Landmarks

Nhà thờ Cửa Bắc

L'eglise des martyrs

Video1

Video1
Video2
Cua Bac catholic Church - Hanoi

Tổng quan

Nhà thờ Cửa Bắc có tên chính thức là Giáo đường Nữ vương các thánh tử đạo do kiến trúc sư Enest Hébrard thiết kế, được xây dựng khoảng những năm 1925 - 1930 trên một khoảng đất chạy dài theo phố Phan Đình Phùng nơi giao nhau với phố Nguyễn Biểu. Nhưng có tư liệu cho rằng nhà thờ Cửa Bắc do linh mục, kiến trúc sư Dopolit thiết kế và được xây dựng năm 1931 - 1932, nhưng một số tư liệu khác lại cho rằng linh mục Dopolit chỉ là người khởi xướng việc xây dựng nhà thờ này. Đây là một nhà thờ cổ ở Hà Nội, kiến trúc có nhiều nét độc đáo, tạo thêm điểm chấm phá trong không gian đô thị Hà Nội, nằm ở phía Bắc thành Thăng Long nên được gọi tên là Cửa Bắc.

Mặt bằng không gian nhà thờ được cấu trúc theo nguyên tắc nhà thờ thời kỳ Phục Hưng kiểu chữ thập La Tinh. Mở đầu là một không gian đón tiếp nhỏ, tiếp theo là không gian dành cho các con chiên nghe giảng và kết thúc bởi không gian long trọng dành cho cha xứ hành lễ. Giữa hai khu vực này là không gian chuyển tiếp lớn dưới một mái vòm hình bán cầu, cánh bên phải là nơi thờ các thánh, cánh trái là nơi tiếp khách của cha xứ. Gác chuông theo hình thức nhấn lệch được bố trí ở phía bên phải lối vào chính. Không gian nội thất được cấu trúc và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ Châu Âu thời Phục Hưng tiền kỳ.

Hình khối công trình rất đặc trưng bởi việc kiến trúc sư - tác giả đã tạo ra ở đây một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính, điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét độc đáo so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo có hình thức đăng đối nghiêm cẩn được xây dựng ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Hệ thống mái ngói kiểu Phương Đông được tổ chức kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ cũng là nét đặc sắc của công trình. Các mái chính đều được tổ chức thành hai lớp theo kiểu chồng diêm, giữa chúng là hệ thống cửa sổ lấy sáng lắp kính hoặc cửa thông gió được trang trí bằng các hoạ tiết không quá cầu kỳ.

Ngoài ra còn rất nhiều lớp mái phụ che nắng và chống mưa hắt cho các lối vào, các cửa thông gió lấy sáng, thậm chí còn có những lớp mái nhỏ chỉ mang tính chất trang trí đơn thuần. Hệ thống cửa lấy sáng và trang trí được đặc biệt lưu tâm, đầu tiên phải kể đến hệ ba cửa hoa hồng - một yếu tố trang trí, lấy sáng của kiến trúc Gothique, được đặt vào các mặt đứng phía Tây, Nam và Bắc. Các cửa này đều có diện tích rất lớn và được lắp kính cản quang kết hợp kính màu, tuy nhiên do được trang trí bằng các vòm cuốn và các cột đỡ, lại nằm dưới một hệ trang trí hình tam giác kết thúc các hồi mái nên cảm giác về kiến trúc Gothique ở đây là không còn. Tiếp đến là hệ các cửa lấy sáng cho tháp chuông, mái vòm và các không gian hành lễ. Nhờ hệ thống cửa lấy sáng này mà không gian nội thất nhà thờ luôn ngập tràn ánh sáng tự nhiên.

Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc Phương Đông với những nguyên tắc tổ chức không gian nhà thờ công giáo truyền thống, sự hài hoà của công trình với cảnh quan thiên nhiên bản địa đã tạo ra được ấn tượng về một công trình Thiên Chúa giáo Việt Nam. Mặc dù ở một vị trí ít được chú ý, nhà thờ Cửa Bắc vẫn có thể được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời kỳ Pháp thuộc ở Hà Nội.

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC MẸ HÀ NỘI

Cha cố Théophane Vénard (Thánh Ven), bị trảm quyết ngày 02/02/1861 tại cửa Bắc thành Hà Nội, bêu đầu 3 ngày rồi thả trôi sông. Xác của ông được chôn cất tại bờ sông, sau đưa về xứ đạo Đồng Trì, Thanh Trì, Hà Nội. Năm 1865, hài cốt được cải táng về Pháp. Riêng thủ cấp tìm thấy ngày 15/2/1861 rồi đưa về cho 2 giám mục Jeantet và Theurel đang ẩn trú tại xứ Kẻ Trừ tức xứ đạo Từ Châu, Thanh Oai, Hà Nội và được lưu giữ tại đây. Đến năm 1988, ông được phong thánh!
Tại cửa Bắc, năm 1925 xây dựng một ngôi thánh đường để kỷ niệm sự tử đạo của Thánh Ven cùng với 5 vị khác trong địa phận Hà Nội. Bởi thế nhà thờ có tên là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, vì dựng ngay cửa Bắc nên cũng thường gọi là nhà thờ Cửa Bắc, và cũng dùng để đặt tên cho xứ đạo Cửa Bắc thuộc hạt Chính Toà, tổng giáo phận Hà Nội.
Năm 1950, Tòa Thánh bổ nhiệm cha Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê làm Đại diện Tông Tòa coi sóc địa phận Hà nội. Ngay sau khi nhận chức, ông đã dâng địa phận Hà nội cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ngày 22 tháng 8 năm 1950. Năm 1954 sau hiệp định Genève, đất nước bị chia cắt thành hai miền, hàng ngàn tu sĩ Công giáo và trên 6 vạn giáo dân của Giáo phận Hà Nội bỏ xứ vào Nam. Trước những khó khăn của giáo hội Công giáo tại miền Bắc, để xác tín niềm tin, năm 1959, Hồng y Trịnh Như Khuê đã xin Tòa Thánh chuẩn nhận cho việc nhận Đức Mẹ là quan thầy thành phố Hà Nội. Trong thông cáo ngày 13 tháng 6 năm 1959, truyền cho cả giáo phận mừng lễ Đức Mẹ Hà Nội và chọn nhà thờ Cửa Bắc là Nhà Thờ Đức Mẹ Hà Nội. Ngày 02 tháng 7, nhằm đúng ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng để tổ chức Thánh lễ và cũng chính ngày này năm 1627 là ngày cha Đắc Lộ đặt chân đến thành Thăng Long.
Nhà thờ Cửa Bắc, được thiết kế hài hoà, mang nét pha trộn Đông - Tây. Ẩn mình dưới những tán cây, cùng với cửa Bắc đối diện tạo thành một quần thể kiến trúc đặc sắc, hấp dẫn nhiều khách tham quan. Là một điểm nhấn du lịch, mang trong mình giá trị văn hóa lịch sử của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến!
















Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Nhà thờ Cửa Bắc
Địa chỉ 20 Nguyễn Biểu, Quán Thánh, Ba Dinh District, Hanoi, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2012-10-09 20:53:30
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất