CHÙA THANH XUÂN
Lê triều Vĩnh Tộ thứ 5 (1623), tháng 6, Bình An vương Trịnh Tùng bị cảm, chọn Thanh quận công Trịnh Tráng lên thay nắm giữ binh quyền. Vạn quận công Trịnh Xuân giữ chức phó lấy làm bực tức đã đem quân phản cha, Bình An vương phải chạy về xã Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Vương thế tử Trịnh Tráng họp các quan văn võ ở Nhân Mục (kẻ Mọc) bàn việc hành quân, đánh dẹp xong Trịnh Xuân mới rước chúa về Thăng Long. Ngày 20, Bùi Sĩ Lâm hộ vệ nhà Chúa đến quán Thanh Xuân huyện Thanh Oai, thì Chúa mất. Thời Nguyễn, trong sách “Việt sử thông giám cương mục” thì lại viết: “Năm Quí Hợi tháng Sáu mùa Hạ, Trịnh Xuân bất mãn đốt nhà cửa, phố xá trong kinh thành. Trịnh Tùng đang ốm phải lên xe dời khỏi kinh thành. Ngày 20, Chúa mất ở chùa Thanh Xuân.”
Thanh Xuân tự, chùa của làng Mọc Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có lịch sử tạo dựng từ thời Trần, thuộc về huyện Quốc Oai, đến thời Lê, tên làng là Phùng Quang, thuộc về xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1723 làng chuyển sang huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn lại đổi về xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1964 nhập vào xã Trung Văn, huyện Từ Liêm; sau đổi thành phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tên chùa nay là tên của quận Thanh Xuân liền kề.
Thời Pháp thuộc, ven đường Lai Kinh Thượng Đạo - Quốc lộ 6, đi vào nội thành Hà Nội, trước cửa chùa Thanh Xuân hình thành một dãy phố nên gọi là phố Thanh Xuân, rồi có bến xe điện Thanh Xuân. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ 20, nhiều khu chung cư được xây dựng hình thành khu tập thể Thanh Xuân, sau trở thành tiểu khu Thanh Xuân thuộc khu phố Đống Đa, năm 1981 đổi thành phường Thanh Xuân, quận Đống Đa, nay gọi là phường Thanh Xuân Trung. Năm 1982 thành lập phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa, nay là 2 phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam. Trên cơ sở đó năm tháng 12 năm 1996 thành lập quận Thanh Xuân!
Chùa Thanh Xuân hiện giữ được 6 tấm bia đá và 3 chuông đồng lớn. Tấm bia đá cổ nhất hiện còn bảo lưu được trong chùa mang niên đại Chính Hòa 13 (1692) viết rõ: “Thường xem đất Phật ở trời Nam xứ nào cũng có. Duy chỉ có chùa Thanh Xuân, thôn Phùng Khoang, xã Nhân Mục là danh lam thắng cảnh lâu đời”. Ở toà Tam bảo còn tấm bia “Trùng tu Thanh Xuân tự bi ký” dựng năm Tự Đức 31 và tấm bia tương tự dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) do Phó bảng Đỗ Huy Điền, người làng Tây Mỗ soạn. Đời vua Tự Đức, năm Đinh Sửu (1853) ông trưởng mục Nguyễn Huy Trâm cùng dân làng đã dời ngôi chùa về phía nam thôn, là vị trí hiện nay, tu tạo chính đường, bái đường, tam quan, tất cả đều lợp ngói lá đề, xung quanh có tường bao. Hai tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) và Bảo Đại thứ 19 (1944) cho biết công chúa Ngọc Nga đã cho dựng ngôi chùa này ở ven đường làng để thờ Phật. Bà cũng có công xin cho Phùng Khoang có một phiên chợ riêng họp vào ngày 28 tết hàng năm, do vậy chợ làng còn gọi là chợ Chùa và trong chùa có am thờ công chúa. Ba chiếc chuông đồng được đúc vào đầu thời Nguyễn, cùng với bia đá, hoành biển, đối liễn đều là những tư liệu khẳng định lịch sử lâu đời và giá trị văn hoá vượt trội của Thanh Xuân cổ tự!