Chùa Nành: Cổ tự quý giá và di tích cách mạng
image

Chùa Nành (còn gọi là Pháp Vân cổ tự) ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào loại lớn nhất ở miền Bắc nước ta.

Tứ Pháp là bốn vị Phật nữ tính của sơn môn: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Tứ Pháp là bốn hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, sấm, chớp trong tín ngưỡng phồn thực được Phật hóa. Các triều đại phong kiến thường rước tượng Tứ Pháp, tắm tượng, cầu mưa để mong mùa trồng lúa được tươi tốt. Chùa Nành (còn gọi là Pháp Vân cổ tự) ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào loại lớn nhất ở miền Bắc nước ta.

Nằm ở thế đất “rồng cuốn, hổ chầu”, tổng thể kiến trúc của chùa được trải dài với tòa tiền đường 7 gian 2 chái, nhà thiêu hương 6 gian và 3 thượng điện. Nhà giải vũ hai bên nối liền từ tiền đường xuống điện Mẫu. Nổi bật nhất của kiến trúc chùa Nành là tòa thủy đình (còn gọi là phương đình) được đặt trên hồ nước. Tòa thủy đình có 2 tầng 8 mái có thể dùng làm nơi biểu diễn múa rối nước trong ngày hội lễ như ở chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Hội của chùa Nành còn gọi là hội “nâng phan” chỉ có ở làng Nành. Cây phan tượng trưng cho khóm lúa. Khóm lúa được nâng lên khỏi miệng hố, thể hiện ước vọng của cư dân nông nghiệp cầu mong cho sự no đủ, hạnh phúc.

Ngũ môn của chùa được xây hai tầng kiểu vòm cuốn bằng đá xanh. Tòa tiền đường có kiểu dáng độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Sát hai bên hồi, nổi lên hai góc mái nhỏ, mỗi góc 4 mái, có 4 đao nhỏ cong vút tỏa ra 4 phía: đó là gác chuông và gác khánh. Nằm giữa 2 góc có đôi rồng chầu mặt trăng khá lớn, tạo vẻ uy nghi, đường bệ mà vẫn gần gũi với đời thường. Bộ vì kèo làm theo kiểu “thượng cốn, hạ kẻ” cũng là một nét đặc trưng của kiến trúc chùa Nành.

Tòa thượng điện có nền cao hơn so với xung quanh giúp chúng ta biết được ngôi chùa rất cổ, ít nhất có từ thời Mạc. Điều này hoàn toàn phù hợp với tấm bia đá dựng năm Diên Thành thứ 6 (1583). Ngoài tượng Pháp Vân, chùa Nành còn có 116 tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác tỉ mỉ, công phu. Nhiều tượng có niên đại nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17, 18 và 19.

Ở hành lang của chùa còn có tượng các vị tổ truyền đăng (tức các tổ đem ánh sáng của Phật truyền cho đời) mà người Việt thường gọi là 18 vị La Hán. Đáng chú ý là hình tượng một vị tổ được tạc trên hòn đá tự nhiên. Đây cũng là một hiện tượng riêng có ở chùa Nành mang chất nghệ thuật truyền thống của người Việt.

Hệ thống di vật trong chùa rất phong phú về thể loại và chất liệu. Đó là những bia đá, chuông đồng, khánh đồng, thần phả, sắc phong cổ và quý từ các vương triều Lê, Mạc đến Tây Sơn và Nguyễn. Đáng lưu ý là quả chuông “Pháp Vân tự” niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653). Quả chuông mang phong cách nghệ thuật đúc đồng thời Mạc (thế kỷ 17) khá đặc sắc: quai có hình 2 con rồng chạy ra, đuôi rồng chầu vào nhau, đầu rồng bò xuống thân chuông. Núm chuông trang trí các hình hoa cúc, viền chuông bằng cánh hoa sen cách điệu. Vai chuông thon, đáy nở theo kiểu “thượng thu, hạ thách”. Có thể thấy đây là một trong số không nhiều quả chuông cổ và quý còn lại trong các ngôi chùa ở nước ta.

Chùa Nành có nguồn sử liệu và di vật đa dạng thực sự là di sản văn hóa quý giá của Thủ đô và cả nước, được nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đến nghiên cứu. Không chỉ là công trình Phật giáo mà chùa Nành còn là di tích cách mạng. Năm 1907, chi hội của Đông kinh nghĩa thục – một tổ chức giáo dục của văn thân yêu nước Bắc Kỳ, được thành lập tại xã Ninh Hiệp, do cụ Cử Huyên đứng đầu, trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng yêu nước và canh tân của vùng Bắc Ninh. Từ năm 1942 đến 1945, chùa Nành là cơ sở cách mạng của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng và nhiều cán bộ lão thành cách mạng khác. Trong giai đoạn này, chùa Nành do sư cụ Phạm Thông Hoa trụ trì. Nhà sư Nguyễn Khắc Mỹ giúp việc cho sư cụ, được phân công bảo vệ và phục vụ sinh hoạt cho các cán bộ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày nay, người dân Ninh Hiệp đã nổi tiếng về làm kinh tế năng động nên đời sống khá giả hơn các vùng quê khác. Họ đang phát huy truyền thống văn hóa yêu nước và cách mạng để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và không có gì thay đổi thì từ giữa tháng 8/2009, nơi đây sẽ bắt đầu xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân tại quê hương của bà – làng Phù Ninh (làng Nành), xã Ninh Hiệp. Đây thực sự là một việc làm đầy ý nghĩa được nhiều tổ chức và cá nhân hưởng ứng ủng hộ.

Subscribe to comments feed Phản hồi (1 bài gửi)

nguyenvanthanh 13/02/2011 22:17:36
danh lam thang canh que toi day
tổng cộng: 1 | đang hiển thị: 1 - 1
Tên người gửi:
Địa chỉ mail:

Bộ gõ tiếng Việt Bật Tắt
Captcha
Thông tin tác giả
Admin
Đăng nhập