NTO - Đình Bình Thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật độc đáo của một vùng đất mới khai phá thuộc miền Tây Nam bộ. Đình được dựng vào năm Giáp Thìn 1844, ban đầu có tên là Long Tuyền, do đình tọa lạc tại phường Bình Thủy nên người dân nơi này còn gọi là Đình Bình Thủy. Khởi đầu đình được xây bằng tre gỗ, lợp lá tại vòm rạch Bình Thủy, để cầu nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hoà để giúp bà con được luôn an lành. Năm 1852 đình được sửa lại, phía trước lợp ngói và xây thêm một nhà võ ca thường dùng để làm nhà hát bộ, trong đó có một sân khấu nhỏ, thấp, bằng gỗ để cho các đoàn hát đến biểu diễn cho bà con thưởng ngoạn. Đến năm 1909 đình Bình Thủy được xây lại mới hoàn toàn do ông Nguyễn Doãn Cung giúp tiền xây tiếp, theo thiết kế của ông Huỳnh Trung Trinh.
Đình Bình Thủy
Đình nằm trên khoảnh đất rộng hơn 4000m², xây theo dáng hình chữ nhất, trên nóc được thiết kế cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu, khác rất nhiều so với kiến trúc ở miền Bắc, nằm trên một nền cao ráo và có chiều sâu, nhà trước và nhà sau đều là hình vuông nên chiều nào cũng có 6 hàng cột, các chân cột đều choãi ra làm cho đình càng thêm vững chắc. Các gác mái đình được chạm trổ hình bát tiên, các con vật trong kiến trúc đền, chùa lăng tẩm, miếu mộ rất sinh động. Trên các thanh xà dưới mái đình, một số hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, từ trước đến sau trông uy nghi cổ kính.
Kiến trúc độc đáo góc mái đình Bình Thủy
Về trang trí ngoại thất, nóc nhà trước có hai mái chồng, nhà chánh điện sau có ba mái chồng lên nhau theo kiểu kiến trúc "thượng lầu hạ hiên". Trên nóc đình có gắn tượng hình người, hình kỳ lân, hình cá hóa rồng, bên trái có mảng trang trí bằng xi măng, giữa là quyển thư (tựa như cuốn thư đình được bày trí ở các đình miền Bắc). Bên cạnh đó là giỏ lam đào và bình hoa, ở bìa mái ngói dưới cùng có ốp lá xoài màu xanh đen và ống ngói cũng được bịt lại bằng sành tráng men xanh, mặt trước nhà là các cột xi măng trang trí các hình hoa lá đắp nổi thật tinh tế.
Kiến trúc bên trong đình Bình Thủy
Trong đình, các bàn thờ được bố trí như sau: Tại tòa tiền đường có bàn thờ Nghi Hạ, Nghi Trung đặt ở gian giữa, nơi nhà vuông nhỏ đặt bàn thờ Nghi Thượng dùng làm lễ chính của các ngày lễ hội. Ở tòa chính điện: bàn thờ chính đặt chính giữa nhà, bên trái sát vách phía ngoài là bàn thờ Hương chức Tiên Giác, phía trong là bàn thờ Hậu tiền. Đối diện ở sát vách bên phải là bàn thờ chức sắc Tiên Giác và bàn thờ Tiền Hiền. Sát vách trong cùng ở gian giữa có bàn thờ Hậu thần, hai bên là hai bàn thờ Hữu Bang và Tả Bang. Bên ngoài đình có hai miếu lớn thờ thần Nông và thần Hổ, gần cổng có hai miếu thờ thần Rừng và thần Khai kênh dẫn nước.
Đình Bình Thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ XX nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc. Đình còn giữ được những mảng chạm, những họa tiết trang trí gần gũi với nghệ thuật dân tộc. Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở nơi đây hết sức tinh tế và sinh động, với quần thể kiến trúc vừa mang đậm tính truyền thống, vừa mang nét địa phương rõ nét, Đình Bình Thủy là một trong số ít các ngôi đình được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ là nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội, đây còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đại diện cho một nét văn hóa của vùng sông nước Nam bộ, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của nhân dân Bình Thủy.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Phường Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ
(NTO.vn tổng hợp)