Landmarks

Lăng Hoàng Cao Khải

Tags: đá

Nơi người sống tranh chỗ với Người chết giữa Hà Nội - Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải

Nơi người sống tranh chỗ với Người chết giữa Hà Nội - Lăng mộ đá Hoàng Cao Khải
Visit Hoang Cao Khai's mausoleum - LIVE CAM

Tổng quan

Nếu nói về lăng tẩm, và chỉ đề cập đến dưới góc độ kiến trúc và mỹ thuật chạm khắc đá thì lăng Hoàng Cao Khải ở ấp Thái Hà là một công trình được đánh giá rất cao. Hoàng Cao Khải (1850 - 1933) là quận công dưới triều vua Thành Thái nhà Nguyễn.

Nằm rải rác trên tổng diện tích 17ha ở phía Tây gò Đống Đa, cách đường Tây Sơn (Hà Nội) 200m, khu ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng vào năm 1893, gồm 14 công trình kiến trúc lăng mộ, đình chùa... Công trình kiến trúc này được đánh giá đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Toàn bộ lăng được xây bằng đá theo kiểu chữ “Đinh”, dài 8m, cao 6m. Đá xây dựng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây). Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt. Các nhà sử học Việt Nam gọi nó là thành nhà Hồ thứ hai, còn những người Pháp thì đánh giá đây là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông. Toàn bộ khu ấp đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962.

Ở quần thể kiến trúc lăng, có thể dễ dàng nhận ra bản sắc kiến trúc thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, thể hiện qua các họa tiết trang trí (lá thông, lá sen), hai hàng lính chầu, đôi rồng đá trên bậc tam cấp với dáng vẻ dữ tợn. Các nhà điêu khắc, kiến trúc sư trong và ngoài nước đã đến đây tham quan, khảo sát đều đánh giá rất cao, xem như là một di sản văn hóa vô cùng quý giá của Hà Nội. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Phillippe Papin, phía trước lăng mộ Hoàng Cao Khải hồi đầu thế  kỷ XX có hai dãy tượng gồm tám chiến binh cao 1,3m, gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác. Nhưng hiện chỉ còn lại ba bức tượng và cả ba đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên. Trước đây sau lăng có đồi Nghinh Phong (Đón gió) cao 10m. Trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8m từ chân đồi thẳng lên đến tận nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc. Phía trước lăng có một hồ bán nguyệt rộng vài trăm mét vuông, vòng cung hướng ra ngoài, có bờ gạch bao quanh hồ, xây gạch đinh xuống đến tận đáy. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong. Trước đây nước hồ trong vắt và rất sâu, người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn nhưng hiện nay nước đã bị đủ loại chất thải làm cho ô nhiễm.

Đối diện với lối lên xuống hồ là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, rất lớn và hoành tráng, trần cách sàn hơn 4m, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ta ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc sảo. Phía trước mộ là hai hàng lính đá mỗi bên bốn người bồng gươm, cao gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác.

Theo sử liệu, các dinh cơ trong ấp Thái Hà được căng dây kẻ thẳng với hệ thống mương thoát nước, khác hẳn với hình dáng khúc khuỷu của làng xóm xung quanh. Các con đường đi vào theo lối hà kiều (cầu trên sông), là những cây cầu gạch bắc qua các con mương bao quanh khu nhà ở để đánh dấu ranh giới. Nếu như ở mô hình làng Việt cổ có luỹ tre ngăn cách xóm làng với bên ngoài thì ở đây lại tạo nên một tầm mở rộng. Từ đầu thập kỷ 10 của thế kỷ XX trở đi, nhiều cơ quan thuê nhà trong ấp Thái Hà để đặt trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Đại chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học… Năm 1927, thực dân Pháp cho lập một trại thu nhận trẻ lang thang tại đây. Một điểm thú vị là tại ấp Thái Hà, Hoàng Cao Khải, đã cho xây miếu Trung Liệt để tưởng niệm bốn vị quan yêu nước thế kỷ XIX là Tổng đốc Trương Quốc Dụng hy sinh khi chỉ huy công cuộc bình định năm 1864, Nguyễn Tri Phương tự vẫn khi thành Hà Nội thất thủ, Đoàn Thọ chết trong một cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Lạng Sơn năm 1890, Hoàng Diệu, Tổng đốc thành Hà Nội, tự vẫn khi quân Pháp chiếm thành lần thứ hai (1882). Song hiện nay khu miếu Trung Liệt đã hoàn toàn bị xóa sổ! Ngày nay, ấp Hoàng Cao Khải thuộc địa phận phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy là một di tích có tính đặc thù cao về kiến trúc và được xếp hạng quốc gia từ rất sớm, nhưng hiện nay quần thể di tích này nhận được rất ít sự quan tâm của các cơ quan văn hoá và gần như trở thành một phế tích.

(phatluatxahoi.vn)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

Trước và nay, có nhiều đánh giá khác nhau về con người cụ Hoàng Trọng Phu (1872 - 1946). Tuy nhiên, những việc làm của cụ đối với dân là không thể phủ nhận.
Dưới đây, tôi xin đơn cử một số việc mà tôi được nghe các cụ trong làng Triều Khúc kể lại về cụ Hoàng Trọng Phu.
***********************
Cụ Hoàng Trọng Phu là con thứ của Khâm sai Kinh lược Bắc kỳ Hoàng Cao Khải.

Năm 1888, cụ được chính quyền thuộc địa Pháp cử sang Pháp học trường thuộc địa Pháp cùng với Thân Trọng Huề, Lê Văn Miến. Sau khi về nước, cụ làm thông ngôn cho vua Thành Thái ít tháng, rồi ra miền Bắc làm Án sát Bắc Ninh,Tổng đốc Ninh Thái. Sau đó, cụ kế nhiệm cha làm Tổng đốc Hà Đông.

Cụ là người có tinh thần dân tộc, cụ âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn người Đông Du ở Hà Đông và Nam Định hoạt động.

Cụ Hoàng Trọng Phu có tấm lòng thương dân như con. Trong hơn 20 năm làm Tổng đốc Hà Đông, cụ đã có nhiều công lao phát triển làng nghề, dân sinh xã hội ở tỉnh Hà đông.

Làng Triều khúc xưa là xã Triều khúc (thuộc tổng Thanh Oai, huyện Thanh oai, phủ Ứng Hòa), là làng nghề thủ công: dệt quai thao, dệt the, dệt gấm, dệt các loại khăn mặt, khăn quàng, thêu ren và nhiều nghề khác được cụ nâng đỡ, ưu ái. Cụ Tổng đốc còn cho thành lập tiểu khu công nghệ ở thị xã Hà Đông để các làng xã (trong đó có Triều Khúc) đến giới thiệu sản phẩm và giao lưu buôn bán. Nhờ vậy, nghề thủ công của Triều khúc ngày càng hưng thịnh. Có lần cụ đưa vua Cao Miên (tức vua cha của Xi Ha Núc), khi lại mời Hoàng hậu Nam Phương về thăm công nghệ. Cụ còn cho cụ Nguyễn Hữu Dị (người Triều Khúc) đi học nghề dệt quả trám về dạy dân làng.

Trong một lần cụ Tổng đốc về thăm Triều Khúc, dân làng tập trung ở đình để đón. Sau khi nhìn trong đám đông dân chúng không thấy ai là lão làng, cụ hỏi Lý trưởng thì được biết, đã nhiều năm làng này hiếm các cụ cao tuổi. Cụ nào còn sống thì cũng ốm yếu không đi đón quan được. Nghe chuyện, cụ Hoàng Trọng Phu động lòng quan phụ mẫu. Về dinh, cụ làm sớ tâu lên Triều đình, được nhà vua phê chuẩn cho làng Triều Khúc những ai tuổi 48, 58, 68, 78,.. được tôn thêm 2 tuổi, để đủ tuổi bô lão đi đón quan. Vì việc đó mà làng Triều Khúc có tục lệ mà không nơi nào có, đó là tục tôn tuổi (đến nay, tục lệ vẫn còn và duy trì).

