Landmarks

Đền Lũng

Đền Lũng Khê, đền Hữu Lũng
Tags: cầu

Vùng đất cổ Luy Lâu

Tổng quan

Đền Lũng thờ Thái thú Sĩ Nhiếp (137 - 226) là người có công truyền bá đạo Nho và chữ Hán đầu tiên vào Việt Nam. Đền nằm trong khu vực Thành cổ Luy Lâu - thủ phủ của nhà Hán từ những năm đầu Công nguyên (nay thuộc địa phận thôn Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành).

Tương truyền đền Lũng xây dựng từ lâu đời trên khu nhà ở và đồng thời là trường dạy học lúc sinh thời của Thái thú Sỹ Nhiếp. Dưới các triều đại phong kiến đền Lũng được trùng tu, tôn tạo nhiều lần với quy mô lớn và được liệt vào hàng “miếu điện quốc gia”. Hiện nay đền Lũng có mặt bằng kiến trúc kiểu “Tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh”. Tòa Tiền tế 5 gian xây dựng lại năm 2001 theo lối kiến trúc “tầu đao lá mái” khung nhà làm bằng gỗ táu, đục chạm thường. Tòa đền Thượng gồm 5 gian đại bái và 3 gian Hậu cung kết cấu kiến trúc đơn giản theo kiểu “quá giang gác tường”. Phía bên trong Hậu cung đặt bài vị của Thái thú Sỹ Nhiếp bằng gỗ đục chạm tinh xảo có niên đại thế kỷ XVII, bên trên treo bức Hoành phi khắc 4 chữ Hán “Nam Giao học tổ”, phía dưới bài trí hệ thống tượng thờ bằng đất sét phủ sơn gồm: Thái thú Sỹ Nhiếp, con trai Sỹ Huy, Công chúa, Quan hầu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Tại đền Lũng hiện còn bảo lưu được 15 tấm bia đá trải hai triều đại Lê - Nguyễn, nội dung các tấm bia đều ca ngợi công lao to lớn của Thái thú Sĩ Nhiếp - người có công đầu trong việc truyền bá Nho giáo vào Việt Nam. Văn bia còn cho biết đền Lũng đóng vai trò quan trọng đặc biệt được liệt vào hàng “miếu điện quốc gia”, việc tế lễ ở đền Lũng hàng năm diễn ra đều đặn vào 4 mùa theo nghi thức cấp nhà nước và phải do các quan phủ, huyện đảm nhiệm. Bên cạnh đó cũng có những tấm bia nội dung đề thơ và ghi chép việc các dòng họ, cá nhân là người địa phương lập hậu tại đền.

Hệ thống bia đá ở đền Lũng gồm: Bốn tấm bia lệnh chỉ khắc vào các năm 1678, 1774, 1775, 1809. Bốn tấm bia trùng tu dựng vào năm 1661, 1843, 1857, 1877. Sáu tấm bia hậu có niên đại thời Nguyễn. Một tấm bia đề thơ tạo tác vào năm 1924. Toàn bộ hệ thống bia đá ở đền Lũng đều chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật tiêu biểu như:

Về mặt niên đại, kiểu dáng của văn bia: tấm bia có niên đại tạo tác sớm nhất vào năm 1661 và muộn nhất là năm 1924. Trong số 15 tấm bia có tới 14 tấm là bia dẹt đa số khắc chữ cả hai mặt, duy nhất tấm bia nói về việc tu sửa cầu đá khắc năm 1843 là bia 4 mặt mái long đình. Kích thước bia đá ở đền Lũng không đều nhau các tấm bia khắc dưới thời Hậu Lê thường có kích thước lớn, sang thời Nguyễn có xu hướng nhỏ dần đặc biệt là các bia hậu. Hiện nay tấm bia có kích thước lớn nhất ở đền Lũng với chiều cao 190cm, rộng 131,5cm, dầy 32 cm, tấm có kích thước nhỏ nhất với chiều cao 68cm, rộng 43cm, dầy 10cm.

Về mặt người soạn văn bia: đa số là những người có học vị và chức vụ cao trong xã hội thời bấy giờ chẳng hạn như: Lễ bộ Tả thị lang Nghĩa Quận Công Nguyễn Tính người xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang là người soạn tấm bia “Thành Luy Lâu” khắc năm 1661. Tướng sĩ thứ lang, tương tác giám ngọc thạch cục, cục chính Tiến Nam Lộc Nguyễn Phú Tài người xã Đoan Bái, huyện Gia Định soạn tấm bia “Cung san lệnh dụ phụng sự bi” khắc năm 1678. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1748) Nguyễn Huy Dận người xã Phú Thị, huyện Gia Lâm soạn tấm bia “Vĩnh cửu bất san” khắc năm 1775. Tú tài Nguyễn Văn Huy người xã Phật Tích soạn tấm bia “Cổ Luy Lâu thành bi ký” khắc năm 1857, Cử nhân Ngô Quang Huy người Yên Đình soạn tấm bia ‘Lũng Khê từ Vọng giang lầu ký” khắc năm 1877…

Về mặt địa danh hành chính: thời Hậu Lê Lũng Khê có tên gọi là Lũng Triền - một đơn vị hành chính cấp thôn thuộc xã Thanh Tương, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An. Sang đến thời Nguyễn mới được nâng lên thành đơn vị hành chính cấp xã và đổi tên gọi là Lũng Khê.

Về mặt nghệ thuật điêu khắc: mỗi tấm bia ở đền Lũng là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoàn chỉnh, từ việc trang trí hoa văn trên trán và diềm bia tới các kiểu chữ Hán được khắc trên mỗi một tấm bia. Hệ thống bia đá đền Lũng còn góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt dưới thời Lê - Nguyễn.

(Nguồn: baobacninh.com.vn)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

ĐỀN THIÊNG TRONG THÀNH CỔ LUY LÂU
Có ơn thì nhớ, có công thì thờ. Đạo lý uống nước nhớ nguồn truyền đời của dân tộc ta, chẳng phân biệt bắc nam, không câu nệ Hán Việt.
Thái thú Sỹ Nhiếp (137 - 226), người Hán nhưng tổ tiên đã sang Giao Chỉ sinh sống được 7 đời, là người có công truyền bá đạo Nho và chữ Hán đầu tiên vào Việt Nam. Mở trường dậy học, xây chùa truyền bá Phật pháp, xây dựng Luy Lâu thành một trung kinh tế, văn hoá, giáo dục lớn, không chỉ của Giao Châu mà còn là một thành trì quan trọng của nhà Hán. Xã hội phồn thịnh, dân trí mở mang, đức của Thái thú khiến đời sau ghi nhớ, lập đền thờ cúng gần trải 2000 năm! Thành cũ đã mất, tích cũ hãy còn, mà đèn nhang chốn linh từ nối đời không dứt.
Tương truyền đền Lũng Khê, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nằm giữa trung tâm thành cổ Luy Lâu. Nguyên xưa nơi đây là nhà ở và cũng là nơi mở lớp dạy chữ của Thái thú Sỹ Nhiếp. Lịch đại đế vương nước Việt tôn phong là Sỹ vương, nơi thờ tự được liệt vào “miếu điện quốc gia”.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, đền hiện mang dấu tích kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Chiếc cổ kiều bằng đá duyên dáng bắc qua một hồ nước, cầu mang phong cách tạo tác dưới thời Lê, được trùng tu vào thời Nguyễn năm 1843. Bước vào trong đền là không gian linh thiêng với các hiện vật quý giá như bộ tượng Sỹ Vương cùng gia quyến và thuộc tướng. Tấm bài vị mang phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng thế kỷ 17 tại hậu cung, phía trên là bức hoành “Nam Giao học tổ”. Lại có 15 tấm bia đá ghi lịch sử ngôi đền cũng như công đức của Thái thú Sỹ Nhiếp. Trong đó có bốn tấm bia lệnh chỉ của triều đình khắc vào các năm 1678, 1774, 1775, 1809. Bốn tấm bia trùng tu dựng vào năm 1661, 1843, 1857, 1877. Sáu tấm bia hậu có niên đại thời Nguyễn. Một tấm bia đề thơ tạo tác vào năm 1924.
Phía trước cửa đền là các dãy đồi gò, chính đây dấu tích cổ thành Luy Lâu. Các nhà khoa học đã tổ chức nhiều đợt khai quật khảo cổ, phát hiện hàng ngàn hiện vật có giá trị chứng minh cho một toà thành, bên trong phòng ngự bên ngoài dân cư sầm uất.
Thành cổ Luy Lâu, với 2000 năm lịch sử, còn ẩn chứa bao điều kỳ thú, khách bốn phương tìm đến tham quan, nghe lại tích cũ; tri ân người xưa đã khởi nền giáo dục, mở lối thiền gia.


 © Tượng Sỹ Vương

 © Hố khảo cổ trước cửa đền khi tác giả đến thăm





 © Tượng công chúa (chắc con gái của Sỹ Vương)


 © Các bộ tướng

 © Bài vị


 © Tượng Sỹ Huy con trai của Sỹ Vương




 © Tấm bia thời Lê trong tiền đường

 © Thi sĩ đề thơ


 © Bia thời Nguyễn nói về việc tu sửa cầu


 © Tấm bia hậu

 © Hàng bia thời Lê - Nguyễn ngoài sân, bia trụ vuông có mái ghi về việc trùng tu cầu thời Nguyễn


 © Một cái gò trước cửa đền, nghe nói cũng là một ngôi cổ mộ thời Hán







Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đền Lũng
Địa chỉ Thành Luy Lâu, Văn Quan, Thuận Thành, Bắc Ninh, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2012-09-30 22:03:57
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất