Landmarks

Đình Tường Phiêu

Tổng quan

Đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội) là một ngôi đình lớn (ngang 20m, dọc 13m). Đình thờ Đức Thánh Tản Viên, ngày xưa lễ hội diễn ra vào rằm tháng Giêng. Mặc dù chưa được nhiều người biết đến như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến hay đình Mông Phụ, thế nhưng khi đặt chân đến đình Tường Phiêu, người ta mới thấy được cái khác lạ, cái đặc biệt, cái hiếm có của ngôi đình này.

Trải qua thời gian, ngôi đình Tường Phiêu tưởng chừng như bị bỏ quên ấy lại có nhiều điều lý thú và đặc biệt khi chúng ta được tận mắt thăm quan.

Đình Tường Phiêu có niên đại cụ thể ghi trên thượng lương nhưng vì thiếu phương tiện nên chúng tôi chưa đọc được hết mà chỉ xác định rằng đình được tu sửa dưới thời vua Lê Dụ Tông- niên hiệu Bảo Thái (thế kỷ 18). Tuy nhiên qua kết cấu kiến trúc và các chi tiết trang trí chúng tôi thấy đình còn có nhiều niên đại khác từ đầu thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 17, sang thế kỷ 18 và cả thế kỷ 19. Theo hiểu biết hiện nay, chất liệu của các kiến trúc gỗ từ thế kỷ 16 trở về trước thường là gỗ mít (đình Tây Đằng, chùa Hương Trai.) nên các cột ít cao, kéo thấp cả công trình. Chất liệu này tồn tại đến đầu thế kỷ 17 mới thay đổi. Cột đình Tường Phiêu đã không dùng gỗ mít nên chiều dài các cột đã được nâng lên một tỷ lệ vừa đẹp.
Về kết cấu: Ngay ở bộ vì nóc của đình cũng có thể phân tách các bộ phận của nhiều niên đại.

Phần cổ ngỗng – giá chiêng là của thế kỷ 19 (mặc dù kiểu liên kết này có từ thế kỷ 18). Kẻ cổ ngỗng được gắn vào câu đầu một cách khiên cưỡng, không phù hợp với cột trước và sau cả về mặt kết cấu lẫn trang trí. Các cốn của đình chủ yếu là các con rường kê sát nhau, không qua đầu vuông thót đáy. Một vài cốn có đấu ken giữa các rường hai và rường bốn, nên rường ba là rường cụt chạy từ đấu đó ra. Bề dày đấu bằng dày rường nên các mảng trang trí vẫn được liên tục. Kiểu liên kết này thường gặp ở các kiến trúc ở thế kỷ 17. Điều này phù hợp với phong cách chạm trên cốn.

Đình Tường Phiêu vẫn chỉ có một tòa. Theo chúng tôi tìm hiểu thì đa số các hậu cung được ghép thêm vào đình ở các thời sau, các đình ở thế kỷ 17 thường có mặt bằng hình chữ “nhất”. Do vậy, Thành hoàng được thờ ở gian giữa, trong phạm vi hai cột cái sau ra tới cột quân hoặc cột hiên. Và tùy từng địa phương, bàn thờ được làm lửng trên các cột hoặc đặt ngay ở phần lòng nước. Ở đây, bàn thờ Thành hoàng làng làm theo kiểu lửng.

Không chỉ các kết cấu ở kiến trúc, mà cả các chi tiết trang trí, các đề tài trang trí cũng cho chúng ta biết phong cách niên đại của đình Tường Phiêu. Các trang trí của đầu thế kỷ 17 ở Tường Phiêu là hình rồng lân và một vài đề tài khác.

Hình rồng mang nhiều nét kế thừa của rồng thế kỷ 16 nhưng lại là mở đầu ở cuối thế kỷ 17 (mắt rồng nổi u tròn lồi trong hốc mắt sâu). Rồng ở thế kỷ 16 mõm nhô nhiều (như ảnh hưởng rồng thời Lê sơ), nhưng mõm ở đây ngắn lại, môi mỏng, có nhiều nếp nhăn hình dấu “ ớ”, răng nhe, mũi sư tử. Trên đầu có nhiều vân xoắn và đao. Viền hai mép đao là những vây như ở sống lưng rồng. Hình thức này ít gặp ở thế kỷ 16. Đặc biệt ở thế kỷ 16 các đao ít đè qua thân rồng, nhưng ở đây hiện tượng này khá phổ biến. Các tay rồng, cái thì nắm râu, cái thì nắm tóc một cách tự do hơn thời kỳ trước. Hình lân có dáng tương tự như lân ở đình Thổ Hà hay đình Tây Đằng: hai chân sau cao, hai chân trước khụy, kéo hạ đầu thấp. Đầu lân như đầu rồng, thân giống thân hươu nhưng có vẩy như vẩy rồng.

Ở thế kỷ 17 đình được tu sửa nhiều, những con rồng của thế kỷ 17 đã xuất hiện một vài bẩy hiên, chạy ngược từ cột hiên vào cột quân.

Hình hươu ở mặt trong cốn, nếu ở thế kỷ 16 hươu thường nằm trong một vân xoắn lớn thì ở thế kỷ 17 các vân xoắn lại chỉ là chi tiết phụ trong mảng chạm. Các chi tiết của hươu được chú ý hơn nên các động tác vui, thực tế, nhưng nhẹ phần linh thiêng. Song nó vẫn là biểu tượng của nguồn sóng, là con vật chở mặt trời đi Đặc biệt, đã thấy xuất hiện hình người trong một mảng chạm trên rường một của cốn thứ hai ở hướng bắc: một người đứng, đi đất, mặc áo chùng, đội khăn xếp; một người ngồi xổm, chân dạng rộng, đội cơi trầu, cởi trần đóng khố. Nét chạm đầy chất dân gian. Nghệ thuật cuối thế kỷ 17 còn được xác định ở cửa võng và ở y mãn gian giữa. Mặc dù đã bị hủy hoại nhiều nhưng qua phần còn lại cũng thấy được trình độ nghệ thuật cao, đậm tầm thức dân gian. Bước sang thế kỷ 18,19, Đình Tường Phiêu đã được người ta sửa chữa một số chỗ, nhưng trong đó quý nhất vẫn là niên đại của đầu thế kỷ - Thế kỷ 17.

Đình Tường Phiêu được phát hiện đã điền một gạch nối quan trọng. Nó chứng minh mạch liền suốt, không đứt đoạn của một kiến trúc dân dã trong các xã hội đương thời. Ở đình Tường Phiêu, chúng ta có cả những chứng cứ quan trọng cả về kết cấu kiến trúc. Đôi nét điểm lại như trên để thấy rõ giá trị của đình Tường Phiêu trong việc nghiên cứu của ngành như khảo cổ học, lịch sử, mỹ thuật,...

(Nguồn: Nguyễn Hồng Kiên, “Đình Tường phiêu – một kiến trúc hiếm ở đầu thế kỷ 17”, NPHM, 1986)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]







































































































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đình Tường Phiêu
Địa chỉ QL 32, Phúc Thọ, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-12-03 17:46:15
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất