NTO - Ngôi chùa có tên chữ là Bửu Sơn tự - 寶山寺, tọa lạc trên phần đất rộng gần 400m² tại 163A, đường Lương Định Của, phường 5, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Sở dĩ gọi là chùa Đất Sét vì trong chùa có rất nhiều tượng Phật làm bằng đất sét, cột chùa cũng bằng đất sét. Độc đáo hơn nơi đây còn có 8 cây đèn cầy nặng tổng cộng 1,4 tấn. Hiện chùa là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở Sóc Trăng. Bình quân mỗi ngày chùa đón trên 200 lượt du khách và Phật tử đến tham quan.
Cổng chùa Đất Sét
Theo lời kể của con cháu dòng họ Ngô, hiện đang trông coi chùa, chùa Bửu Sơn do ông Ngô Kim Tây lập tu tại gia vào đầu thế kỷ XX. Năm 1906, chùa được trùng tu với 24 cột bằng đước lợp lá. Năm 1909, ông Ngô Kim Đính - con ông Ngô Kim Tây - sinh hạ được một người con trai là Ngô Kim Tòng. Thế nhưng, người con trai này càng lớn càng ốm yếu. Đến năm 20 tuổi thì lâm bệnh nặng tưởng không qua khỏi, gia đình chỉ còn cách đưa ông Tòng về chùa để cầu khấn trời Phật, vừa uống thuốc vừa tập ngồi thiền, tĩnh tâm, dần dà ông đã khỏe lại, vì thế ông Tòng quyết tâm đi tu và làm trụ trì chùa.
Năm 1928, trong một lần trùng tu chùa, Ông Ngô Kim Tòng nằm mơ thấy Phật đến chỉ bảo cho ông đi về hướng Tây để lấy đất sét về xây đắp tượng mà thờ. Tỉnh dậy ông quyết làm theo lời Phật dạy. Đầu tiên đất sét lấy về, ông cho phơi thật khô, sau đó bỏ vào cối giã thật nhuyễn, rồi sàng lọc bỏ rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn với bột nham ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo, thơm để sử dụng nắn tượng Phật và xây chùa. Khi ấy, ông Ngô Kim Tòng chưa hề học qua lớp điêu khắc nào, ông vẫn bắt tay vào tạc tượng.
Lân đắp bằng đất sét
Năm 1939, ông xây dựng toà tháp Đa Bảo. Cuối năm Canh Thìn 1940, ông xây dựng tháp Bảo Tòa trụ thế chuyển pháp luân. Khi đã hoàn thành việc xây cất chùa và trang trí các tượng Phật, tượng các loài thú trong chùa thì ông bắt đầu lâm bệnh nặng và mất ở tuổi 62. Hiện nay, trong coi chùa là ông Ngô Kim Giảng - em út của ông Tòng, đã ngoài 80 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn, từng được Tổng cục Du lịch Việt Nam tặng “Huy hiệu vì sự nghiệp ngành du lịch Việt Nam".
Nhìn bề ngoài, chùa Đất Sét giống như các ngôi nhà dân khác. Ngôi nhà không lớn, mái lợp tôn, vách ván, khung bằng gỗ dầu, gỗ đước, mặt trước chùa quay vào trong, phía sau chùa quay ra đường. Với kiến trúc hình chóp nhọn phía trên và mái thấp xòe ra như cánh dù phía trước, tạo cho chùa có 2 tầng mái, tầng dưới khá hấp dẫn. Chánh điện nằm sâu bên trong, tính từ cửa chính vào. Sau đó là các gian thờ Phật mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng thượng đế.... Cạnh chánh điện có bàn thờ đức thầy vị cư sĩ Ngô Kim Tòng, được Phật tử tôn xưng. Bên hông chùa còn lưu lại ngôi mộ do Phật tử xây dựng với dòng chữ kính cẩn: “Ngô Kim Tòng pháp ân trình toàn tâm” cùng năm sinh, năm mất của đức thầy. Trong khuôn viên chùa còn có các miếu nhỏ thờ ông hổ và ông tà, bàn thờ thiên phụ, địa mẫu....
Tháp bảo toà trụ thế
Bước vào bên trong, sau khi được giới thiệu tỉ mỉ ta mới cảm phục sức lao động bền bỉ, sáng tạo phi thường của ông Ngô Kim Tòng - người đã dồn hết sức lực trong suốt 42 năm để tạo nên 1901 bức tượng Phật, trên 200 mẫu tượng thú, bảo tháp, lư hương... đều bằng đất sét. Tháp Đa Bảo cao 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật. Tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị Phật và 156 con rồng đỡ cho 13 tầng tháp. Toàn bộ tháp này cao chừng 4,5m. Kế đó Tháp Bỏa Tòa để thờ Phật cao chừng 2m, phía trên theo hình "Bát quái Thiên tiên" gồm 8 cung: Càn - Khảm - Cấn - Chấn - Tốn - Ly - Khôn – Đoài, mỗi cung có hai tiên nữ đứng hầu, dưới đài sen và Bát quái là Tứ đại Thiên Vương trấn giữ.
Trên cùng của tháp là một tòa sen có 1.000 cánh, mỗi cánh có một tượng Phật ngự, hết thảy 1.000 tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Ngoài ra, ông Tòng còn tạo hình các danh thú như Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã, Bạch Tượng... có ba cái đỉnh, mỗi cái cao 1,5m, bảy cái lư hương nhỏ.
Ngoài ra còn có Lục Long Đăng khổng lồ bằng đất sét treo dưới trần nhà ở trung tâm ngôi chùa. Cây đèn này là tác phẩm cuối đời của ông Ngô Kim Tòng. Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với ngàn vạn chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo mấy chục năm nay vẫn không hề bị biến đổi gì. Tuy nhiên, điều gây ngạc nghiên và nể phục với khách tham quan chính là 4 cặp nến cao 2,6m trong chùa. Ba cặp nến lớn, mỗi cây nặng 200kg, bề ngang bằng 1 vòng tay người ôm, còn cặp nhỏ mỗi cây nặng 100kg được đốt cháy liên tục suốt ngày đêm kể từ năm 1970 khi ông Tòng mất. Cây nến vẫn đang cháy và dự kiến có thể cháy thêm vài năm nữa mới tắt. Đó là chưa nói trong chùa còn 3 cây nhang lớn, mỗi cây nặng 50kg chưa sử dụng, cao 1,5m, nếu thắp lên chắc sau vài năm mới tàn.
Cây đèn cầy cháy từ năm 1970 đến nay
Một chi tiết khá thú vị khác là người giữ chùa hiện tai là một ông lão tuổi đã ngoài 80 nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.. Đến chùa, ngoài sự độc đáo của ngôi chùa ra, sự am hiểu của người giữ chùa cùng với vốn tiếng Pháp điêu luyện của ông cũng làm cho mọi người thán phục. Sau khi nghe thuyết minh xong, các vị khách đã hết sức thán phục trước tài năng, sự sáng tạo và lòng kiên trì của ông Ngô Kim Tòng để ngần ấy hiện vật ra đời trong suốt 42 năm ròng rã. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Ngôi chùa bình dị như một ngôi nhà miền quê nhưng bên trong nó là cả một sự sáng tạo miệt mài để làm nên tác phẩm kỳ thú, xứng đáng là điểm tham quan hấp dẫn nhất thị xã Sóc Trăng.
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Đường Lương Định Của, Phường 5, Thành phố Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng
(NTO.vn tổng hợp)