Bến Ninh Kiều có từ bao giờ PDF. In Email
Thứ sáu, 29 Tháng 6 2012 09:24

 

Bến Ninh Kiều là một địa điểm mà du khách hay tìm đến khi tới Cần Thơ. Người Cần Thơ tự hào “Cần Thơ có bến Ninh Kiều, có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”. Nhưng bến Ninh Kiều có từ bao giờ đến nay chưa có tài liệu nào ghi rõ.

Ninh Kiều ngày ấy.

Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, trong quyển sách Cần Thơ xưa và nay, xuất bản năm 1966 có kể về một giai thoại. Khi chưa lên ngôi vua, Nguyễn Ánh vào Nam đã đi qua nhiều nơi ở vùng châu thổ Sông Cửu Long. Một hôm đoàn thuyền của ông đi theo sông Hậu vào địa phận thủ phủ Trấn Giang (Cần Thơ xưa). Đêm vừa xuống thì đoàn thuyền cũng vừa đến vàm sông (Bến ninh kiều ngày nay). Giữa đêm trường canh vắng, vọng lại nhiều câu ngâm thơ, hò hát, tiếng đàn, tiếng sáo hoà nhau nhịp nhàng. Chúa thầm khen về một cảnh quan sông nước hữu tình và ban cho con sông này cái tên đầy thơ mộng là Cầm Thi giang.

Theo người dân ở đây thì bức tường này có từ khi bến này đổi tên thành Ninh Kiều.

Ảnh: Lê Diện

Phần sau của cuốn sách nói về bến Ninh Kiều còn dẫn kể thêm, sau thời gian quân Pháp đến chiếm Trấn Giang của Nam triều, lập Tòa Bố tại Cần Thơ do đại úy Nicolai làm Chánh tham biện từ 1876, bến Cần Thơ được chỉnh trang đá xây gạch để ngăn sóng dọc theo bờ sông. Thông thường chỉ là bến ghe, bến tàu lục tỉnh, vì các tàu bè chạy khắp miền Hậu Giang đều ghé bến ở đây mà chuyển vận hàng hóa, đưa rước khách. Do đó bến này được mang tên là Quai deCommerce, dịch là: bến thương mại. Người dân ở bến thường gọi bằng cái tên dân dã hơn là bến Hàng Dương, vì dọc bờ sông có hàng cây dương.

Cầu Cần Thơ nhìn từ dưới ghe chạy trên sông hậu, đoạn gần bến Ninh Kiều. Ảnh: Lê Diện

Một người Việt xa xứ cho xuất bản cuốn sách Quê hương xa mãi ngút ngàn vào năm 2000, ở Mỹ đã kể lại thời trước khi qua Mỹ định cư, gia đình ông sống ở Cần Thơ thời đó bến hàng dương đã đổi thành bến Ninh Kiều. Cuốn sách viết năm 1957, Tỉnh trưởng Phong Dinh (tên gọi khác của Cần Thơ) thời Đệ nhất Cộng Hoà, ông Đỗ Văn Chước đã cho lập nơi bến sông này một công viên cây kiểng và bến dạo mát.

Do đề xuất của ông Ngô Văn Tâm, Trưởng ty Nông Nghiệp, đồng thời phụ trách đoàn Thanh Niên 4T (tức Khuyến Nông), ông Đỗ Văn Chước đã đệ trình lên Tổng Thống Ngô Đình Diệm xin đặt tên công viên và bến là Ninh Kiều. Ông đã dựa vào lịch sử Việt Nam, lấy tên một địa danh lịch sử chiến thắng quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi thống lãnh. Trận đánh diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm Bính ngọ (tức ngày 13-9-1426), khi nghĩa quân Lam Sơn tiến quân ra Bắc, Đô Bí Lý Triển và Trịnh Khả mai phục giặc ở Ninh Kiều và đã chiến thắng hoàn toàn, tiêu diệt trên 2.000 quân Minh. Tướng giặc là Trần Trí phải tháo chạy về Đông Quan (Hà Nội ngày nay) chờ quân cứu viện..

Ngày 4 tháng 8 năm 1958, ông Lâm Lễ Trinh, người quê quán Cái Răng (Cần Thơ), Bộ Trưởng Nội Vụ thời Đệ nhất Cộng Hoà, đã từ Sài Gòn xuống Cần Thơ dự lễ cắt băng khánh thành, đọc Nghị định đặt tên công viên và bến Ninh Kiều theo đề nghị của ông Đỗ Văn Chước.

Đến nay, quanh khu vực bến được đổi tên thành quận Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều trở thành một điểm nhấn du lịch của Cần Thơ.

Ngày nay, ở Ninh kiều đêm là lúc vui nhất

Đêm trên bến, đèn sáng dọc bờ sông, thứ ánh sáng ấy lấn áp cả ánh sáng của tàu bè đến nỗi trên sông chỉ còn lại màu đen như màu cà phê đặc. Xa xa, có tiếng nói cười, tiếng rao bán và cả tiếng tâm tình nhỏ nhỏ của những đôi tình nhân.

Bến Ninh Kiều ngày nay đẹp rực rỡ dưới ánh đèn đêm. Ảnh: Internet

Có ai đó đang ca điệu buồn phương Nam trên chiếc du thuyền còn lại trên sông. Người bán vé ở khu vực bán vé tàu du lịch Ninh Kiều 1 rút ra tập vé chỉ còn cùi, anh lắc đầu “Đêm nay hết vé coi hát trên sông. Có đi xem chợ nổi vào sáng mai thì anh bán, giá cũng như coi hát, 30.000 thôi”. Ở gần đó có giọng mấy chị chèo ghe “có ai đi chơi sông hậu không?”.

Mùi của mực nướng, bánh tráng nướng từ phía ngoài công viên Ninh Kiều phảng phất vào tận trong bến.

Bên ngoài bến, đèn sáng rực rỡ. Cứ cách 100m lại có dãy phố chạy dài, có điều lạ là mỗi dãy bán một mặt hàng khác nhau, có phố bán quần áo, phố đồ ăn chay, lại có phố chỉ bán trái cây.

Gần 10 giờ đêm, du thuyền về bờ, một vài người khách còn tiếc chưa được nghe bài vọng cổ mà mình yêu thích, một nghệ sĩ đọc bài thơ tiễn biệt khách.

Cần Thơ có bến Ninh Kiều

Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân

Cuộc đời luống những phù vân

Trở về bến cũ cố nhân xa rời.

LÊ DIỆN

 

 

Logo Chính thức ĐH Đoàn Sở

thiet ke nha-- thiet ke biet thu-- thiet ke nha ong-- blackberry

"BẢN HÙNG CA TUỔI TRẺ"

http://d.f12.photo.zdn.vn/upload/original/2012/09/21/22/55/1348242900190496_574_574.jpg

Năm An Toàn Giao Thông - 2012

Link Liên Kết