Năm Ất mão (1915), đê Hoàng Mạc bị vỡ, ngoài đồng mênh mông là nước, trong làng nước ngập tới mái nhà. Ròng rã bốn tháng trời ngập trong biển nước. Khi nước rút, làng xóm tan hoang, dân tình đói kém muôn phần cơ cực. Với tấm lòng thương dân như con, cụ đã lệnh xuất 600 đồng tiền Đông Dương cùng gạo muối cứu đói cho dân.

Con đường từ Triều Khúc phải đi qua đất ruộng của làng Phùng Khoang, rất quanh co, mới tới được đường Cái Quan (đường Nguyễn Trãi bây giờ). Làng Triều Khúc muốn nắn cho thẳng con đường đó nhưng rất khó vì đoạn đường đó là ruộng của làng Phùng Khoang. Làng Phùng Khoang nhất quyết không cho làng Triều Khúc mua lại hoặc đổi khu ruộng đó. Dân Triều Khúc phải thưa đến cụ Võ Hiển thì làng Phùng Khoang mới chịu cho Triều khúc nắn lại con đường. Con đường được nắn thẳng đó chính là phố Triều Khúc ngày nay.

Trong sự nghiệp giáo dục của Triều Khúc, cụ Hoàng Trọng Phu đã cấp tiền và đặt nền móng xây dựng trường học Quốc ngữ công lập đầu tiên cho dân làng.

Dân làng Triều Khúc vốn trọng nhân nghĩa nên bàn nhau xin cụ cho lập miếu để thờ sống quan Tổng đốc nhưng cụ không cho mà chỉ đồng ý cho dân làng lập một nhà bia.

Nhà bia được kiến trúc sư người Pháp thiết kế và thi công, nhưng vẫn mang sắc thái của người Việt trên một khu đất rộng hơn 1000m2. Khu đất đó chia ra để trồng hoa, xung quanh xây tường chắn thấp. Ở giữa khu đất nổi lên một đài bia cao năm bậc, chính giữa là một tấm bia bằng gạch, mặt ngoài trát giả đá màu sáng bạc. Bia cao 3m, rộng 2m, dầy khoảng 80cm. Đỉnh bia hình vòng cung, mặt bia phía trên có hàng chữ Hán "Đồng tẩu tri ân " ( già trẻ biết ơn). Bên dưới có hàng chữ Quốc ngữ to: "Hoàng Trọng Phu". Hai bên cạnh bia có hai hàng chữ Hán nhỏ, một bên đề là "Hoàng Nam Bảo Đại thập tam niên" (tức năm Mậu Dần 1938). Một bên đề là "Thái tử Thiếu bảo Võ Hiển đại học sỹ". Mặt chính của bia nhìn ra ao chùa có hai hàng chữ Pháp bằng đồng vàng, rất trang trọng:
"RECOMNISSANCESAMONSIEUR
LADMINISTRATEURGENETL".
(có nghĩa là "Biết ơn quan tổng đốc").

Khu nhà bia là một vườn hoa cân đối, hài hoà, rất đẹp nằm bên cạnh ao chùa Triều Khúc, đình Sắc, đình Sàn. Tuy nhiên, đến năm 1961-1962, phong trào Hợp tác xã phát triển mạnh, nhà bia bị phá đi để làm sân kho của HTX xóm Đình.

Những việc làm của cụ Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đã để lại ấn tượng tốt đẹp với dân làng Triều Khúc. Tôi mong rằng sau này, những công trình và dấu ấn về cụ sẽ được giữ gìn, bảo vệ và khôi phục tốt hơn!

Nguồn ảnh: Internet, Thưở vàng son.
Nguồn tham khảo: Fb Phúc Duyên (Giang Nguyên Bồi).

( Giang Mạnh Cầm )




Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Lăng Hoàng Cao Khải
Địa chỉ 1/252/53 Tây Sơn, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2012-09-25 19:27:11
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất