Tất cả » Đông Bắc Bộ » Bắc Giang » Tân Yên » Lăng họ Giáp » Đến Lăng Giáp Đăng Luân ngắm nhìn các di vật đá »
Tải lại | Mở cửa sổ riêng

Đến Lăng Giáp Đăng Luân ngắm nhìn các di vật đá


Liên quan tới: Lăng họ Giáp

Đứng trên cầu Quận đoạn km số 10 tỉnh lộ 398 tuyến thành phố Bắc Giang đi Cao Thượng, dõi nhìn về bên kia bờ nước mênh mông của con sông Ngao cổ hiện lên một công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, đó là lăng họ Giáp - Lăng Phục Chân Đường, xã Việt Lập, huyện Tân Yên.

Dấu tích của công trình kiến trúc cổ

Lăng nằm trên một ngọn đồi thấp, thuộc làng Vườn, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Lăng có diện tích chừng 500m2, là nơi an nghỉ của Quận công Giáp Đăng Luân làm việc dưới triều Lê - Trịnh. Lăng được xây dựng vào những năm 1728-1733, khi Giáp Đăng Luân còn sống, ông lấy đây làm chốn dưỡng nhân, khi mất lại chôn cất tại đó.

Vào thăm khu lăng, ta được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ còn khá vẹn nguyên như ngày đầu khởi tạo. Toàn bộ khu lăng được bao bọc bởi tường xây gạch cổ, xen các khối đá xanh thẫm.

Phục Chân Đường trước đây có ba toà nhà lớn, mỗi nhà 5 gian, làm theo lối chồng diêm, chữ tam, kề nhau với các tòa tiền đường, trung đường và chính đường (ba tòa nhà này được gọi với cái tên chung là Phục chân đường). Tiền đường là ngôi nhà để các linh vật đá, linh nhân đá. Hai con nghê đá ngồi uy nghiêm hai bên hồi. Bốn viên thị thư được tạo dáng gần bằng người thật túc trực hai hàng. Đáng tiếc là cách đây vài chục năm, người ta đã dỡ đi mất ngôi Tiền Đường, nên Phục Chân Đường bây giờ chỉ còn lại hai nhà: Trung Đường và Chính đường.

Giáp Đăng Luân – Đức thơm lừng núi sông

Di vật quan trọng ở Trung Đường là hai bia đá, cùng khắc vào năm 1729 (trước khi Ngài mất 8 năm). Bia số 1 (bên trái) khắc vào cuối hạ, bia số 2 (bên phải) khắc vào giữa thu, nét chữ to, đẹp, rõ.

Ngôi chính đường, có khám và bệ thờ đặt đồ thờ, Ngai, bài vị. Hai bên khám có đủ long trùy, chấp kích uy nghi. Đáng chú ý nhất ở đây là bài vị và bức hoành phi. Bài vị ghi: “Tiền đặc tiến, Phụ quốc thượng tướng quân, Phong tặng Tham đốc thượng trụ quốc, Lập quận công, Giáp tướng công đại vương, Thần vị”. Theo đó Giáp Đăng Luân, trước được đặc tiến “Phụ quốc thượng tướng quân” và sau đó được phong tặng “Tham đốc, thượng trụ quốc, Lập quận công”.

Như vậy theo quan chế triều Lê, ngài được xếp vào hàng Tòng Nhị Phẩm. Bức hoành phi lớn, treo giữa từ đường, ca ngợi đức độ của Ngài với hàng đại tự: “Đức hinh sơn”. Nghĩa là Đức thơm lừng núi sông. Điều này gợi ta nghĩ đến văn bia “Đức hinh sơn ngưỡng từ bi ký” của dòng họ Giáp, tại thôn Đông La xã Quế Nham, viết vào năm 1724: “Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân … luôn lấy khiêm nhường để răn bản thân, giàu có không xa xỉ kiêu ngạo, đem hết sức mình để làm việc chung, lấy điều hiền thảo dạy bảo con cháu, lấy điều khoan với dân, được người đời truyền tụng và là niềm tự hào của dòng họ. Đã cấp cho bản xã 10 mẫu ruộng, 100 lượng bạc dòng, 500 quan tiền sử…” và câu chuyện tương truyền trong dân gian, chính Lập Quận Công là người giúp dân xây dựng cầu Kim Tràng xưa, nên cầu có tên Cầu Quận.

