Năm
1680, Mạc Cửu, một di thần nhà Minh ở Trung Quốc đến vùng Mang Khảm
chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú
Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức
Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu
tiên trên vùng đất Bạc Liêu.
Năm
1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa
Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, phong
Mạc Cửu là Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập
dinh trại đồn trú tại Phương Thành, nhân dân quy tụ ngày càng đông.
Năm
1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra
Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất
phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được
bãi bỏ.
Năm
1802, vua Gia Long lên ngôi. Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia
Định cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức
Vĩnh Long), Hà Tiên.
Năm
1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh: Biên
Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ
Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc
Trăng và Bạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào.
Ngày
5-1-1867, thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ. Đến ngày 5-6-1876, Pháp
chia Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (inspection - có người dịch là khu
thanh tra) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm.
Năm
1877, Pháp điều chỉnh Nam Kỳ còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18-12-1882,
Pháp cắt 3 tổng: Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý
(Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia)
và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt
Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu).
Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý: Vĩnh
Lợi và Vĩnh Châu.
Ngày
20-12-1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi
thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1-1-1900, sắc lệnh trên được áp
dụng cho toàn Nam Kỳ.
Năm
1904, quận Vĩnh Lợi cắt một phần đất phía bắc nhập thêm vào quận Vĩnh
Châu. Diện tích của tỉnh Bạc Liêu lúc này là 740 nghìn ha.
Năm
1918, chính quyền thực dân Pháp cắt một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi
và một phần đất phía bắc quận Cà Mau thành lập quận Giá Rai.
Ngày
25-10-1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận
hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh
Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà
Mau lập thành tỉnh An Xuyên.
Ngày
8-9-1964, Ngụy quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc
Liêu gồm các quận: Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và Phước Long (Rạch
Giá). Địa phận này tồn tại cho đến ngày 30-4-1975.
Về
phía chính quyền cách mạng: việc phân chia địa giới hành chính tỉnh Bạc
Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khác hẳn chính
quyền Sài Gòn. Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc tỉnh Rạch Giá giao hai
làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Năm
1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc
Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển.
Ngày
13-11-1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc
Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc
Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới.
Năm
1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông,
Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh
Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.
Sau
Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc
Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh
Lợi và thị xã Bạc Liêu được tái lập.
Năm
1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh
Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng
quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh
Lợi - Vĩnh Châu.
Năm
1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc
Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu,
thành lập huyện Vĩnh Châu.
Tháng
11-1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn
vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu.
Vào
đầu năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam
hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau thành tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau, đến
gần giữa năm 1976 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau đổi tên thành tỉnh Minh Hải.
Ngày 1-1-1997, tỉnh Bạc Liêu được tái lập lần thứ hai và giữ nguyên cho đến ngày nay.
Xuất xứ tên gọi Bạc Liêu
Danh
xưng “Bạc Liêu”, đọc theo tiếng Trung, giọng Triều Châu là Pô Léo, có
nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi
biển. Pô phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”.
Một
giả thuyết khác cho rằng: Pô là bót, đồn. Liêu là Lào (Ai Lao) theo
tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một
đồn binh của người Lào.
Còn
người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên gọi vùng
đất này là Phêcheri - chaume (đánh cá và cỏ tranh). Ngoài ra còn một số
giả thuyết khác.
Nguồn: Bạc Liêu Thế và Lực trong thế kỷ XXI