THÁNH ĐƯỜNG TỪ CHÂU
Lê triều Cảnh Hưng thứ 25 (1765), đất Kẻ Trừ - Đầm Rờ được linh mục Phê rô Nhàn truyền cho đạo Thiên Chúa. Kể từ đó số người theo đạo ngày một đông, lúc đầu là một họ lẻ thuộc xứ Sơn Miêng. Đến năm 1817, toà tổng Giám mục Hà Nội cho thành lập giáo xứ Kẻ Trừ.
Năm 1889, xứ Kẻ Trừ khởi công xây dựng ngôi Thánh đường, sau 5 năm thì hoàn thành, nhân đó đổi thành giáo xứ Từ Châu. Ngoài họ đạo nhà xứ Từ Châu, gần như toàn tòng thì có bốn họ đạo trực thuộc gồm: Ước Lễ, Minh Thụy, Phúc Lâm và Nghiêm Xá.
Thánh đường với kiến trúc theo kiểu Đông Tây kết hợp, các toà thờ sơn son thiếp vàng lộng lẫy, toàn bộ mái và kèo cột làm bằng gỗ lim, trên cột treo các câu đối khảm trai rất đẹp. Tháp nhà thờ treo bốn quả chuông lớn: 3 quả chuông Tây được đúc tại Pháp và một quả chuông Ta được đúc tại Việt Nam. Đặc biệt nhà thờ xứ Từ Châu, hiện đang lưu giữ thiên hoa của thánh Ven, mất năm 1861, đây là một thánh tích mà mỗi giáo dân cực kỳ tôn kính và tự hào.
Khuôn viên xung quanh thánh đường đều là các công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi, hai bên là tả mạc hữu mạc, hang đá, nhà kiệu. Tượng đài thánh Phê-rô quan thầy của giáo xứ Từ Châu được dựng vào năm 1936 ngay trên sân Thánh đường. Phía trước là một hồ nước rộng, được giữ gìn sạch sẽ, phía bờ đối diện là học đường của giáo xứ.
Thánh đường giáo xứ Từ Châu, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai là một trong những ngôi Thánh đường cổ kính bậc nhất của tổng giáo phận Hà Nội. Nổi tiếng bởi vẻ đẹp hài hoà bình dị, kết hợp giữa nét kiến trúc châu Âu và truyền thống văn hoá Việt Nam.