QUẢNG BỊ CUNG RƯỚC LỤC VỊ ĐẠI VƯƠNG TUẦN DU BẢN HẠT
Ngài Dực Vận Tán trị Công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Công bộ thượng thư Đô úy Liêm quận công Đặng Thế Khoa tự Chân Hương, gia phong Trí Tín Uy Nghi đại vương, trật tặng Thiếu bảo người làng Lương Xá huyện Chương Mỹ cùng phu nhân là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Trân gia phong Phương Dung Ý Đức, Đoan Trang Từ Huệ công chúa Đại vương. Nhị vị Đại vương sinh thời được triều đình ban tặng làng Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội làm thực ấp, thế nhưng ngoài nơi xây cất dinh phủ và phần ruộng để làm hương hoả thì toàn bộ 300 mẫu ruộng đều tặng lại cho làng, thêm đó còn sửa chùa, dựng đình, hết sức chăm sóc cho dân xã thực ấp của mình.
Nhờ ơn mưa móc Thành hoàng thuở trước, phúc thần về sau mà trong suốt thời phong kiến Quảng Bị luôn là trung tâm huyện lị của huyện Chương Đức, sau này là của huyện Chương Mỹ. Dân xã đồng lòng thờ cúng Liêm quận công và Quận phu nhân làm thành hoàng, lập Gia Ứng miếu, dựng bia khắc ghi sự tích, lại rước thần vị thờ tại đình làng cùng với bốn vị Thành hoàng bản thổ.
Kết bè tập phúc, họ hàng thân quyến của Liêm quận công đều cùng góp công góp của, hưng công đền miếu, tạo phúc cho dân xã Quảng Bị. Trên chuông chùa Hưng Khánh, đúc năm Cảnh Trị thứ 2 (1665) vẫn còn đề danh các vị: Doanh quận công Đặng Tiến Tài cùng phu nhân Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Du, Yên quận công Đặng Tiến Thự phu nhân Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Toàn, Tiến quận công Đặng Tiến Công phu nhân Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Lục, Hán Thụy hầu Đặng Tiễn Hoà, Lộc quận công Trịnh Trượng...
Ngoài ra Quảng Bị còn có hai miếu riêng thờ Mụ Cung Thần Quan Đặng Từ Hạnh là con gái của Nghĩa quốc Hậu Trạch công Đặng Huấn và Thọ Xuân hầu Đặng Tiến Bột là con trai của Doanh quận công Đặng Tiến Tài. Như vậy, làng Quảng Bị với tên nôm là Vậy thờ 8 vị thần, trong đó có bốn vị Thổ thần và 4 vị nhân thần là người họ Đặng làng Lương Xá. Tám vị có 7 miếu thờ riêng, Gia Ứng miếu thờ Liêm quận công và Quận chúa, còn 6 vị mỗi vị một miếu. Tại đình làng thờ 6 vị đại vương gồm bốn vị Thổ thần và Liêm quận công cùng Quận chúa, ngài Thọ Xuân hầu và Mụ Cung Thần Quan không thờ tại công đình.
Cổ lệ, cứ vào mùng 7 tết là ngày làng tổ chức tế xuân, ba năm mở hội một lần từ mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng. Cung rước lục vị Thành hoàng từ đình làng đi tuần du bản hạt rồi xuống quán Thập Giáp đóng đám, bên cạnh quán Thập Giáp là lăng mộ của Liêm quận công và Quận chúa phu nhân, cách đó không xa lại có nhà thờ hai ngài. Từ năm 2015, trước sự đồng thuận của chính quyền, dân xã đã đổi ngày mở hội từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Giêng để phù hợp với lịch nghỉ tết của nhà nước.
( Nguyễn Phong )