Nguyễn Đình Hòe VACNE
Ao Bà Om thuộc khóm 3, phường 8 thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cú, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7 km theo quốc lộ 53 về phía tây nam. Ao có hình chữ nhật, rộng 300 m, dài 500 m, vì hình dạng vuông vắn nên còn được gọi là Ao Vuông. Tên ao là Bà Om là lấy theo tên người phụ nữ chỉ huy đào chiếc ao này vào thời cổ theo truyền thuyết của người Khme. Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng, điểm xuyết bằng hoa sen, hoa súng. Gió mát hương thơm xen lẫn tiếng chuông chùa, ao Bà Om đúng là hình ảnh một vùng đất Phật của Trà Vinh.
Điều đặc biệt là trên bờ ao có một tập đoàn cây sao, cây dầu cổ thụ có bộ rễ trồi lên khỏi mặt đất tạo nên những hình thù kì lạ. Cây đứng trên rễ là tiêu chí để đánh giá hiện tượng xói mòn đất. Độ cao của bộ rễ nhô lên so với mặt đất chính là độ dày của lớp đất bị xói mòn. Như vậy độ dày lớp đất bờ ao bị xói mòn cũng phải từ 0,5 đến 1 m tùy vị trí. Có lẽ vì vậy mà ao bị bồi nông dần. Trong vùng đồng bằng bị nhiễm phèn, nước ngầm không sử dụng được, đào ao là biện pháp trữ nước ngọt hữu hiệu cho sinh hoạt; thảm cây trồng xung quanh ao vừa là phương tiện bảo vệ bờ ao chống xói mòn vừa giữ nguồn nước trong ao. Vì thế ao Bà Om là một phát minh sáng giá của người Khme xưa để tạo nguồn nước cho sinh hoạt cộng đồng mà trước hết cho ngôi chùa Âng ngay bên canh.
Bên cạnh ao là chùa Âng (Chùa Angkorajaborey), ngôi chùa Khme cổ nhất Trà Vinh được xây dựng từ năm 990, nghĩa là một ngàn hai mươi năm trước. Bảo tàng văn hoá Khme cũng được xây cạnh chùa. Theo tập quán lâu đời, khi xây dựng chùa, người Khme luôn trồng cây xung quanh chùa, do đó tuổi cây quanh chùa bằng tuổi chùa. Cứ như vậy mà xét đoán thì tập đoàn quái thụ trên bờ ao Bà Om cũng phải có tuổi xưa lắm rồi, thậm chí có thể trong đó còn sống cả những đại thụ cùng tuổi với ngôi chùa Âng cạnh đó.
Cần đánh giá chi tiết và bảo tồn tập đoạn cây này để có thể công nhận là “cụm cây di sản Việt nam”, vốn rất hiếm có ở vùng đất Phương Nam./.