TỪ THỨC GẶP TIÊN
Xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi dãy núi Tam Điệp đâm ra Đông Hải, dưới chân núi là cửa biển Thần Phù hiểm ác, gắn liền với nhiều chiến tích, thần tích từ cổ xưa:
"Lênh đênh qua cửa Thần Phù,
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm".
Trong lòng núi có một hệ thống hang động với nhiều nhũ đá được gắn liền với truyền thuyết Từ Thức gặp tiên, đó là động Bích Đào mà dân gian thường gọi là động Từ Thức.
Ngay trên vách đá nơi cửa động có đề bài thơ của nhà bác học Lê Quý Đôn:
Thần tiên vẫn bảo chuyện mơ màng,
Động Bích Đào kia cỏ mọc hoang.
Trời bể tìm tòi, mê huyện Thức!
Nước mây chờ đợi, mệt nàng Hương!
Vang om thạch động trăng gần sáng,
Nhạt nhẽo diêm điền muối đẫm sương,
Giấc mộng Thiên Thai mong mỏi mãi,
Ai hay cũng chỉ hí du trường!
Từ Thức người huyện Tống Sơn, nay là Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá làm tri huyện Tiên Du, xứ Kinh Bắc, một buổi chơi hội xuân chùa Phật Tích, gặp làng Giáng Hương đang bị nhà chùa bắt vạ vì làm gãy cành hoa mẫu đơn, chàng đã cởi áo gấm giúp nàng đền trả! Thời gian sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức gặp lại Giáng Hương nơi vườn đào, phòng loan thạch động buông rèm, cảnh tiên chẳng lỡ trở về trần gian. Sống với nhau được một năm, Từ Thức chợt nhớ nhà, nên muốn được về thăm, Giáng Hương chiều ý chồng mà đành sắm xe hạc ghế mây đưa chàng về quê. Một năm ở cõi tiên bằng trăm năm nơi trần thế, khi về đến nhà cảnh vật khác xưa, Từ Thức hỏi thăm một ông già tóc bạc thì mới biết đó là cháu nội của mình, khi này muốn quay lại nơi tiên cảnh thì cửa động mịt mùng, lạc lối chẳng đường đi.
Động Từ Thức được nhiều tao nhân mặc khách thăm viếng, ngợi ca, chúa Trịnh Sâm ban danh là "Nam thiên đệ thất động" - động đẹp thứ bảy của nước Nam. Trong động vô vàn thạch nhũ rủ buông, măng đá tạo hình: phòng khuê, buồng tắm, vườn đào... Khiến cho lữ khách cũng như lạc vào cảnh tiên!