Quả thật một con người, khi còn trẻ đã hy sinh tất cả bản thân vì sự nghiệp “Trung Quân ái Quốc”, đến khi về già lại công đức tất cả của cải cho nhân dân làng xã như vậy, thì dẫu có ca ngợi “Đức thơm lừng sông núi” cũng không có gì là quá đáng.

Chiêm ngưỡng các di vật đá

Phía sau Phục Chân Đường là khu mộ - nơi an nghỉ của Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân. Trên cổng vào khu mộ khắc ba chữ Hán với cái tên thật gợi cảm: Tiêu Dao Am (Am của một người thong thả chơi xa). Tôi chợt nhớ đến một câu Kiều “Đã đem mình bỏ am mây/ Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa”. Mộ Ngài (theo lời các cụ ở đây kể) đổ mui luyện dài, trong quan, ngoài quách, đều bằng đá xanh. Quanh mộ lại có thêm một lớp tường thấp như là tường hoa quây vuông và quây cả lối đi về đến cổng. Cách đây hơn chục năm, kẻ gian tưởng rằng dưới mộ có nhiều của nả lắm đã vào đào trộm. Nhưng chỉ đào được đến lớp đá xanh thì phải bó tay không cạy nổi. Bây giờ nhân dân đã lấp thêm một lớp đất dày trên mộ.

Đến Tiêu Dao Am, Phục Chân Đường ta còn được chiêm ngưỡng các di vật đá. Nhìn từ sân Phục Chân Đường vào, ta thấy các di vật bằng đá được bài trí cân đối, hài hoà, theo một trục thẳng, các di vật được đặt đối nhau từng đôi một theo trục cổng chính. Hai con chồn nghểnh đầu bên giả sơn. Đôi chó đá ngồi canh bên cổng. Hai con sấu rạp mình phủ phục, ngoái cổ nghểnh đầu chầu trước cửa. Hai con nghê đá ngồi uy nghiêm hai bên hồi. Bốn viên thị thư túc trực hai hàng ở trung đường. Hai nữ quan gần cửa được tạo dáng gần giống nhau. Đội mũ trùm đầu xuống gáy gọn gàng. Mình mặc áo giáp ngắn, cổ tròn, có nẹp nổi với hai đinh đồng, cúc bạc, gắn dọc từ cổ xuống đến đai lưng, cây côn dựng hơi chéo sát sườn, một tay đặt hờ trên chỏm, còn tay kia nắm nhẹ ngang côn. Đáng lưu ý ở đây có hai linh thú rất lạ được bày đặt đối diện nhau, nằm phủ phục trên bãi cỏ. Thú có cái đầu tròn, mặt như thể cúi xuống, dấu kín vào hai chân trước, lưng cong kéo vồng xuống mông, hai chân trước xoài rộng ra hai bên... Tất cả đã tạo nên một quần thể di vật đá được chạm khắc tinh tế, điêu luyện, mang phong cách đặc trưng thời Lê Trung Hưng (thế kỉ XVIII).

Đến với lăng Giáp Đăng Luân, ngắm nhìn những di vật quý đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt 300 năm qua, chúng tôi vô cùng khâm phục và biết ơn tấm lòng và công lao của bà con nơi đây. Quả là các dòng họ đã thực hiện rất tốt đoan ước của mình, làm cho Lăng Giáp Đăng Luân trở thành một trong những di tích được giữ gìn tốt nhất trong khu vực, để bây giờ chúng ta được chiêm ngưỡng một di tích gần như nguyên gốc, để bây giờ chúng ta có được một điểm lấy và rước lửa cho lễ hội Cầu Vồng... Chắc anh linh Giáp Đăng Luân tiêu dao, mỗi lần về thăm cũng vui vẻ, ngậm cười nơi tiên cảnh.

Nguyễn Văn Hợi

Tạp chí Làng Việt