LANG BẠT SIÊU QUẦN
Như một ốc đảo giữa lòng Hà Nội, Kẻ Gùn tên chữ xưa là xã Quần Cư, tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, về sau gọi tên thành Siêu Quần, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Nằm ở ngã tư sông Nhuệ, sông Hoà Bình, sông Ái trong một vùng đất cổ nổi danh, xung quanh là sông nước, đồng ruộng. Các làng xã lân bang đều có dấu tích tụ cư từ thời cổ đại, khoa bảng rực rỡ thời phong kiến và đổi mới trong thời hiện đại như: Đại Áng, Đan Thầm, Thạch Nham... Có lẽ do cách biệt về địa lý mà Siêu Quần vẫn giữ nếp xưa, ngoài trục chính đường làng mới được trải nhựa rất đẹp và hiện đại thì cảnh quan vẫn mang đậm nép làng xưa với lũy tre, bờ lúa, dòng sông xanh mát, bến nước mái đình.
Điều khiến du khách bất ngờ chính là giọng nói đặc biệt của dân làng, nó như lọt thỏm giữa vùng dân cư xứ Sơn Nam Thượng, người Kẻ Gùn - Siêu Quần phát âm giống với vùng Thạch Thất, Quốc Oai của xứ Sơn Tây hoặc lại thấy ngai ngái giọng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hỏi ra mới biết, nguồn gốc dân cư từ các làng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá; hoặc từ xứ Thuận Hoá ra đây sinh sống vào thời Lê Sơ, trong đó có cả người Chăm. Tra cứu tư liệu thì thấy tại Thừa Thiên Huế hiện nay cũng có một làng tên Siêu Quần, cũng có thể liên quan đến nguồn gốc Siêu Quần tại Hà Nội chăng!
Bởi dân ban đầu của làng là từ Vĩnh Lộc nên vị Thành hoàng sơ khởi cũng được rước từ quê cũ ra chính là Bình Ngô Khai quốc công thần Trịnh Khả. Ông là một trong 18 người có mặt tại Hội thề Lũng Nhai của Lê Lợi, sau lập được nhiều chiến công trong việc đánh đuổi giặc Minh. Khi Lê Lợi lên ngôi, ông được phong Hổ Vệ tướng quân, Thượng trụ quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, khắc biển công thần. Về sau Siêu Quần lại thờ vị phúc thần thứ hai là Nguyễn Phục, đỗ Hoàng giáp khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa đời vua Lê Nhân Tông (1453), làm quan đến chức Hàn lâm viện kiêm Vương phó là thầy dạy các cho các vương tử. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được cử giữ chức Đốc lương. Đến cửa biển Tư Dung, gần thành phố Huế hiện nay thì bị gió bão, thuyền lương đến chậm, vua Lê Thánh Tông nổi giận đã xử chém ông. Về sau, Vua biết ông bị oan, đã phong ông làm Phúc thần, nhiều làng xã vùng biển Tư Dung và ngoài Bắc thờ ông. Các triều vua về sau đều phong ông là Đông Hải Đại Vương. Việc làng Siêu Quần thờ ông là do có một bộ phận cư dân Huế từng thờ ông ở quê gốc chuyển cư ra đây.
Là vùng dân góp, ngoài hai nguồn chính ở xứ Thanh, xứ Huế thì làng còn là nơi quần cư của dân tứ xứ, bởi thế trong vùng có câu: "Lang bạt Siêu Quần, cao quan Kẻ Lủ".
Hằng năm, vào ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch, dân làng lại tưng bừng mở hội, tưởng nhớ công đức nhị vị Đại vương. Trong lễ hội không thể thiếu môn đua thuyền, là hình ảnh lưu dấu một thời kỳ "lang bạt" của cha ông. Và cũng đặc biệt, ít làng nào có tục rước duyệt đội hình trước ngày khai hội. Mặc dù chỉ là rước thử nhưng đoàn rước đi đến đâu nhà nhà đều bày biện bàn hương nghênh đón. Dưới đây, xin chia sẻ một số hình ảnh trong ngày tổng duyệt.