NTO - Lăng Thiệu Trị có tên chữ là Xương Lăng - nơi chôn cất hoàng đế Thiệu Trị, nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, cách Kinh thành Huế chừng 8km. Đây là một di tích trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng, đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.
Cách lăng 8km về phía trước, ngọn núi Chằm sừng sững được chọn làm tiền án, dòng sông Hương chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường. Ngay cách chọn “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ” cũng có những nét khác thường: đồi Vọng Cảnh ở bên này sông được chọn làm “rồng chầu”, nhưng “hổ phục” lại là ngọn Ngọc Trản ở bên kia sông. Đằng sau, núi Kim Ngọc xa mờ trong mây được chọn làm hậu chẩm, đồng thời, những người kiến trúc lăng còn đắp thêm một mô đất cao lớn ở ngay sau lăng để làm hậu chẩm thứ hai.
Một nét riêng khác là lăng không có la thành bao quanh, nếu ở lăng Gia Long, la thành bằng gạch được thay thế bởi vô số núi đồi bao quanh như một vành đai tự nhiên, hùng tráng bảo vệ giấc ngủ cho vị tiên đế triều Nguyễn thì ở lăng Thiệu Trị, những cánh đồng lúa, những vườn cây xanh rờn ở chung quanh được xem là la thành. Chính vòng La thành thiên nhiên đó tạo cho cảnh quan lăng Thiệu Trị sự thanh thoát và yên bình.
Tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng. Lăng gồm hai khu vực: lăng và tẩm, phần lăng nằm ở bên phải, phía trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ Điện ở trước khu tẩm, qua một hệ thống cống ngầm và nối với hồ Ngưng Thúy ở trước Bửu Thành, tạo thế “chi huyền thủy” chảy quanh co trong lăng. Ngay sau hồ Nhuận Trạch là nghi môn bằng đồng đúc theo kiểu “long vân đồng trụ” dẫn vào Bái Đình rộng lớn.
Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế. Tiếp theo Bi Đình là lầu Đức Hinh ngự trên một quả đồi thấp hình mai rùa, đứng trên lầu Đức Hinh, phóng tầm mắt ra phía sau sẽ thấy một cảnh quan trác tuyệt, hồ Ngưng Thúy như vầng trăng xẻ nửa án ngữ trước Bửu Thành, bên trên hồ có 3 chiếc cầu: Đông Hòa (phải), Chánh Trung (giữa) và Tây Định (trái), dẫn đến bậc tam cấp vào Bửu Thành - nơi đặt thi hài của nhà vua. Xa hơn về phía phải của lăng có gác Hiển Quang - nơi nghỉ ngơi, suy tưởng của nhà vua ở cả cõi âm lẫn cõi dương.
Có lẽ do yếu tố địa lý không cho phép kiến tạo Xương Lăng theo một trục dọc như Hiếu Lăng nên khu vực điện thờ được xây dựng riêng, cách lầu Đức Hinh 100m về phía trái. Ngay sau hồ Điện có một nghi môn bằng đá cẩm thạch, bên trên là những liên ba và một bầu Thái cực hình nậm rượu bằng pháp lam, trang trí hoa lá vui mắt và sinh động. Bước lên tam cấp sẽ đi qua Hồng Trạch Môn nhìn về phía Bắc, chính giữa là điện Biểu Đức, nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu Từ Dũ. Trong chính điện, trên những cổ diêm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch, có hơn 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị về văn học và giáo dục. Các công trình phụ thuộc như Tả, Hữu Phối Điện ở phía trước, Tả, Hữu Tùng Viện ở phía sau, quây quần chung quanh điện Biểu Đức càng tôn thêm vẻ cao quý của chính điện.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Xã Thủy Bằng, Huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế
(NTO.vn tổng hợp)