Landmarks

Từ vũ họ Trương

Di tích từ vũ, lăng đá họ Trương, lăng mộ bà Quận chúa Trương Thái Phi
Tags: đá phỗng

Tổng quan

Địa chỉ: thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Đất Như Quỳnh từ xưa đã được biết đến như mảnh đất của những văn nhân và giai nhân. Một trong những văn nhân và giai nhân của mảnh đất này, chúng ta không thể không kể đến Trương Thị Ngọc Chử và cháu gái bà là Trương Thị Ngọc Trong… Những cô gái tài sắc của họ Trương hiện đang được thờ tại Từ Vũ của dòng họ thuộc thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Từ Vũ họ Trương được khởi dựng từ thời Lê, ban đầu dùng làm nơi thờ bà Trương Thị Ngọc Chử vợ chúa (?) Trịnh Bính, mẹ chúa Trịnh Cương (1686 – 1729). Năm 1709, khi Trịnh Cương lên ngôi bà được phong là Thái phi rồi sau đó là Thái tôn thái phi. Theo gia phả họ Trương và các tài liệu liên quan thì từ nhiều đời trước dòng họ Trương đất Như Kinh (nay là Như Quỳnh) chuyên làm nghề xướng ca, đặc biệt nhờ tài năng vượt trội mà họ thường được lưu diễn trong phủ chúa, cung vua. Hiện nay, còn một toà miếu cổ ở phủ Chí Nguyên thờ họ Trương, tại đây vua Lê Cảnh Hưng có làm đôi câu đối truy tặng như sau:

Năm mươi năm, may áo diễn tuồng xưa, rực rỡ sân son truyền nghiệp đẹp.
Ức vạn thuở, tóc da ơn thấm đẫm, rành rành bút đỏ chép công to

Về sau, Từ Vũ họ Trương được tôn tạo trang nghiêm hơn khi chúa Trịnh Cương về thăm quê ngoại và mất ở đây.

Thái phi Trương Thị Ngọc Chử được gia phả và sử sách chép là người con gái đẹp, có tài thơ văn. Vào một ngày đầu xuân chúa Trịnh Bính võng lọng đi du xuân ở một số vùng ngoại thành, khi võng lọng của chúa tới đất Như Quỳnh thì dân làng một số bỏ chạy,  một số quỳ lạy. Trong khi đó, bà Trương Thị Ngọc Chử vẫn thản nhiên cắt cỏ ở khu vực Từ Vũ ngày nay, xem như không có chuyện gì xảy ra. Trước thái độ coi thường như vậy, Trịnh Bính đã tới gần, xem rõ sự tình, bà Chử vẫn thản nhiên tay cầm liềm cắt cỏ, miệng cất lên tiếng hát :

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm hàng thảo mộc lai hàng tay ta
Mặc ai che tán che tàn
Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ”.

Giọng hát ngọt ngào của con nhà nghề đã làm chúa Trịnh nghe thấy lấy làm ngạc nhiên bèn cho gọi cô gái cắt cỏ tới và hỏi vì sao thấy kiệu chúa tới vẫn ngồi cắt cỏ và hát như vậy. Ngọc Chử trả lời : “Chúa ngự giá là việc của chúa, còn tôi cắt cỏ là phận của tôi, chúa hỏi để làm gì ?” Nghe câu trả lời khảng khái và thấy bà đẹp người, tài giỏi, chúa bèn tuyển làm cung phi. Đến đời sau, Trịnh Cương đã cho xây dựng Từ Vũ, nơi ghi dấu sự hội ngộ của cha mẹ, đồng thời đây cũng là phần mộ của dòng họ Trương.

Theo thần tích, bia ký và truyền ngôn tại địa phương thì ngoài khu di tích Từ Vũ họ Trương, trước đây tại khu vực này còn có đình Lê Xá, đình thờ ông Trương Lục, người có công lớn trong cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần.

Từ Vũ họ Trương là một tập hợp các tác phẩm về nghệ thuật điêu khắc đá, di tích được bố trí trên diện tích rộng chừng 700m2, nằm ngay quốc lộ 5 (Hà Nội- Hải Phòng). Cổng được tạo nên bằng hai cột đá xanh hình chữ nhật. Qua hàng cột đầu tiên sau cổng là đôi tượng chó đá, tượng được tạo mang tính nghệ thuật cao với dáng chắc khoẻ, sinh động trong tư thế ngồi canh giữ Từ Vũ. Qua hai tượng chó đá là khu chính của Từ Vũ. Tại đây, có hai tượng phỗng đá cao 95cm, phỗng đá ở tư thế quỳ dâng lễ với hình dáng đầu trọc, lưng ưỡn, mông cong. Hai bên tả, hữu Từ Vũ là hai tấm bia lớn. Bia bên tả dựng năm Cảnh Hưng thứ ba (1742), bia ghi sơ lược thân thế  bà Trương Thị Ngọc Chử, trong đó có nói về  sự hội ngộ và nên duyên cùng chúa Trịnh, cũng như việc bà đóng góp tiền của để xây dựng đền, miếu, chùa và đường làng, ngõ xóm ở quê nhà.

Tấm bia đối diện được làm năm Bảo Thái thứ hai (1724), bia ghi lại những người có tâm công đức để tu bổ Từ Vũ, xung quanh bia được chạm khắc hoa cúc dây rất tinh xảo. Cả hai bia đá hiện nay chữ khắc còn rõ và đẹp. Phía sau bia đặt hai kỷ đá cao 1,6m, dài 0,60m, rộng 1,8m, mặt kỷ được mài phẳng bóng.

Trung tâm Từ Vũ đặt bệ đá cao 1,6m, dài 2,2m, rộng 1m, sau bệ lớn đặt 6 bệ đá chia làm hai hàng đối xứng nhau. Các bệ đều có chiều cao 1,6m, dài 2,2m, rộng 1,4m, tất cả đều để trơn, mặt phẳng.

Có thể nói, Từ Vũ họ Trương là dấu tích ghi lại cuộc gặp gỡ, nên duyên của chúa Trịnh với cô gái họ Trương năm nào, đồng thời cũng là lăng mộ của dòng họ. Ngoài giá trị nghệ thuật, nơi đây còn ẩn chứa giá trị sử liệu rất cao. Lăng mộ này là một trong ba công trình bằng đá đẹp và có giá trị nghệ thuật nhất tỉnh Hưng Yên. Vì thế, ngày 21 tháng 1 năm 1992 Bộ Văn hóa thông tin đã ra Quyết định số 97/QĐ công nhận Từ Vũ họ Trương là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

(truongtoc.net)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

TỪ VŨ HỌ TRƯƠNG NHƯ QUỲNH
"Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm hàng thảo mộc lai hàng tay ta
Mặc ai che tán che tàn
Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ"
Tiếng hát ngọt ngào của người con gái họ Trương, một dòng họ có nghề ca hát nổi danh chốn kinh kỳ, đã lọt tai vừa ý Tấn Quang vương Trịnh Bính mà lên mối lương duyên. Thái phi Trương Thị Ngọc Chử - hậu duệ của Bình Ngô Khai quốc công thần Trương Lôi, định cư tại làng Như Kinh, tên nôm là Ghênh, nay thuộc thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Nối đời cha ông tiên tổ đều làm quan trong triều hoặc nổi danh trong nghiệp cầm ca.
Năm 1702, Tấn Quang vương Trịnh Bính đột ngột qua đời, chúa Trịnh Căn rất đau buồn, vì con cháu lần lượt mất trước, mà chưa biết lập ai nối nghiệp thì được vị đại thần Liêm Quận Công Nguyễn Quý Đức xin chúa truyền ngôi cho An Đô vương Trịnh Cương, là con của thái phi Trương Thị Ngọc Chử và là chắt của chúa Trịnh Căn.
Sinh thời Thái phi chăm lo việc bồi đức, bà thường đứng ra hưng công các chùa miếu, phát chẩn kẻ ngèo hèn. Công đức lớn lao nên nhiều nơi thờ bà làm hậu Phật, hậu Thần như chùa Văn Trai huyện Thường Tín, Hà Nội, chùa Dâu tại Bắc Ninh...Con gái bà là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ cũng là người mộ đạo, hiện còn tượng thờ tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành.
Đức Thái tôn Thái phi Trương Thị Ngọc Chử đã cho xây dựng ngôi từ vũ ngay tại nơi bà và Tấn quan vương gặp nhau, khi bà vừa cắt cỏ vừa ca hát, để kỷ niệm và tri ân các đời tiên tổ họ Trương. Về sau chúa Trịnh Cương lại cho dựng phủ Chí Nguyên trên đất từ đường của dòng họ ngoại làm nơi thờ cúng tổ tiên của mẹ.
Ngôi từ vũ họ Trương Như Quỳnh, còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá, với nét chạm khắc tinh xảo. Điểm nổi bật là đôi phỗng, đôi chó được điêu khắc rất sinh động, bề thế. Hai tấm bia đá lớn với hoa văn vô cùng diễm lệ. Tấm bên trái dựng năm Cảnh Hưng thứ ba (1742), bia ghi sơ lược thân thế bà Trương Thị Ngọc Chử, trong đó có nói về sự hội ngộ và nên duyên cùng chúa Trịnh, cũng như việc bà đóng góp tiền của để xây dựng đền, miếu, chùa và đường làng, ngõ xóm ở quê nhà. Tấm bia đối diện được làm năm Bảo Thái thứ hai (1724), bia ghi lại những người có tâm công đức để tu bổ Từ Vũ, xung quanh bia được chạm khắc hoa cúc dây rất đẹp.
Mặc dù trải qua nhiều biến động, quy mô của Từ vũ không còn như xưa nhưng với những hiện vật đặc sắc cùng giá trị lịch sử vượt trội đi tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, là điểm đến thăm quan của nhiều nhà khoa học và du khách gần xa.






























Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Từ vũ họ Trương
Địa chỉ QL 5, tt. Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-12-04 06:20:59
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất