NTO - Từ thị trấn Ngã Năm, thuộc huyện Ngã Năm, Sóc Trăng, bạn đi dọc theo tỉnh lộ 42 khoảng 5km, sẽ đến vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Đồng hành, có dòng kênh uốn lượn theo tỉnh lộ 42 chở nặng phù sa, tỏa hơi nước mát rượi. Vị trí vườn cò này rất thuận lợi cho du khách đến tham quan, bằng đường thủy cũng như đường bộ.
Vườn cò này do gia đình ông Huỳnh Văn Mười, 73 tuổi, quản lý. Vườn rộng khoảng 1,5ha, được che phủ bởi những tán dừa, lùm tre, hàng bình bát xanh um tạo nên vẻ đẹp chân quê. Đến với vườn cò này, bạn sẽ bước chân trên những lối đi được tráng xi măng, rợp mát, xinh đẹp giữa hai hàng hoa cảnh. Đã 31 năm qua, dưới sự chăm sóc của ông Mười, nơi đây hình thành một sân chim với hàng vạn con cò, vạc sinh sống hòa thuận. Đại gia đình chim gồm: cò gà, cò trắng, cò đầu đỏ, cò trâu, cồng cộc, vạc...

Phong cảnh và đàn cò hòa quyện với nhau đẹp như một bức tranh
Để tiện cho khách tham quan chiêm ngưỡng, ông Mười đã xây dựng một tháp cao gần 10m. Đứng ở đây, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả khu vườn. Mê hồn nhất là cảnh từng đàn cò quần tụ trắng cả khu vườn, lúc sáng sớm và chiều tối. Chúng kêu ríu rít như chúc nhau một ngày mới tốt đẹp hoặc mừng rỡ đoàn tụ.
Để có được sân chim tương đối hoàn chỉnh như bây giờ, ông Mười đã bỏ rất nhiều công sức tạo dựng, chăm chút. Ông Mười cho biết, hồi đó đất này là lung, bàu. Ông Mười còn sức thanh niên, nên ngoài làm ruộng ra, rảnh lúc nào ông vun bồi vườn lúc đó. Tính ra, đã 18 năm gầy dựng, mỗi năm ông lặn móc đất bùn 3 tháng. Mỗi ngày ông phải chở cho được 10 xuồng đất, mỗi xuồng tải chừng 500 ký đất, để bồi đắp. Ngoài ra, ông phải trồng thêm những bụi tre, cây dừa, bình bát…thay thế những cây tràm bị chết vì không chịu nổi đất phèn chua.
Người ta bảo vườn ông Mười đất lành... cò đậu. Thế nên, từ năm 1978, chúng bắt đầu về ở. Lúc đầu, lượng cò chỉ vài chục con. Dần dần chúng sinh sản và rủ rê bạn bè về định cư ngày càng đông đúc. Được vài năm cò sinh sản đông thêm, ông Mười trồng cây trên đất trồng lúa mở rộng vườn cò. Rạng sáng cò đậu trắng phau trên cây như cây sứ trổ trắng bông. Khi đi ăn chúng bay thường theo bốn hướng. Chiều về mỗi đàn lại về đúng hướng của mình.

Một cảnh tuyệt đẹp lúc hoàng hôn
Với bản chất thương yêu loài vật, ông Mười thường theo dõi đời sống sinh hoạt của cò, vạc... Nhờ vậy, ông thuộc lòng tính nết của từng giống. Sáng sớm chúng bay đi kiếm ăn. Ông Mười rảo khắp vườn quan sát xem con nào bệnh, con nào bị thương, chết. Gặp chim non bị rớt xuống đất, ông mang những con này vào nhà chăm sóc, chữa trị, mua cá tép cho ăn bồi dưỡng… Có con ông chăm sóc đến nửa tháng, mới thả cho bay đi theo đàn. Suốt 30 năm qua ông đã cứu hàng ngàn con cò như thế.
Không chỉ ông mà cả gia đình ông cũng có tình cảm như thế, với đôi mắt tinh tường, ông Mười đã chứng kiến và kể lại cho tôi nghe những bí mật của loài cò. Ông bảo, cò ruồi rất nhát, đi ăn từng đàn, chúng bắt ruồi rất giỏi, về vườn chúng ngủ ở tầng thấp. Cò cá thì dạn dĩ, đi ăn một mình, nên dễ bị người ta bắn, chúng thường ngủ ở bìa vườn. Cò quắm thường bay đi ăn sớm về muộn, với thân mình cao to, nên là đối tượng dễ bị săn bắt nhiều nhất, vả lại bán được giá, vì thịt ngon. Về vườn chúng thường ngủ trên cây cao... Chung một vườn cò, nhưng chúng luôn có bầy đàn, lãnh địa riêng. Thế nên, chỉ cần ông nhìn lên nhánh cây, thấy trống hơn ngày hôm qua, là biết đàn cò đã bị mất bớt. Đôi lúc chúng xáp vào đánh nhau nghe "huỳnh huỵch", ông biết ngay có cò lạ đến chiếm chỗ chúng.
Ông Mười còn khẳng định loài cò có khả năng dự báo thời tiết chính xác. Cụ thể, năm nào cò làm ổ giữa bụi tre là chắc chắn năm đó trời mưa nhiều, giông gió nhiều. Năm nào cò làm ổ trên cao, cò bay lảo đảo trên cao là biết trời nắng ráo. Sắp đến vụ mùa, nhìn cò bay là đà dưới thấp, ông đoán chắc một vài hôm nữa trời sẽ mưa. Nhờ có cò mách "thiên cơ" nên ông Mười ngâm giống làm mùa năm nào cũng trúng mạ non.

Tháp cao gần 10m để khách có thể ngắm toàn cảnh
Thú vị nhất, ông Mười còn phát hiện cò cũng năm bảy tính, có con chung thủy, có con lẳng lơ. Ông Mười hào hứng kể: Tui theo dõi một ổ cò có bốn con. Riêng con cò chồng đi đâu cả tuần không về, còn cò vợ nằm một mình chăm giữ bầy con. Con cò này chịu cô độc cho đến khi các con nó "ra ràng", đủ lông, đủ cánh mới chịu đi bay đi kiếm ăn.
Ngày nào thú săn bẫy chim trời chỉ dành cho phút giây tiêu khiển thì giờ đây đang trở thành một nghề, họ tìm mọi cách săn bắt triệt để các loài chim để đáp ứng nhu cầu thưởng thức các món ăn đặc sản miền quê là nguyên nhân chính dẫn đến các vườn chim có nguy cơ bị xoá sổ. Ngoài yếu tố thiên nhiên như bão và áp thấp nhiệt đới gây đổ cây thì sự tác động của con người là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ vườn chim ở miền Tây (trong đó có vườn cò Tân Long) có thể biến mất, do nạn săn bắt trái phép diễn ra thường xuyên từ bẫy chim, thuốc chim, chui vào tận sân chim để bắt, bẫy chim...
Đôi mắt ông Mười đã mờ, chân bước thấp bước cao, nhưng mỗi lần chiều chiều ông lại ra sau vườn trông ngóng và đợi lũ cò như đợi lũ trẻ đi học về. Những tiếng kêu của cò không thể thiếu trong ông cho đến cuối cuộc đời. Ông Mười chỉ mong Nhà nước và các cấp chính quyền giúp ông giữ vườn cò, không để cò bị bắt làm đặc sản.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Ấp Tân Bình, Xã Long Bình, Huyện Ngã Năm, Tỉnh Sóc Trăng.
(NTO.vn tổng hợp)