Landmarks

Đình Phù Lão

Tổng quan

Đình Phù Lão, xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là ngôi đình thời Lê, thế kỷ 17, dựng năm 1688. Đây là ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo không chỉ của Bắc Giang mà của cả Việt Nam. Giá trị điêu khắc nghệ thuật của đình được thể hiện ở các kết cấu kiến trúc của đình như tai cột, kẻ, bẩy, cốn, diệp… với những hình ảnh chạm khắc sinh động.

Đình Phù Lão được khởi dựng vào năm 1688, thời vua Lê Chính Hoà thứ 15. Từ nguyên sơ đình Phù Lão có kiến trúc theo lối chữ nhất (-), chỉ có toà đại đình dài 13m, rộng 12m; sau này mới nối thêm phía sau 2 gian hậu cung. Phía trước, bên trái đình Phù Lão còn có một tấm bia tứ diện khá hơn, cao hơn 1m ghi công bà Đào Thị Hiền đã đóng góp tiền của xây dựng đình, tấm bia này cũng là minh chứng cho năm xây dựng đình. Đình là nơi thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh, ngoài ra còn thờ hai vợ chồng ông Hậu là những người có công tạo dựng ngôi đình.

Đình Phù Lão toạ lạc trên một dải đất cao, thoáng, đẹp ở phía đầu làng thuộc thôn Tây Lò. Làng Phù Lão xưa, nay tách thành 3 thôn Tây Lò, Đông Thắm và Núi Dứa. Mặt đình quay về phía xóm làng, soi mình xuống bến nước trong veo. Ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc- nghệ thuật cấp quốc gia.

Hằng năm, làng Phù Lão có hai tiết lệ lớn, mở hội làng vào Rằm tháng Ba và lệ làng vào Rằm tháng Tám. Khi ấy, người dân Phù Lão nói riêng, xã Đào Mỹ nói chung và đông đảo du khách thập phương lại tụ hội về ngôi đình có nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo này.

Sai phạm khi tu bổ
Được xây dựng từ thế kỷ XVII, năm 1982, đình Phù Lão được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nhằm chống xuống cấp, từ năm 2009 đến 2011, thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), di tích này được đầu tư gần 14 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo các hạng mục: Đại đình, tiền tế, nghi môn, nhà bia và một số công trình phụ trợ khác. Chủ đầu tư là Sở VHTT&DL, đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng công trình văn hóa Thăng Long (Hà Nội). Việc giám sát thi công được giao cho Công ty cổ phần kiến trúc Thành Đạt (Hà Nội).

Sau khi hoàn thành, người dân phát hiện di tích này bị biến dạng, nhiều giá trị văn hoá, kiến trúc cổ không còn nguyên vẹn. Ông Trần Văn Hùng, Phó Ban quản lý di tích đình Phù Lão bức xúc vì nhiều cổ vật gắn với ngôi đình thâm nghiêm, u tịch bị bỏ lại sau khi trùng tu, tôn tạo: "Rất nhiều mảng chạm khắc hoa văn, con giống bị tháo dỡ ngổn ngang, nhiều bộ phận gãy rời không được gắn lại nguyên trạng. Chúng tôi đã gom được 2 bao tải con giống, phù điêu và yêu cầu đơn vị thi công gắn trả lại nhưng họ cứ khất lần, sau đó nhiều hiện vật trong số này đã bị mất. Hiện đình vẫn còn khá nhiều mảng chạm khắc bị gẫy rời nhưng làng không biết gắn vào đâu cho đúng vị trí cũ, bởi quá trình thi công đã làm đảo lộn”.

Lo ngại hơn, mỗi khi trời mưa, di tích bị dột, phần mũi đao của 4 góc đình nước chảy vào làm ướt gót kẻ. Nếu không khắc phục kịp thời chẳng bao lâu nữa các cấu kiện gỗ sẽ bị mục ruỗng. Mặt khác, do chất lượng gỗ kém nên ván sàn dù được thay thế mới nhưng cũng đã bị mọt. Thậm chí có tình trạng "Râu ông nọ lắp cằm bà kia” tại một số cấu kiện kiến trúc khiến các chi tiết bị vênh nhau.

Giáo sư – Tiến sĩ Trần Lâm Biền, chuyên nghiên cứu văn hóa và kiến trúc cổ Việt Nam cho biết: "Ở đình Phù Lão cần phải dỡ bỏ ngay 2 bức chạm khắc trái với thuần phong mỹ tục mà khi tu sửa người thi công đã tự ý đưa vào, đó là bức cốn có nhiều người thể hiện sự dung tục, dâm ô mà trước đây đình không có”.

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]












Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đình Phù Lão
Địa chỉ TL 294, Lang Giang District, Bac Giang, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-10-07 23:56:06
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất