Đền Kỳ Sầm thuộc Bản Ngần, xã Vinh Quang huyện Hòa An, cách trung tâm thị xã Cao Bằng theo hướng Pắc Pó khoảng 5km, cũng chính là con đường dẫn đến Cây Nghiến đại thụ, cây đầu tiên được vinh danh Cây Di sản Việt Nam tại Cao Bằng.
Nùng Trí Cao (1025 – 1055) vị thủ lĩnh người dân tộc Tày, năm 1042 được vua Lý Thái Tông phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên. Khi Nùng Trí Cao mất, vua Lý rất lấy làm thương tiếc, sắc phong là Khâu Sầm Đại Vương, cho lập đền thờ (năm 1055). Hàng năm, vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, lễ hội Đền Kỳ Sầm được tổ chức rất to, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh về tham dự.
Đền Kỳ Sầm đang được trùng tu. Khuôn viên rộng đẹp trên ngọn đồi nhìn thẳng ra sông phía trước. Ấn tượng mạnh từ xa vào là cụm 3 cây đại thụ tạo một vòm lá xanh uy nghiêm, vừa linh thiêng vừa gần gũi. Nằm chính giữa là cây gạo đường kính trên 1m, thân thẳng như cây cột chống đỡ một cành đa lớn. Tán đa tỏa rộng sân đền, rất ít rễ phụ, nhưng hùng vĩ, bề thế. Phía bên kia là cây muỗm, đường kính có thể tới gần 2 mét. Mỗi cây một vẻ, nhưng tán lá chụm lại, cành giao nhau thành một thể thống nhất.
Đoàn VACNE như mê mẩn trước vẻ hùng vĩ và uy nghiêm của cụm cây Đa – Muỗm – Gạo. Vừa chiêm ngưỡng một di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia, vừa đo đếm, ước lượng chu vi, đường kính, chiều cao của cụm cây. Các thành viên của Đoàn cho rằng, với di tích lịch sử của ngôi Đền gần 1000 năm, với phép so sánh xác định tương đối tuổi cây, cụm Đa – Muỗm – Gạo này cũng phải có trên dăm trăm năm tuổi. Kết hợp với một cây muỗm phía trước và một cây lim hùng vĩ phía sau, tổ hợp cây Đa – Muỗm – Gạo – Lim Đền Kỳ Sầm Cao Bằng xứng đáng được tôn vinh Cây Di sản Việt Nam.
Mong sao Ban Quản lý di tích Đền Kỳ Sầm phối hợp với Hội BVTN&MT Cao Bằng và chính quyền địa phương lập hồ sơ đăng ký Cây Di sản Việt Nam cho cụm cây Đa – Muỗm – Gạo – Lim này.
Bích Thủy - VACNE