NTO - Po Dam là tên một nhóm tháp Chăm ở làng Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tháp này xây để thờ vua Po Dam, hay còn gọi là Po Kathit (Bàn La Trà Duyệt) của người Chăm. Chưa xác định rõ thời gian xây dựng tháp nhưng qua so sánh về phong cách nghệ thuật, các nhà khảo cổ học chỉ tạm xác định tháp Po Dam cùng niên đại với các tháp phong cách Hòa Lai (Ninh Thuận), có thể ở cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9. Thế nhưng, khi đối chiếu với lịch sử Chăm Pa thì thấy niên đại trị vì của Po Dam là 1433 - 1460. Truyền thuyết Chăm kể rằng, đương thời đã có một cuộc thách đố về việc vua Klong Garai và Po Dam (khi ấy là quan đại thần) ai xây xong tháp trước và Po Klong Garai đã chiến thắng.
Tháp Chăm Po Dam
Cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km. Tương tự như nhóm tháp Pôshanư cả về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật kiến trúc, và có niên đại nửa cuối thể kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, một phong cách kiến trúc cổ trong lịch sử kiến trúc của Vương quốc Chăm-pa.
Nhóm đền tháp Po Dam bao gồm 6 tháp, hiện nay chỉ còn lại 3 tháp tương đối nguyên vẹn hình dạng, còn 3 tháp khác bị sụp đổ và chỉ còn lại phần đế. Các tháp trong nhóm chia thành hai khu riêng biệt mỗi khu 3 tháp theo hai trục song song. Trong đó nhóm phía Bắc là nhóm có niên đại từ thế kỷ VIII - IX và nhóm Nam có niên đại muộn hơn (thế kỷ XV). Nhóm tháp Bắc còn lưu giữ bệ thờ Linga - Yoni bằng đá xanh tượng trưng cho Thần Siva, với hình dáng và kết cấu giống như ở Pôshanư nhưng nhỏ hơn nhiều.
Nhóm tháp Nam gồm 3 tháp khác với nhóm Bắc từ kỹ thuật xây dựng, trang trí nghệ thuật và nội dung thờ phụng (ở đây thờ 7 viên đá tượng trưng cho bia Kút). Theo các nhà nghiên cứu khoa học ở Bảo tàng Bình Thuận thì nhóm Bắc được xây dựng giữa thế kỷ XV để thờ Vua Po Dam, vị Vua Trị vì Vương quốc Chămpa từ 1433 - 1460. Vị Vua này có tên là Pô KaThít, người Việt gọi là Trà Duyệt. Ông có công giúp dân làm các hệ thống thủy lợi nổi tiếng trong vùng, hiện nay còn phát huy tác dụng ở vùng Tuy Phong, Bắc Bình.
Thông thường các tháp Chăm đều xây cửa chính trổ về hướng Ðông như một nguyên tắc bắt buộc, nhưng 6 tháp trong nhóm Po Dam tất cả các cửa chính đều quay về hướng Nam, trong lòng hẹp hơn, dài hơn. Ðây là trường hợp ngoại lệ đặc biệt không tuân thủ nguyên tắc cũ do có nhiều nguyên nhân về địa lý và tôn giao mà đến nay chưa có sự phân tích, giải nghĩa nào rõ ràng. Ðiều đặc biệt khác là cả 6 tháp trong nhóm Po Dam đều nhỏ và thấp hơn các tháp Chăm khác. Tháp cao nhất khoảng 7m - 8m, mỗi cạnh đáy khoảng 3m - 3,50m.
Kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật trang trí tập trung chủ yếu ở tháp Chính (tháp C nhóm Bắc) ở đây tuy thời gian đã làm tàn lụi phần đỉnh nhưng thân tháp còn nguyên vẹn những hình tượng, nghệ thuật trang trí đều và dày đặc trên thân, vòm cuốn, trụ áp tường. Những hình thù kỳ quái, những bông hoa xoắn xít nhau, hình tượng Makara vị Thần canh giữ đền tháp là nét đặc trưng của phong cách Hòa Lai cổ.
Tháp Po Dam là nơi thực hiện nghi lễ, thờ cúng Vua Chăm hàng năm của người Chăm Phú Lạc và các vùng lân cận. Hiện những dòng tộc là hậu duệ của Vua còn lưu giữ 8 sắc phong do các Vua Triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Ðịnh phong tặng Vua Po Dam, chúng được cất giữ đặc biệt như báu vật của dòng tộc và trách nhiệm của hậu duệ Vua. Nhóm đền tháp Po Dam đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996 .
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Làng Lạc Trị, Xã Phú Lạc, Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận
(NTO.vn tổng hợp)