Mộ Trịnh Hoài Đức
Tổng quan
Trịnh
Hoài Đức - một danh nhân văn hóa Việt Nam, có những cống hiến to lớn
cho dân tộc, đặc biệt là quê hương Trấn Biên (Biên Hòa, Đồng Nai ngày
nay). Ông là vị trọng thần trải ba đời triều Nguyễn, sống liêm khiết,
thanh cao, đức độ được nhân dân hết lòng tôn kính. Khi qua đời, ông để
lại cho hậu thế một kho tàng di sản đồ sộ, nổi bật là bộ sách “Gia Định
thành thông chí” có giá trị khoa học về lịch sử, địa lý, con người Nam
Bộ.
Lăng Trịnh Hoài Đức ở Biên Hòa
Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu (1765), gốc Minh
Hương (Trung Hoa), hiệu Cấn Trai. Khi ông lên 10 tuổi thì cha qua đời.
Mẹ con ông chuyển tới trấn Phiên An (Gia Định) lập nghiệp. Tại đây, ông
theo học thầy Võ Trường Toản, một nhà giáo dục nổi tiếng bấy giờ, và đỗ
đạt, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức Hàn lâm viện chế cáo. Với
tài năng của mình, ông được vua Gia Long ngày càng trọng dụng cử giữ
nhiều trọng trách trong bộ máy cai trị của nhà Nguyễn như: Đông cung thị
giảng, Thượng thư bộ hộ, Thượng thư bộ lại, Tổng trấn Gia Định... Có
thời, Trịnh Hoài Đức được cử làm thượng thư của cả bộ lại và bộ binh.
Ông mất năm Ất Dậu (1825), khi tròn 60 tuổi. Thi hài ông được rước về
Trấn Biên an táng. Vua Minh Mạng truy phong ông là Thiếu phó cần chánh
diện Đại học sĩ.
Cả đời làm quan, Trịnh Hoài Đức là người nổi tiếng tài đức vẹn toàn,
được vua tin yêu, quần thần ngưỡng vọng. Dù ở chức quan cao cực phẩm
nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn sống giản dị, thanh bạch, chỉ biết quên mình lo
việc ích nước, lợi dân. Về phương diện văn hoá, Trịnh Hoài Đức là nhà
thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu dưới thời Nguyễn Trung Hưng. Cùng với
Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, ông lập ra nhóm “Bình Dương thị xã”,
được người đời xưng tụng là Gia Định tam gia. Cống hiến xuất sắc nhất
của ông đối với lịch sử, văn hóa dân tộc là bộ “Gia Định thành thông
chí”, ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai – Gia
Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt. Bộ sách này đã
được người Pháp dịch và xuất bản ở Paris từ năm 1863 và trở thành tài
liệu vô giá cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về miền Nam.
Lăng mộ Trịnh Hoài Đức (hay còn gọi là lăng Ông) nằm ở phường Trung
Dũng, Thành phố Biên Hoà. Toàn bộ di tích được xây theo lối kiến trúc
cổ, có bờ thành bao bọc, cửa vào có trụ búp sen, đặt bình phong án. Phía
sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng lượn sóng. Tường sau có trang trí
hình long ẩn tinh sảo, đẹp mắt. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong
lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức. Bên trong gồm
hai phần mộ Trịnh Hoài Đức và chính thất phu nhân. Kết cấu 2 ngôi mộ
giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ khum móng ngựa. Phía trước
mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; xung quanh trang trí bởi các
đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dạng chân quỳ. Tuy
nhiên, thời gian đã làm nét chữ, nét chạm khắc phai mờ, tường cũ rêu
phong.
Năm 1990, lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch
sử và hiện tiếp tục được trùng tu xứng tầm một danh nhân văn hóa, vị
quan đại thần hết lòng vì nước, an dân.
(theo daidoanket.vn)
Toạ độ
Bài viết
Bình luận
Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
|
|
Địa chỉ |
Trịnh Hòai Đức, Trung Dũng, Bien Hoa, Dong Nai province, Vietnam |
Thêm bởi |
admin |
Vào ngày |
2012-10-01 07:14:57 |
Các thành viên |
|
|
|
(635 m) |
(2.54 km) |
(2.87 km) |
(12.11 km) |
(13.00 km) |
(13.17 km) |
(14.19 km) |
(14.23 km) |
|