Chùa Đậu
Pháp Vũ tự, Thành Đạo tự, pagode de Phap Vu
Nét hoa văn cổ chùa Đậu - QP15b |
Nét hoa văn cổ chùa Đậu - QP15b |
Phóng sự: Tiếng chuông chùa Đậu |
LỄ HỘI CHÙA ĐẬU MÙNG 9 THÁNG RIÊNG |
CHÙA ĐẬU | Ngôi cổ tự của những mơ ước và khát vọng |
Đại Đức Thích Quang Minh nói về Sách Đồng chùa Đậu |
|
Tổng quan
CHÙA ĐẬU
Chùa thờ nữ thần Pháp Vũ - còn gọi là Bà Đậu. Chùa có tên chữ: Thành Đạo tự - 成道寺, nằm trong hệ thống tứ Pháp nên cũng gọi là Pháp Vũ tự, hay tên nôm là Chùa Đậu. Chùa thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A, qua ga Thường Tín khoảng 1km sẽ thấy biển chỉ dẫn vào thôn Gia Phúc, đi 2km nữa là đến chùa Đậu.
1. Lịch sử:
Theo truyền thuyết, chùa được dựng dưới thời Bắc thuộc lần thứ hai (602 - 939), thời Sĩ Nhiếp, cùng với sự xuất hiện sự tích Man Nương và thần Tứ pháp. Sự tích này gắn liền với việc du nhập đạo Phật từ Ấn Độ và nước ta mà cơ sở là trung tâm Luy Lâu (Thuận Thành – Bắc Ninh).
Tư liệu về Man Nương ở chùa Đậu hiện còn khá phong phú, trong đó đặc biệt là cuốn sách đồng có tự đề: “Pháp Vũ thực lục” gồm 8 lá đồng khổ 0,20 x 0,12m khắc chữ Hán hai mặt, ghi trọn vẹn sự tích Man Nương và thần Pháp Vũ như sau:
“… Quách Thông tâu vua rằng: Nay có tứ tượng, cần được chia ra nhiều nơi để thờ cúng, hằng mong đức Thánh lan tỏa khắp, phù trì vạn dân. Vả lại ở phía nam là vùng khô nóng, có linh khí trấn yểm, quả là vượt dải phúc kinh. Thần vừa có công du qua xứ Sơn Nam thấy ấp Gia Phúc, phủ Thường Tín có địa thế đẹp, đất này tất thành đại danh lam. Vua nghe xong liền xa giá tới thăm, ngó trước nhìn sau tấm tắc khen rằng: Quả như lời Quách Thông nói. Rồi lệnh cho xây lâu đài, phụng thờ thần Pháp Vũ, đặt tên là Thành Đạo tự”.
Như vậy, theo ghi chép tại sách đồng này thì ban đầu chùa có tên là Thành Đạo tự. Tại nhà Tổ của chùa còn đôi câu đối:
Thiên sử cam lâm, Nam Việt dao truyền thiên cổ tích;
Đại khai minh kính, Sĩ Vương ngật lập vạn niên từ.
Nghĩa là:
Trời ban mưa móc, đất Nam Việt truyền thiên cổ tích;
Đất mở gương sáng, thời Sĩ Vương sừng sững đền thiêng.
Mỗi khi có hạn hán, triều đình và nhân dân đều đến đây cầu đảo. Vào thời Lê – Trịnh, mỗi lần cầu đảo, chúa Trịnh đều cho rước tượng thần Pháp Vũ ở chùa Đậu về phủ Chúa tế lễ.
2. Kiến trúc:
Theo văn bia dựng năm Dương Hoà đời thứ 5 (1639) thì ngôi chùa này được dựng vào thời nhà Lý, thế kỷ thứ 11, được mở mang kiến thiết thêm vào thời Trần, Lê, Mạc… Chứng tích của những lần xây dựng còn lại đến nay là đôi rồng đá có niên đại thời Trần trên bậc lên xuống nhà Tiền đường, những viên gạch thời Mạc vẽ hình voi, thú, cá… cùng tấm bia đá dựng năm 1565. Văn bia thời Mạc không ghi rõ quy mô chùa ra sao, song số ruộng chùa tới 100 mẫu cho thấy ngôi chùa thực sự phải rất bề thế.
Vào thời Lê – Trịnh, chùa được xây dựng lại khang trang do hội chủ hưng công là cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên cùng các công tôn (cháu đích tôn) là Trịnh Căn, Trịnh Quế và Trịnh Thụ hằng tâm công đức. Tấm bia ghi: “Tháng 10 năm Bính Tý (1635), bà xuất tiền khởi công xây dựng hai tòa Thiêu hương và Tiền đường, bồi đắp chỗ hư hỏng. Hai năm sau công việc hoàn thành, trông thật nguy nga rạng rỡ”. Có thể nói đây là lần được chùa được xây dựng lớn nhất. Về sau chùa được bổ sung thêm các hạng mục vào các thời Cảnh Hưng, Tây Sơn, Nguyễn…
Chùa hiện bảo lưu được kiến trúc cổ xưa, đậm nét dân gian với nhiều hiện vật quý bia đá, chuông đồng, khánh đồng, tượng phật, tượng linh vật quý…
Kiến trúc hiện tồn của chùa ngày nay có dạng “nội công ngoại quốc” với các hạng mục chính gồm: Cổng, Gác chuông, chùa Vua có Tiền đường (là khu vực chùa chính trước đây chỉ dành cho vua chúa vào lễ), Tam bảo, điện Thánh, hậu đường và hai dãy hành lang. Ngoài ra còn có chùa Am (chùa Dân).
Cổng chùa được xây những năm 80 của TK XX dạng tam quan, trên có mái giả ngói ống đao cong, giữa đắp đại tự: Thành Đạo tự. Phía trước có ao chùa hình bán nguyệt vòng ôm từ cổng tới vùng phụ cận cạnh chùa Am.
Gác chuông chùa được làm dạng Tam quan hai tầng tám mái với các đầu đao cong vút. Bốn mặt lan can tầng hai gác chuông chạm khắc nhiều hình rồng, phượng, chim, thú, hoa lá sinh động, mang đậm nét dân gian. Trên các giá đỡ phía trong ở rường và đấu kê cũng chạm rồng và hình các con sóc, con nghê rất phong phú. Tầng trên treo quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời nhà Tây Sơn.
Qua Gác chuông là một sân gạch rộng, hai bên có hai tòa giải vũ làm nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương.
Khu vực chùa chính của chùa Đậu trước đây gọi là Chùa Vua - nơi xưa kia chỉ giành riêng cho vua chúa, vương công, quý tộc vào lễ Phật. Thời Lê Trung hưng, vua Lê Thần Tông (1649-1662) ban sắc phong chùa là “An Nam đệ nhất danh lam” tức (danh lam số một của nước Nam).
Tiền đường chùa ở phía trước, nối liền với hai dãy hành lang hai bên và nhà tổ ở phía sau làm thành một khung vuông bao bọc lấy tòa thiêu hương và điện thờ Bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ. Ở lối vào gian giữa Tiền đường có bậc thềm với đôi rồng đá tạc với hình dạng đầu to, mình mập, uốn lượn như đang bò từ trên xuống. Đôi rồng đá này có phong cách tạo tác tương tự như đôi rồng đá trên bậc thềm chùa Phổ Minh (Nam Định) có niên đại thời Trần (thế kỷ 13-14). Bên trong nhà Tiền đường có bức phù điêu chạm hình tiên nữ đầu người mình chim và những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ rất sinh động. Tại đây có hai pho tượng Hộ pháp khuyến thiện và Hộ pháp trừng ác sừng sững, uy nghiêm. Tượng với thân hình vô cùng to lớn, trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, ngồi trên sư tử, có sẵn khí giới để bảo vệ đạo pháp. Tượng Khuyến thiện tô mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay trái bàn thờ Phật tay cầm viên ngọc thiện tâm. Tượng Trừng ác được tô mặt đỏ, đặt bên tay phải bàn thờ Phật. Tượng có nét mặt thần giận dữ, lăm lăm vũ khí để trừng trị kẻ ác tâm như răn đe mọi người lánh xa con đường dẫn đến mọi cái ác xấu.
Tích hai vị này vốn từ Ấn Độ cổ xưa: “Nước Ca-bỉ-na có hai anh em hoàng tử tính cách trái ngược nhau. Ông em là Ma-pha-la tính rất độc ác, ham chơi, tham của. Trong khi ông anh là La-đắc lại rất hiền lành, luôn thương xót chúng sinh, đem hết ngân khố phát chẩn đến nỗi kho tàng rỗng tuếch, công quỹ quốc gia khánh kiệt. Khi vua cha biết, không nỡ trách mắng mà chỉ bảo: “Muốn nước hưng thịnh, các con hãy xuống Long cung xin ngọc Ma-ni bảo châu, ước gì được nấy”. Nghe lời vua cha, La-đắc ra biển, tìm xuống Long cung, xin được ngọc lên bờ. Ông em là Ma-pha-la nổi tính tham, đóng giả cướp, đâm anh mù mắt, đoạt ngọc đem về dâng vua. Nhưng từ đó Ma-ni bảo châu trở thành một hòn đá bình thường, không tỏa hào quang, mất hết phép mầu. Mù mắt, La-đắc lần mò dọc theo bờ biển tới nước Ba-la-lật xin trông coi vườn thượng uyển. Vốn thương muôn loài, La-đắc để cho chim thú tha hồ ăn quả trong vườn cấm. Chuyện tới tai vua, vua đòi La-đắc lên xử tội. Trước lúc bị hành hình, La-đắc đã kể lại cuộc đời mình. Vua nghi ngờ, hỏi: “Ngươi lấy gì để làm bằng?”. La-đắc tự tin thưa: “Nếu đúng, mắt tôi sẽ sáng lại”. Dứt lời, hai mắt La-đắc bừng sáng, cùng lúc ấy, ở nước Ca-bỉ-na ngọc Ma-ni cũng rực rỡ sắc màu. Sau đó La-đắc về nước, tha tội cho em, cả hai tu thành chính quả, được cưỡi sư tử - con vật tượng trưng cho trí tuệ và sức mạnh, mình mặc giáp trụ với ý nghĩa ngăn chặn những mũi tên của tham, sân, si, ái ố... Hai ông được tạc tượng thờ ở trong chùa, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ Phật pháp”.
Đặc biệt tại Tiền đường còn treo hai biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc hai bài thơ Nôm làm vào thời Lê – Trịnh. Bài thơ trên biền gỗ thứ nhất có chữ “ngự đề” và tên bài thơ cùng dòng niên đại. Bài thơ trên biển gỗ thứ hai có lời dẫn và dòng niên đại.
- Văn bản khắc trên gỗ thứ nhất bằng chữ Nôm, tạm phiên âm như:
Ngự đề
Pháp Vũ tự thi:
Vô biên công đức dậy lừng danh,
Phơi ngỏ hồ thiên cảnh trí thanh.
Ngọc thỏ một vầng in địa trục,
Bàn long đòi thế mở đồ tranh.
Cầm thông gió quyến khi tuyên pháp,
Hoa báu mưa rây thuở diễn kinh.
Tiết gặp thăng bình nhân thưởng ngoạn,
Tuệ quang hay được khí chung linh.
(Vĩnh Thịnh thập tứ niên thập nguyệt sơ cửu nhật – Ngày mồng 9 tháng Mười năm thứ 14 niên hiệu Vĩnh Thịnh, 1718)
Văn bản khắc trên biền gỗ thứ hai, gồm lời dẫn bằng chữ Hán và bài thơ viết bằng chữ Nôm. Lời dẫn bằng chữ Hán tạm dịch như sau:
Giữa nơi bằng phẳng của vũ trụ, cảnh chẳng có mây hồng ráng tía, thú không có vách đá muôn hình mà tạo thành một thế giới lưu li. Chùa Pháp Vũ thuộc đất Gia Phúc thật kỳ vĩ. Trên mặt đất nổi lên đài sen, lầu son sáng rạng. Cây cỏ xum xuê rủ kín một trời, cành dương tốt tươi nhuần che muôn vật. Gió lành rười rượu hoà cùng lá bối, trăng sáng lung linh ánh với đàm hoa. Bốn phương rộng lớn đuốc tuệ dõi xa. Trăm sông về một mối, thuyền từ cập bến thiêng. Tinh linh mồn một như hiện ngay trước mắt. Công đức chất chồng không bề lượng tính. Ngẫu hứng trước danh thắng mà ngâm ngợi rằng:
Bài thơ bằng chữ Nôm tạm phiên âm như sau:
Thanh quang mẽ mẽ chốn giao quang,
Gấp mấy trần gian mấy thế thường.
