trù, được phong là Liệt phu nhân. Thân phụ của bà họ Trần, húy là Chân, do có công lao được phong là Thiết Sơn bá, rồi Dũng Quận công; thân mẫu họ Trần, húy là Tú, được phong là Huy nhân.

Bà phi sinh vào giờ Mão mồng 2 ngày Quý Mùi tháng 3 năm Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời Lê. Xuất thân trong gia đình thế phiệt, cung kính giữ đạo khôn nhu thuận mà điềm báo tốt lành sớm đã định sẵn. Ngày tháng thuộc về Hoàng thượng, ứng kỳ thẹn lẽ sinh ra. Chăm sóc bên trong, tuân theo lễ phép. Năm Đinh Hợi niên hiệu Minh Đức thứ nhất (1527) Thái thượng hoàng vâng mệnh nắm quyền mở mang cho đời sau, Hoàng thượng bấy giờ đội bao ân đức, bà phi vâng mệnh vào hầu Đông cung. Năm Canh Dần niên hiệu Đại Chính thứ 1 (1530) Hoàng thượng vâng mệnh hoàng đế nhường ngôi, nắm quyền đạo thống, bà phi vâng mệnh vào ở Đệ nhị cung, xe ngựa vẻ vang, sớm khuya nhắc nhở, đạo cả hoàn thành, có lẽ nhờ sự giúp sức của bà phi vậy. Vào ngày Mậu Thân mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính thứ 3 (1532) sinh ra Hoàng tử thứ 5, ứng vào điềm lành hùng hủy, thời đức nhân thấy gót kỳ lân, thực đã rõ ràng. Đến ngày Giáp Tý 30 tháng 6 năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) do mắc bệnh hậu sản cảm mạo rồi thành tật. Đến ngày Tân Dậu 21 tháng 9 bà về dưỡng bệnh tại nhà ở cũ làng La Ninh. Tháng này, hàng ngày Hoàng thượng sai các quan Tư lễ giám Tổng Thái giám Tham tri giám sự Lê Ngọc Uyển, Tư lễ giám Hữu đề điểm Nguyễn Nhượng, Cung môn Thừa chế phụng sự Lê Quý Đô, Giám sát phụng ngự Đỗ Khanh, Bản cung Cung phó Dương Quang Bật, Nữ quan Hồ Tiếu Ứng vâng mệnh ban cấp cho 400 quan tiền cổ; lại sai các quan Ngự y An Kim Bảng, Đàm Hữu Luân chữa trị. Mặc dù trăm phương chạy chữa, song thuốc thần cũng không có hiệu quả, vậy há chẳng phải mệnh trời ru? Đến giờ Dần ngày Bính Tuất 16 tháng 11 bà mất, hưởng dương 28 năm.

Hoàng thượng nghe được tin buồn bèn nghỉ buổi chầu, ngay hôm ấy liền sai viên Tả đô đốc ở phủ Đô đốc đạo Bắc quân là Khánh Sơn bá Trần Ôn trông coi việc tang lễ. Ngày Kỷ Mùi 25 tháng 8 năm Kỷ Hợi niên hiệu Đại Chính thứ 10 (1539) quan Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Đô sát Tổng thái giám Chưởng giám sự Lễ Giang bá Đỗ Khải Đễ vâng mệnh mang kim sách đến phong cho bà phi là Bảo Huy phi, lấy tên thuỵ là Thận Nghi, tức là làm rạng rỡ tên hiệu của bà. Ngày Quý Hợi mồng 9 tháng 9 làm lễ khải thấn, lại sai Lễ Giang bá Đỗ Khải Đễ đến phủ dụ, đồng thời sai Tư lễ giám Tả đề điểm Ngô Thì Đạt mang 450 quan tiền cổ về điếu viếng bày tỏ điển lễ thương xót. Đến ngày Canh Dần 25 tháng ấy, đưa linh cữu về an táng tại xứ Đa Bang huyện Từ Liêm, tọa Quý sơn hướng Đinh. Nghi lễ tống chung và văn tế đều có đầy đủ cả.

Ôi ! Đức tính điềm tĩnh thận trọng thư thái nhàn nhã của bà phi đã giúp bà cần kiệm thu xếp ổn thỏa mọi việc trong nhà cho dù những người được tán thán trong Kinh Thi, Kinh Dịch cũng không hơn thế được. Đáng lẽ bà phải được hưởng phúc khánh nhiều vô cùng, song không hiểu sao sớm đã quy tiên, thật đáng thương thay. Bà phi có nhiều đức hạnh cao đẹp như vậy, sao chẳng đem khắc vào bia đá để lưu truyền bất hủ ư?

Bài minh rằng:

Vận mở nền hoàng đạo

Trời phò giúp thánh quân.

Hiền phi sẵn tài đức

Được nạp làm cung tần.

Đoan trang và hiền thục

Cung kính lại kiệm cần

Hành động đúng khuôn phép

Nói như đanh đóng cột

Thánh đo được hoàn thành

Việc làm chẳng sai sót

Hiếu thuận thường xiển dương

Hòa khí đầy trời đất.

Hùng bi ứng điềm lạ

Kỳ lân thơ họa thành.

Phúc khánh kéo dài mãi

Cửa nhà được hiển vinh.

Tiếng thơm như Giản Địch

Nét đẹp sánh Nữ Anh

Trăm năm một kiếp người

Ai là không có mệnh

Nhạt nhòa ánh hiên tinh

Mộng về nơi tiên cảnh

Hương huệ buổi sớm thưa

Gió lan hơi buốt lạnh.

Trong đầm ánh sao Chẩn

Ơn vua đâu sánh bì

Núi nhân đã định chế

Xa xăm ấy hạn kỳ.

Bia đá chép sự thực

Muôn thuở còn nhớ ghi.

Ngày tốt tháng 10 năm Kỷ Hợi (1539) niên hiệu Đại Chính.

Phụng chế Đại phu Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện Thị độc Chưởng Hàn lâm viện sự Tư chính thượng khanh Nguyễn Tiến Thanh và Cẩn sự lang Hàn lâm viện Hiệu lý Bùi Hoằng cùng soạn./.

(Tạp chí Hán Nôm; Số 6 (85) 2007; Tr.72 - 75)