Tấm bia cổ và bí mật cần giải mã
image

Cuối thế kỷ XIV, nhà Trần sụp đổ kéo theo sự suy thoái của Phật giáo. Đến thời kỳ Nho giáo lên ngôi- Đây là lúc các mã văn hóa Phật giáo trở về với dân gian, du nhập văn hóa dân gian, (thậm chí cả Đạo giáo và Nho giáo) vào văn hóa bác học của mình.

Sự kết hợp này đã để lại đến nay một tấm bia trụ mang rất nhiều mã văn hóa lạ, thú vị và rất có thể, sẽ gây nhiều bàn thảo nếu đi sâu vào vấn đề giải mã.
 
Bia trụ hầu như không còn nguyên vẹn nằm bên trái Bảo tàng Mỹ thuật.
 
Tấm bia của sự hòa trộn nhiều tôn giáo và văn hóa

Nằm bên góc trái của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (đường Nguyễn Thái Học- Hà nội), tấm bia hình trụ nằm đối xứng với cặp sinh thực khí linga và yoni phía bên phải bảo tàng. Mặc dù kích thước không quá lớn nhưng tấm bia trụ rất  thu hút người xem bởi sự cổ kính, khác biệt của nó.

Đây là một trong những bia trụ hiếm hoi còn lại từ thời nhà Hậu Lê, tuy nhiên, lại mang một số đặc điểm khác biệt, giúp làm nổi bật thời điểm lên ngôi của Nho giáo và sự thoái trào của đạo Phật. Kiểu cấu trúc bia hình trụ với ba phần: Phần đầu, phần thân và phần chân bia. Theo TS. ngành khảo cổ học Nguyễn Mạnh Cường: Những bia đá này, vào thời kỳ Phật giáo còn thịnh vượng, thường được dựng trong chùa, trung tâm văn hóa của cả làng, như một văn bản lớn của làng đó, mang nhiều thông tin liên quan đến cả ruộng đất, thuế khóa, các sự kiện văn hóa, thơ phú...

Theo thông tin ghi trên bia và cũng là thông tin từ bảo tàng Mỹ thuật, nơi đang chịu trách nhiệm lưu giữ thì bia trụ này mang niên đại Chính Hòa năm thứ 16 thời Lê Trung Hưng, (tức năm 1685), được dựng khi chùa Cảnh Phúc, Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam được tu bổ lại, chất liệu bia bằng đá nguyên khối.
 
TS khảo cổ Nguyễn Mạnh Cường.

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường, bia trụ kiểu này, với tư cách là một văn bản lớn của mỗi làng xã, tồn tại rất nhiều ở thời Trần. Tuy nhiên, đến thời Hậu Lê, Phật giáo suy thoái, đền chùa xuống cấp, những bia trụ này lưu lạc về với người dân, tồn tại dưới hình thức những di vật của một thời vàng son của Phật giáo. Mặc dù thói quen dựng bia vẫn còn, tuy nhiên không còn được theo một hệ thống chuẩn mực như trước nữa. Những mã văn hóa dân gian bắt đầu xâm nhập vào chuẩn mực Phật giáo. Ngoài ra, sự lên ngôi của Nho giáo cũng góp phần thay đổi những bia trụ thuần Phật giáo xưa.

Phiên âm của TS Hán học Cung Khắc Lược cho thấy bia trụ mang tên “Cảnh Phúc tự bi kí”, thuộc xã Đồng Linh (Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam), người soạn bia là sinh đồ Nguyễn Thế. Theo TS Nguyễn Mạnh Cường, niên đại của bia trụ cho thấy bia được dựng vào thời kỳ Nho giáo lấn át Phật giáo. Đặc điểm này còn thể hiện ở những con vật được chạm trổ phần đầu bia.

"Rồng phượng là những con vật của Nho giáo, rồng là biểu tượng của dương và phượng là biểu tượng của âm. Việc chúng xuất hiện trên đầu bia cho thấy lịch sử lúc này là khi Phật giáo và Nho giáo đã bắt đầu một trạng thái cộng sinh mới", TS Nguyễn Mạnh Cường nói, "đặc điểm hình trụ trên một nền mở của bia cũng cho thấy một tín ngưỡng phồn thực dân gian xưng tụng từ thời nguyên thủy. Tóm lại, đây là một khối tri thức chung: Nho giáo, Phật giáo, đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian".
 
Những con vật mang mã văn hóa lạ dưới chân bia.

12 con vật "đáng nghi"

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất của bia trụ này nằm ở phần chân bia: "Cả cuộc đời làm khảo cổ, tôi đã nhìn thấy nhiều bia trụ niên đại thuộc thế kỷ XV - XVI, nhưng chưa có bia trụ nào có phần chân bia đặc biệt như bia trụ này" - TS Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ - "Với những bia trụ này, phần thân là phần nội dung bia thì phần đầu và phần chân chính là phần của nghệ thuật, cũng là những mã văn hóa để nhận ra cả xuất xứ và thậm chí là niên đại. Nếu như không được biết về xuất xứ bia trụ này, chỉ cần nhìn 8 con vật dưới chân bia, người ta cũng biết rằng đây là bia trụ của một vùng đồng bằng sông nước".

May mắn thay trong số những bia trụ còn lại cho đến giờ, đây có lẽ là một trong số ít những bia trụ còn nguyên vẹn và có những hình ảnh con vật rất thú vị mà các bia trụ khác không có. Mặc dù một bên chân bia đã có dấu vết bồi thêm xi măng bù lại những mảng đá bị vỡ và không có con vật nào cả nhưng với tư duy đối xứng trong kiến trúc Đông phương, có thể dễ dàng đoán ra rằng tại vị trí đã bị hư hỏng, ắt phải có 4 con vật nào đó.
 
Con rắn, một trong những con vật được trổ dưới chân bia.

8 con vật còn nguyên vẹn ở chân bia mới chính là những yếu tố cho thấy rất rõ thời kỳ pha trộn của văn hóa các tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau thời Lê Trung Hưng: "Con voi và con ngựa vốn là con vật của đạo Phật. Tuy nhiên, cũng có những con vật đại diện của sông nước và phổ biến trong bữa cơm người Việt như tôm và cua, cũng có con vật của tín ngưỡng là rắn. Điều này thể hiện sự hài sinh giữa đạo Phật và các văn hóa tín ngưỡng dân gian", TS Cung Khắc Lược nói.

Tuy nhiên, để thực sự biết được những con vật này được đặt vào chân bia với mục đích gì có lẽ cần nhiều bàn thảo và tài liệu hơn nữa. Số lượng 12 con vật trùng với số lượng 12 con giáp trong văn hóa Đông phương cũng là một điều đáng bàn. Theo TS Nguyễn Mạnh Cường thì con số 12 chỉ là biểu trưng vòng quay của vũ trụ (người phương Đông xưa chỉ có 12h gồm giờ Tí, Sửu, Dần, Mão...)
 
Hình ảnh rồng phượng của Nho giáo.

Có một điều mà các nhà khoa học khẳng định đó là chắc chắn những con vật này được đặt vào đây phải mang một vai trò nào đó, không chỉ nhằm trang trí.

So với những thăng trầm lịch sử đã trải qua thì sức sống của bia trụ này quả là dẻo dai và mang nhiều lợi ích về mặt lịch sử và văn hóa. Theo các nhà khoa học, sự khác biệt của bia trụ này so với các bia trụ khác rất có thể sẽ mang lại những kiến giải mới về làng xã Việt thời Hậu Lê và có thể là cả những đáp án mới cho một vấn đề đã cũ.

Bài viết này không có từ khóa nào

Thư từ,  bài viết, hình ảnh xin gửi về địa chỉ: banbientap@phattuvietnam.net. Để xem hướng dẫn viết, gửi bài và đăng ký cộng tác viên, xin bấm vào đây. Đường dây nóng: 0904.087.882 (Phật sự Hà Nội); 0989.047.041 (Phật sự TP. Hồ Chí Minh); 0907.678302 (Phật sự Tây Nguyên); 0983.376.774 (Phật sự Hải Phòng).

Subscribe to comments feed Phản hồi (0 bài gửi)

tổng cộng: | đang hiển thị:
Tên người gửi:
Địa chỉ mail:

Bộ gõ tiếng Việt Bật Tắt
Captcha
Thông tin tác giả