Cả mở tượng đồ, đồ tuệ chiếu,
Vẹn gồm khoa lục, lục kim cương.
Duềnh thâu bích hải duyềnh quanh quất,
Sắc ánh từ vân sắc rỡ ràng.
Đức thịnh ngày càng ngày hiển ứng,
Rành thay rành rãnh dấu đăng hương.
(Chính Hoà Mậu Dần mạnh xuân cốc đán – Sáng đẹp tiết tháng Giêng năm Mậu Dần niên hiệu Chính Hòa, 1698).
Trên hai biền gỗ đó đã có niên đại: năm Vĩnh Thịnh 14 (1718) và năm Chính Hoà Mậu Dần (1698). Niên đại này hoàn toàn phù hợp với phong cách trang trí trên biền gỗ. Hình hoa lá trên đường, diềm biền gỗ thứ nhất tương tự hình hoa lá trang trí trên diềm bìa cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18 ở một số địa chùa Đậu và các địa chùa phương khác. Hình rồng trên biền gỗ thứ hai được tả thực đậm nét dân gian. Trên đầu, trên lưng rồng điềm thêm những hoa văn\lưỡi mác khoẻ khoắn – loại hoa văn tiêu biểu ở thế kỷ 17. Hơn nữa cả hai bài thơ đều là thơ vãn cảnh, đề tặng nên thường được lập tức khắc lại để lưu truyền về sau. Do đó niên đại ghi trên biển gỗ là niên đại bài thơ và trong trường hợp này cũng là niên đại của biền gỗ.
Vậy thì hai bài thơ được làm năm 1718 và năm 1698 là của ai?
Bài thơ thứ nhất có chữ “Ngự đề” chứng tỏ đó là thơ do nhà vua sáng tác. Niên hiệu Vĩnh Thịnh là của vua Lê Dụ Tông 9 (1705 – 1719). Từ đó đáng tin rằng đó là thơ do Lê Dụ Tông sáng tác.
Bài thơ thứ hai này tuy không có chữ “Ngự đề” nhưng cũng chỉ có thể của vua hoặc của chúa, bởi biển gỗ được chạm khắc khá công phu, sử dụng hình rồng làm đề án trang trí chính vì sự thể hiện hết sức tôn nghiêm. Biền gỗ và hình thức văn bản này tương tự biền gỗ và hình thức văn bản trên biền gỗ ở Văn Miếu (Hà Nội) khắc bài thơ Quốc âm của Trịnh Căn năm ất Hợi (1695). Theo đó, có nhiều khả năng bài thơ này cũng do vua Lê Dụ Tông sáng tác.
Kiến trúc nhà Tiền đường gồm 7 gian, 4 mái đao cong, thấp, lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí dải hoa chanh có hai con kìm ngậm hai đầu, ở bốn khúc ngoặt bờ dải có 4 con nghê ngộ nghĩnh. Kết cấu vì có điểm nhấn đặc biệt ở hiên với các cốn mê chạm bong kênh hình tượng rồng phượng, long cuốn thủy… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.
Tòa Thiêu hương được dựng tên nền nhà Thượng điện cũ, bên trong đặt tòa Cửu long và tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng đứng trên tòa sen. Sau nữa là một điện nhỏ có tượng thần Pháp Vũ. Tượng được tạc bằng đồng ở tư thế ngồi xếp bằng. Năm 1947 giặc Pháp đốt chùa khiến cho tòa Thiêu hương, Tam bảo và Thượng điện bị hủy hoại.
Theo những tư liệu nghiên cứu và lời kể của nhân dân địa phương thì kiến trúc chùa Đậu trước kia gồm Thiêu hương nằm phía trước, rồi đến Tam bảo thờ Phật, cuối cùng là Thượng điện thờ Thánh Pháp Vũ, cho nên gọi là “Tiền Phật hậu Thánh”. Hiện các công trình này không còn nữa. Nhân dân địa phương đã hưng công xây dựng lại Tam bảo thờ Phật và một nhà vuông thờ Thánh Pháp Vũ, gọi là Tam bảo và Thượng điện.
Trên Tam bảo hiện nay có hệ thống tượng Phật có hai lớp. trên cùng là lớp tượng Tam thế, tiếp theo là tòa Cửu long và tượng Phật Thích ca sơ sinh. Trong ba pho Tam thế có hai pho ở hai bên có niên đại thế kỷ XVII.
Tượng Pháp Vũ mới được làm lại sau khi chùa bị đốt năm 1947, bên dưới có bệ đá chạm hoa văn rồng yên ngựa có niên đại thời Lê - Mạc.
Phía trong cùng là dãy nhà Tổ, được xây ngang, nối vuông với hai hành lang tạo thành cụm kiến trúc khép kín. Tại đây treo các bưc hoành phi và câu đối, cùng một chiếc khánh đồng cỡ lớn đúc năm Cảnh Hưng thứ 22 (1774), 01 tấm bia đá đồ sộ cao 2,5m dựng năm Cảnh Hưng thứ 22 (1761). Trên các bệ thờ có tượng của các vị sư trụ trì chùa đã qua đời. Trong số các pho tượng đó, đặc biệt nhất là tượng nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Hai tượng này vốn được thờ ở hai am cạnh chùa, được đưa vào chùa những năm cuối thế kỷ XX.
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh: Đầu hơi cúi xuống, lưng cong gập, mình gấp nhô về phía trước, hai tay đặt trước bụng so le nhau, tay trái ở phía trong, tay phải ở phía ngoài. Lòng bàn tay trái ngửa lên phía trên, lòng bàn tay phải hướng về phía bụng, trong động tác lần tràng hạt. Xương ngực hằn lên, xương sống nhô rõ từng đốt. Chân ngồi dạng Thiền khoanh tròn, hai chân vắt chéo nhau, ống chân trái đè lên ống chân phải. Bàn chân trái ngửa, vắt lên đùi phải, bàn chân phải ngửa, vắt trên đùi trái (thế Kiết Già Phu Tọa). Đầu tròn, hộp sọ to, biểu hiện sự thông tuệ, vẻ mặt đăm chiêu như đang tụng niệm, khuôn mặt hoàn toàn mang nét riêng của cá thể. Trong sự giống thực, tượng không mang vẻ người chết mà vẫn giữ được sự sống động nên rất linh hoạt. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh đã bị nứt ở trên mặt và 2 đầu gối, đã được tu bổ, phục dựng lại từ ngày 18 tháng 4 năm 2003 đến 29 tháng 11 năm 2003 (Dự án do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây chủ trì, với sự tham gia thực hiện trực tiếp của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Họa sĩ Đào Ngọc Hân và Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà).
Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường: Cũng có thế ngồi tương tự Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh, ngồi theo thế Kiết Già Phu Tọa (thế Thiền), nhưng mặt béo, môi có tô son, lưng thẳng, xương ngực hằn lên, tay dầy, chân xếp vòng tròn. Toàn thân được quét một lớp sơn trắng. Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường trước đó đã được tu bổ năm 1893, sau khi một trận lụt lớn làm hư hại tượng. Tuy nhiên, việc tu bổ năm 1893 chưa đạt được yêu cầu về phương pháp khoa học, chất liệu sử dụng không đồng nhất, do đó, đến năm 2003, bàn tay và chân trái đã bị hư hỏng nặng nên cũng được tu bổ, phục dựng lại năm 2003.
Căn cứ nội dung tấm bia đá đặt trong chùa Đậu (Tu tạo Pháp Vũ tự bi ký) dựng năm Dương Hòa thứ 5 (1639), nói tới ba vị Thiền sư trụ trì tại chùa là Thiền tăng Nguyễn Đăng Dung, Sa di Vũ Khắc Minh và tăng Vũ Khắc Trường thì hai nhà sư này là những người thay nhau trụ trì ở chùa trong khoảng những năm đầu của thế kỷ XVII. Do đó, hai pho tượng cũng có niên đại tương đối đồng nhất với nội dung đã ghi trong văn bia, muộn nhất là vào giữa thế kỷ XVII.
Ngày 22/12/2016 hai pho tượng này đã được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 2496/QĐ-TTg. Đây là điều rất đáng trân quý bởi hai hiện vật này mang những ý nghĩa to lớn. Khoa học thế giới đã khẳng định rằng muốn ướp xác thì phải thực hiện đủ các điều kiện: phải dùng thuốc ướp, bỏ nội tạng, hút óc và phải để thi hài trong quan, quách...v.v. Hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường được sử dụng một cách ướp xác mang đậm chất Phật giáo và độc đáo trong kỹ thuật ướp xác. Các nhà khoa học đã kiểm tra bằng X-quang và thấy rằng toàn thân hai vị sư không có vết đục đẽo, không có hiện tượng rút ruột, hút óc, chứng tỏ thi hài được để nguyên khi ướp, song thân thể của các vị sư vẫn không bị hủy hoại, mặc dù đã trải qua bốn trăm năm tồn tại. Ở Việt Nam, cho đến nay đã tìm thấy 4 tượng nhục thân: 2 nhục thân ở chùa Đậu, 1 nhục thân ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) - thiền sư Như Trí (khác với Vũ Khắc Minh, và Vũ Khắc Trường là ở ngực, lưng có tấm đồng mỏng nằm giữa lớp bồi. Trên đầu cũng cuốn những dải đồng mỏng nằm kẹp giữa 2 lớp bồi bằng sơn ta. Nhục thân Chuyết Chuyết ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) dường như được dựng lại vì đã bị hủy hoại gần như hoàn toàn. Điểm nổi bật, cả bốn nhục thân nêu trên, đều có niên đại vào cuối thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII. Đó là giai đoạn ngắn ngủi tồn tại tục “tượng táng”. Trước và sau đó, chưa thấy hiện tượng này ở Việt Nam.
Trên thế giới hiện có nhiều phương thức táng người đã mất như : Địa táng hay thổ táng - Chôn dưới đất ; Hỏa táng - Đốt thi hài; Hải táng hay thủy táng - Thả xuống nước; Thiên táng hay điểu táng - Treo lên cây cho chim ăn; Huyền táng - Táng treo... Hai tượng Thiền sư ở chùa Đậu đều không thuộc các phương thức táng đã biết. Trong nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đã đưa ra một thuật ngữ là Thiền táng (táng theo tư thế ngồi Thiền) hay Tượng táng (làm thành tượng để táng). Thực chất, đây là một hiện tượng hóa thân thành Phật.
Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viết: “... Di hài nhục thân của các Thiền sư là một dạng Xá lợi (hay Xá lị), là kết quả của quá trình dùng năng lượng đạt đến đỉnh cao của thiền định mà có được sau khi đã tự thiêu đốt đi tất cả. Là kết quả của một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập, loại bỏ tất cả những tạp niệm của Tâm và đạt đến sự giác ngộ viên mãn.
Với di sản quý giá, nhục thân của các Thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở Chùa Đậu (Hà Nội)… đã thể hiện sự đắc đạo trong tu chứng của các vị Thiền sư Phật giáo Việt Nam. Đó cũng chính là dấu ấn tâm linh và di sản văn hóa đặc biệt để lại trong lòng văn hóa dân tộc…”
Cho đến nay, hình thức “tượng táng” này mới chỉ thấy ở Việt Nam và Trung Quốc (Trung Quốc không gọi là “tượng táng” hay “Thiền táng”, họ dùng thuật ngữ “Giáp thể tất” tức sơn ta bó lụa. “Giáp thể tất” duy nhất hiện còn lại đến hôm nay của Trung Quốc là ở chùa Nam Hoa, tỉnh Quảng Đông.
Hai tượng nhục thân các vị Thiền sư được đặt ở tòa Hậu đường chùa Đậu là 2 báu vật đã thu hút hàng vạn khách trong và ngoài nước đến chiêm bái. Đến nay dòng họ Vũ ở thôn Gia Phúc vẫn làm giỗ hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Trong bài khấn còn lưu lại câu: “Hòa thượng, tăng lục ti tăng thống Vũ Khắc Minh hóa thân bồ tát”.
Hai am thờ hai vị thiền sư này trước đây được dựng khối vuông, vừa đủ người ngồi, xung quanh xây gạch hộp khối chũ nhật, trang trí hình linh vật có phong cách thời Lê – Mạc. Ngày nay am được tu tạo rộng hơn, xong tượng hai vị thiền sư vẫn được bảo quản tại nhà Tổ của chùa. Hai am này vì từng có di hài các vị sư nên gọi là “Mộ am”, “lăng” hay “Nhà mộ nổi”.
Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Đậu còn có chùa Am (chùa Dân) nằm ở phía Đông Nam, sau chùa chính (chùa Vua). Ngôi chùa thiết kế mặt bằng chữ đinh. Phía ngoài Tiền đường, phía sau là Tam bảo đấu đinh vào gian giữa Tiền đường. Chùa có quy mô nhỏ hơn chùa chính. Hệ thống tượng trên Tam bảo cũng có những lớp tượng cơ bản như Tam thế, A Di Đà, Cửu long… với nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX – XX. Cũng tại chùa Dân còn có những pho tượng Bà Hậu được tạc bằng gỗ thơm, đá quý rất đẹp.
Với những giá trị nêu trên, chùa Đậu đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đợt đầu tiên tại Quyết định số Số 29VH/QĐ ngày 13/01/1964. Đây thực sự là điểm đến hấp dẫn để giới thiệu tới du khác trong và ngoài nước những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, có giá trị lớn của Thủ đô. (Nguồn: Sở du lịch HN)
Toạ độ
Hình ảnh
[xem cả trang] [Google Images]
Ảnh chùa Đậu năm 2009 do thành viên CAIBONG, diễn đàn vnphoto.net, chụp.
http://www.vnphoto.net/forums/showthread.php?t=47176
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
© Phần thượng điện lúc này chưa được dựng lại Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by vietlandmarks.com |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Image by CAIBONG - vnphoto.net |
Bài viết
- Chùa Đậu – huyện Thường Tín | Hà Tây
hatay.edu.vn Chùa Đậu còn có tên là Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà, nằm ở làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín,
- Chùa Đậu – Wikipedia tiếng Việt
vi.wikipedia.org
- Chùa Đậu và những điều huyền bí quanh bức "tượng táng"
www.xaluan.com
- Chùa Đậu: chuyện cũ – tích xưa - Chua dau: chuyen cu – tich xua - Đạo Phật Ngày Nay
www.daophatngaynay.com Chùa Đậu: chuyện cũ – tích xưa
- CHÙA ĐẬU - Danh lam thắng cảnh - UBND HUYỆN THƯỜNG TÍN
thuongtin.hanoi.gov.vn
- CHÙA ĐẬU - Sở du lịch Hà Nội
sodulich.hanoi.gov.vn hùa thờ nữ thần Pháp Vũ - còn gọi là Bà Đậu. Chùa có tên chữ: Thành Đạo tự - 成道寺, nằm trong hệ thống tứ Pháp nên cũn...
- http://www.quangduc.com/vietnam/012chuadau.html
www.quangduc.com
- Về chùa Đậu ngắm hoa Vô ưu nở - VnExpress
vnexpress.net Cuối thu về thăm chùa Đậu ở Thường Tín, Hà Nội, tôi thấy hoa Vô ưu nở đẹp quá. Cây hoa Vô ưu còn gọi là cây Xala có nguồn gốc từ Ấn Độ và gắn với Đạo Phật.
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
Đường vào chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hanoi, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2012-09-28 08:07:58 |
Các thành viên |
|
|
|
(1.28 km) |
(1.61 km) |
(3.16 km) |
(3.16 km) |
(3.24 km) |
(3.16 km) |
(3.49 km) |
(3.56 km) |
|