VĂN HÓA - XÃ HỘI
Gốm Hương Canh, khắc khoải giữ nghề…
(Ngày đăng: 30/11/2012   Lượt xem: 415)

 

Có thương hiệu từ gần 300 năm nay, tưởng chừng như Hương Canh (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc), sẽ đem đến cho những người làm nghề cuộc sống ấm no, sung túc, tiếng tăm làng nghề ngày càng lẫy lừng. Nào ai biết, người yêu nghề gốm, nay, chỉ khắc khoải với nỗi lo giữ nghề?

Nước mắt làng nghề…

Nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, sản phẩm gốm Hương Canh đã từng được xuất khẩu sang tận Mỹ và Hàn Quốc…, được tặng bằng khen “Hình ảnh APEC và di sản văn hoá Việt Nam” năm 2006. Nhưng nay làng nghề đang dần bị “teo” lại và có nguy cơ bị xoá sổ. Những người còn sót lại với nghề, cố gắng níu giữ nghề, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cuộc sống của họ cùng với nghề truyền thống đang lay lắt như ngọn đèn trước gió…

huong canh 1.JPG

Bà Nhạn đang say xưa với công việc hàng ngày

Làng Lò Cang có 178 hộ 702 nhân khẩu, nhưng nay chỉ còn lại 4 hộ là còn theo nghề gốm. Ông Thanh và bà Nhạn ngậm ngùi: “Trước đây, cả làng đều nô nức và bám nghề. Nhưng nay thì chỉ còn lại 4 hộ gia đình và cả thẩy 18 lao động là còn theo nghề gốm này thôi. Cứ tình trạng này thì sớm muộn làng gốm cũng không còn nữa…”.

Gia đình ông Nguyễn Thanh là 1 trong 4 gia đình còn bám trụ với nghề gốm cổ truyền của cha ông. Ông có hai người con trai thì cả hai người đều theo nghề. Đặc biệt, anh con út đang học Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp, quyết tâm học tập để giữ nghề tiên tổ.  Ông Thanh nói, muốn níu kéo thì phải có lao động có trình độ, ông mong muốn sau này các con ông sẽ gìn giữ được di sản văn hoá của quê hương, của dân tộc.

Trước đây, nguồn nguyên liệu làm gốm Hương Canh, được khai thác từ nguồn đất sét trong làng, không phải mua. Nhưng nay, đất cũng… cạn dần. Muốn làm nghề người dân phải đi mua đất sét từ những nơi khác về để làm gốm. “Như vậy, sản phẩm gốm của Hương Canh cũng không giữ nguyên được bản sắc riêng với hồn đất của mình mà chỉ giữ lại được cách làm của người xưa mà thôi”, bà Nguyễn Thị Vụ, một người dân còn bám nghề tâm sự.

huong canh 2.JPG

Sản phẩm được ra đời dưới bàn tay nghệ nhân

Muốn có sản phẩm gốm để bán thì người làm gốm phải mua đất sét để làm. Giá của mỗi xe đất là 200 nghìn đồng/xe công nông đất. Mỗi xe đất như vậy chỉ có thể làm ra khoảng 30 chiếc tiểu và mỗi năm chỉ tiêu thụ được 70 chiếc. Trừ tất cả chi phí thu nhập từ nghề của gia đình cũng chẳng đáng là bao.

Bà Vụ có một người con trai là anh Tạ Văn Hanh cùng với bà còn làm nghề. Nhưng do cuộc sống khó khăn nên giờ anh Hanh phải đi làm ở Công ty bao bì, những ngày nghỉ, ngày rỗi rãi thì tranh thủ làm gốm cùng gia đình.

Lý do khác, để người làm gốm không còn mặn mà với nghề truyền thống, là họ không được tạo điều kiện để sản xuất. Mặt bằng đất sản xuất không có, đất nguyên liệu thì chưa quy hoạch. “Chúng tôi đã đề nghị, trình đơn lên các cấp chính quyền, nhưng chỉ nhận được câu  trả lời chưa có quy hoạch, chưa giải quyết được ”. Đến nay chúng tôi đã mệt mỏi vì chuyện đi kêu gọi như vậy lắm rồi” bà Vụ cho biết. Việc người dân “tự lần mò” để giữ lại nghề truyền thống, một nét văn hoá của dân tộc trong hoàn cảnh như vậy là rất khó. Làng gốm Hương Canh, có thể bị xóa sổ, cũng không phải là điều lạ.

Tiếc nuối thời “hào hùng”…

Gặp ông Thanh, bà Nhạn, bà Vụ, những thế hệ già ít ỏi còn bám trụ với nghề…, ánh mắt họ sáng lên khi nói về sản phẩm gốm làng mình, những “đứa con” Hương Canh, được tham dự triển lãm, được du ngoạn trong Nam, ngoài Bắc. Những sản phẩm mang đi giới thiệu đều được người ta mua sạch mà không phải mang về một thứ gì…

Trong nỗi khắc khoải giữ nghề, họ vẫn rất trân trọng và tự hào về nguồn gốc làng gốm do tiên tổ truyền dạy.

Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2 (1742) ngày 6 tháng 8 năm Nhâm Tuất vua Lê Hiếu Tông cử quan Nội hầu Trịnh Xuân Biền về Hương Canh ban tặng danh hiệu “Trung nghĩa dân” cho 3 làng: Kẻ Cánh.Thấy người dân nơi đây đói kém do quân xâm lược bóc lột. Muốn tìm nghề phụ để cải thiện đời sống cho người dân nơi này, ngài thấy vùng này có sông Cánh, có đầm Bạc, đồng Xuôi Ngành, đầm Hồng có rất nhiều các loại đất xét nâu, xanh, trắng, vàng,…, lại tiện củi ở các núi như Tam Đảo, núi Đinh, núi Nia, núi Thanh Lãnh, thuận lợi cho nghề làm gốm.

huong canh 3.JPG

Nhân vật thị Nở

Và, từ đó, nghề gốm Hương Canh, thời Cảnh Hưng - Nguyễn Sơ (1742 – 1802) bắt đầu du nhập vào làng Lò Cang, tên gọi xưa là gò Đinh.

Gốm Hương Canh nhanh chóng khẳng định được thương hiệu, vì trai gái nơi đây đều khéo tay hay làm, lại sáng tạo, nên làm ra được rất nhiều các sản phẩm đẹp.

Ông Nguyễn Thanh, một thợ giỏi trong nghề cho biết: “Ban đầu, hòn đất nơi đây chỉ tạo ra những thứ đặt ở nơi góc sân, góc bếp như: nồi niêu, chum vại, các vật dụng sử dụng phục vụ cho bếp núc. Sau dần, “hòn đất Hương Canh”, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, như tách uống trà, bình trà, tượng chị Nở anh Chí…  Những đồ mỹ nghệ dùng để trang trí như rồng, phượng, nhà sàn,…, được đặt ở những nơi sang trọng như phòng khách, khách sạn, rồi du hý trời Tây”.

Gốm Hương Canh, được chào đón trong nước, khi xuất sang Hàn Quốc,  Hoa Kỳ…, gốm Hương Canh cũng rất được trân trọng.

Ông Thanh tự hào: “Sản phẩm gốm Hương Canh là một đặc trưng mà không có gốm nơi nào có thể giống được, phong phú, đa dạng và đẹp mắt. Những sản phẩm gốm nơi này mà dùng để đựng thì cũng hết ý. Ví thử như để trà vào trong lọ gốm thì trà không bao giờ mốc mà giữ nguyên mùi thơm. Rượu để trong chĩnh gốm thì không bao giờ bay mùi hay giảm nồng độ. Ngày mùa người dân để hạt mầm vào chĩnh, vào chum, vào vại thì khi mang đi gieo trăm hạt thì trăm hạt đều nảy mầm…”.

Chính vì vậy nên gốm Hương Canh rất được chuộng và chạy hàng. Những đơn đặt hàng tới tấp đến, những người làm gốm còn không đáp ứng kịp… Nhưng, đó chỉ là thời hào hùng xưa!

huong canh 4.jpg

Những sản phẩm tinh hoa của làng gốm Hương Canh

Hướng đi nào cho gốm Hương Canh?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hợi, phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh cho biết : “Chúng tôi chỉ có ý định duy trì chứ không phát triển nghề. Vì nhận thấy làng gốm không thể phát triển được, bởi các sản phẩm hiện đại làm bằng đồ nhựa như chậu, thau đã đánh bay các sản phẩm gốm. Hơn nữa nếu muốn phát triển nghề gốm thì phải đầu tư rất nhiều… Việc phát triển làng nghề là rất khó".

huong canh 5.JPG

Ông Nguyễn Đức Hợi, phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh

Ông Hợi cũng cho biết thêm, năm 2007 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao cho Sở Quy hoạch tổ chức đo đạc quy hoạch chi tiết  thực hiện dự án trên diện tích 5,5 ha tại khu Đồng Bèo để tập trung các hộ làm nghề.Thế nhưng sau khi về khảo sát đo đạc giờ vẫn chưa thấy triển khai. Theo lý giải của ông Hợi , nguyên do là chưa tìm được chủ đầu tư nên mọi công tác như giải phóng san lấp mặt bằng vẫn chưa được triển khai. Hiện khu đất vẫn "để  phần" cho dự án.

Trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương và sự chậm trễ của các các cấp ngành Vĩnh Phúc, làng nghề gốm Hương Canh đang có nguy cơ bị "khai tử". Để vực dậy làng gốm nổi tiếng một thời không chỉ trông chờ vào những người tâm huyết nơi đây.

Gốm Hương Canh là một di sản văn hoá lâu đời của dân tộc. Ông Nguyễn Thanh cho hay: “Chúng tôi đang có ý định sẽ mang sản phẩm điêu khắc và làm từ gốm của mình trưng bày và bán vào trong dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hy vọng với việc làm này chúng tôi sẽ phần nào giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại.

Theo người hà nội

 
 
 
Expected DTD markup was not found. Line 1, position 3.
QUẢNG BÁ DOANH NGHIỆP
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
Ban truyền thông - Quan hệ quốc tế  Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam               
Địa chỉ: 15C ngõ Bà Triệu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: 30 Hòa Mã - Q Hai Bà Trưng Hà Nội tầng 03                                     Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                                        International royal education & training.,jsc                                                         Tel: 04.39785032    Hot line; 0914873705   Email: irecvietnam@gmail.com

7
Đang xem:
4.264.417
Tổng truy cập: