Landmarks

Khu di tích Lam Kinh

Tổng quan

Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm ở toạ độ 19055,565 vĩ Bắc, 105024,403 kinh đông. Hiện nay, di tích Lam Kinh nằm trên địa phận thị trấn Lam Sơn và xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân và xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Từ thành phố Thanh Hoá đi về phía Tây 50km ta sẽ gặp di tích Lam Kinh nằm bên tả ngạn sông Chu, cách Hà Nội 150km đi theo đường Hồ Chí Minh rẽ trái 1,5km sẽ gặp di tích Lam Kinh.

Cũng như các triều đại trước đó với tấm lòng tôn kính tổ tiên vua Lê cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm với quy mô to lớn ở đất Lam Sơn và coi đây là "Kinh đô" thứ hai của Nhà nước Đại Việt sau Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội). Vì lẽ đó, đương thời Lam Kinh trở thành vùng đất "căn bản" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà Lê, tồn tại như một thánh địa tôn nghiêm, nơi thờ cúng tổ tiên và các Hoàng đế nhà Lê, nơi mai táng nhiều Hoàng đế và Hoàng Thái hậu nhà Lê, nơi cử hành những nghi lế mỗi khi vua Lê về bái yết sơn lăng.

Trong suốt quá trình tồn tại, Lam Kinh được các sử gia phong kiến biên chép với sự quan tâm đặc biệt. "Đại Việt sử ký toàn thư", "Đại Nam nhất thống chí", "Việt sử thông giám cương mục" ghi các lần xây dựng Lam Kinh. Năm 1433 Lê Thái Tổ mất, đưa về Lam Kinh táng ở Vĩnh Lăng. Tháng 12 cùng năm các quan theo hầu về Tây Kinh, dựng miếu điện Lam Sơn. Tháng 4 năm 1434, Lê Thái Tông sai Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái mẫu. Cùng năm đó, điện Lam Kinh bị sét đánh cháy. Đến tháng 9 năm 1448, vua Lê Nhân Tông - vị vua thứ 3 nhà Lê xuống chiếu cho Thái uý Trịnh Khả, các cục bách tác làm Miếu, Điện ở Lam Kinh chưa đầy một năm sau, tháng 2 năm 1449 Lê Khả báo về triều đình việc xây dựng hoàn thành.

Diện mạo của Lam Kinh được Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú  ghi chép như sau: "Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nướ biếc, rừn rậm um tùm, Vĩnh lăng của Lê Thái tổ, Chiêu Lăng của Lê Thái tông và lăng các vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có son sông phát nguyên từ hồ ấy, chảy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở Giảng Đình, điện Vạn Thọ Đông Kinh đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở Kinh sư theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp.

Nhưng trải qua thời gian và những biến thiên lịch sử, nhiều kiến trúc của khu di tích Lam Kinh không còn lại bao nhiêu, phần nhiều đã bị hư hỏng, huỷ hoại, nhất là sau khi triều Nguyễn chuyển việc thờ cúng các vua Lê từ Lam Kinh về đền Bố Vệ (Thành phố Thanh Hoá). Sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hoà bình lập lại ở miền Bắc, được sự quan tâm của Đảng Nhà nước, tưởng nhớ đến công lao to lớn của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và công lao phục hưng đất nước của vương triều Lê Sơ, nhất là vua Lê Thánh Tông.

Năm 1961 đã cho xây dựng nhà che bia Vĩnh Lăng, kiến trức gỗ lim lập ngói mũ hài hai tầng tám mái cong.

Năm 1962, Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng cấp quốc gia đối với di tích Lam Kinh.

Tháng 10 năm 1994 dự án quy hoạch tổng thể trùng tu, tôn tạo phục hồi di tích lịch sử Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác bảo tồn tôn tạo chính thức được triển khai thực hiện. Từ đó, các công trình kiến trúc được phục hồi tôn tạo. Hình hài toàn bộ khu di tích dần dần được hiện ra; cảnh quan sông, hồ, rừng Lam Sơn và hầu hết các công trình kiến trúc trong khu di tích Lam Kinh đều được nghiên cứu, tổ chức triển khai lập dự án phục hồi tôn tạo. Hệ thuỷ là toàn bộ hệ thống sông Ngọc, hồ Tây, hồ Như Áng được người xưa tự tạo, đắp đập ngăn dòng suối Hướng. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho đây là đập từ thời tằng tổ của Lê Lợi là cụ Lê Hối đắp, dựa vào thế sườn đồi tự nhiên đào đắp thêm để tạo thành hồ Như Áng, dẫn nước về hồ Tây, cấp nước cho sông Ngọc chảy vòng trước điện Lam Kinh được coi là tiểu huyền thuỷ. Đại huyền thuỷ là sông Lương Giang (sông Chu) tạo thành minh đường (sáng) cho Điện Miếu Lam Kinh. Dựa trên kết quả điền giã dân tộc học và nghiên cứu khảo cổ học, công trình đã được phục hồi tôn tạo trên dấu tích xưa, đang phục vụ hiệu quả cung cấp nguồn nước cho toàn bộ khu di tích Lam Kinh và phục vụ đời sống dân sinh nhân dân trong vùng.

Khu trung tâm Điện Miếu di tích Lam Kinh, qua cầu Bạch, Giếng cổ, đến Nghi Môn, điện miếu Lam Kinh được xây dựng trên sườn đồi đất thoải tự nhiên từ Tây sang đông. Người xưa đã san gạt tạo thành 3 cấp nền bằng phẳng tính từ dưới lên có 3 lớp kiến trúc rõ rệt:

Lớp nền thứ nhất gồm: Giếng cổ, Nghi môn, Sân Chầu. Giếng cổ cách Nghi môn 10m lệch về bên tả Giếng cổ, tương truyền giếng có từ thời cụ Lê Hối (cụ nội của Lê Lợi). Qua công tác nghiên cứu hảo cổ học cho thấy "giếng có mặt cùng với thời gian khởi dựng điện Lam Kinh, phải chăng đây là nơi cung cấp nước khi nơi này chưa trở thành kinh đô" (khảo cổ học 1997). Để tạo thành giếng, người xưa đã cho đắp ngăn đoạn suối chảy từ Tây sang Đông Nam để lấy nước ăn uống, sinh hoạt cho hàng nghìn gia nhân trong nhà. Khi Lam Kinh trở thành điện miếu thì giếng có thể vẫn được sử dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Giếng có bên để lên xuống lấy nước. Năm 2003, giếng được phục hồi tôn tạo kích thước hiện tại dài 37,5m, rộng 30m, góc tròn kè đá xung quanh, sâu 7,5m, mực nước dao động ở mức 3,5 - 4m.

Nghi môn (cổng phía Nam) là nơi đón trước khi vào chầu. Trước Nghi môn có đặt 2 tượng nghê đá "huyền thoại" tương truyền rất thiêng để canh gác cổng, tiếp đó là hai vầng nhật nguyệt bằng đá hình tròn có đường kính 0,70m, có lỗ đục ở đế, đây có thể là lối cửa của Nghi môn thời Lê Sơ. Nghi môn được phục dựng năm 2009 trên nền móng kiến trúc thời Lê Trung Hưng, khánh thành trong dịp lễ hội 2010.

Sân Rồng (sân Chầu) là một trong những công trình có diện tích lớn trong khu trung tâm của điện Lam Kinh. Kết quả khảo cổ học cho biết, sân Rồng có chiều dài 64,50m, chiều rộng 56m, diện tích trên 3612m2. Sân Rồng là nơi để các quan chầu khi vua thiết triều và tế lễ mỗi khi về bái yết sơn lăng. Giữa sân có 3 lối đi, lối giữa giành cho vua đi, hai lối hai bên dành cho các quan. Sân Rồng được phục hồi năm 2008, nền lát gạch bát 400 x 400 x 70, lối giữa sân lát đá đục nhám.

Lớp nền thứ 2 có chiều dài 62m, đây là lớp nền Chính điện có bậc cửu trùng (chín bậc), lan can là 2 đôi rồng ở giữa, 2 đôi vân mây 2 bên bằng đá xanh nguyên khối, mỹ thuật chạm khắc cầu kỳ, chau chuốt theo phong cách thời Lê Sơ, tạo thành 3 lối lên Chính điện.

Chính điện là công trình kiến trúc quan trọng bề thế nằm ở vị trí trung tâm di tích Lam Kinh. Chính điện có bố cục mặt bàng hình chữ công (I) với 2 lớp kiến trúc kế tiếp có niên đại Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Lớp kiến trúc Lê Sơ toàn bộ 43,3m, rộng 30m (phần thắt chữ công dài 17,8m, rộng 11m) lớp kiến trúc Lê Trung Hưng được xây dựng trên lớp Lê Sơ kích thước lớn hơn, dài 48,5m, rộng 39,5m (thắt chữ công dài 19,4m, rộng 13,6m) qua mặt bàng Chính điện cho ta thấy toà nhà trước, sau có 9 gian, phần thắt chữ công 5 gian tổng diện tích của 3 nhà 1640m2. cùng với các loại hình vật liệu và trang trí kiến trúc, có thể nhận thấy đây là một công trình kiến trúc quy mô đồ sộ nhất trong khu di tích Lam Kinh.

Lớp nền thứ 3 nằm ở phía sau Chính điện, cao hơn từ 0,4m - 1m, có chiều dài 135m hình bán nguyệt ôm lấy toà Chính điện là 9 toà Thái miếu, mỗi toà có kích thước hình chữ nhật (gần vuông) tương đối bằng nhau (dài từ 13,5m đến 16m, rộng từ 10,4m đến 12,9m) trên nền đất tương đối bằng phẳng. Đỉnh cao nằm ở toà 5 (Chính giữa) thấp dần về hai phía. Mỗi toà đều có bậc lên xuống, thành bậc (lan can) được tạc hình rồng và trang trí hoa lá tinh xảo. trong những năm gần đây nhà nước đã đầu tư phục dựng được 5 trong số 9 toà thái miêus để thờ cúng các vua, thái hoàng thái hậu triều đại Hậu Lê. Toà chính giữa thờ 3 vị: Thái tổ Cao hoàng đế (Lê Lợi), Hiển tổ trạch hoàng đế (Lê Đinh), Tuyên tổ Phúc hoàng đế (Lê Khoáng), các toà bên tả bên hữu thờ các vị vua đời sau thế thứ kế tiếp. Thái miếu là nơi các vua Lê về tổ chức làm lễ bái yết thờ và suy tôn tổ tiên.

Nằm phía sau cách 9 toà Thái miếu khoảng 60m là lăng mộ vua Lê Thái tổ (Lê Lợi) sinh ngày 6 tháng 8 năm ất Sửu 1385, tại quê ngoại làng Chư Sơn (nay thuộc xã Xuân Thắng - Thọ Xuân), mất ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433) tại Đông Kinh (Thăng Long - Hà Nội). Đến ngày 23 tháng 10 cùng năm đưa về Lam Sơn táng tại Vĩnh Lăng.

(ditichlamkinh.vn)

Toạ độ

Retrieving
 

Các địa điểm thuộc Khu di tích Lam Kinh [tra cứu]

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]

Lăng mộ Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao cùng tấm bia thần đạo "Khôn Nguyên Chí Đức".

BIA KHÔN NGUYÊN CHÍ ĐỨC
.Bài minh và tựa trên bia sơn lăng của Quang Thục Trinh Huệ Khiêm Tiết Hoà Xung Nhân Thánh hoàng thái hậu nước Đại Việt.
Kể từ hồng hoang phân biệt, quý tiện phô bày thì các bậc vua vâng lệnh nhận mệnh trời cầm ấn báu, những vị chúa nối thể thống giữ chế độ, trồng được cây đức tốt tươi, tính được công lao to lớn đều là do được trời cao chiêu đãi, nhân tâm tôn sùng. Tuy nhiên, để bồi đắp cho nền tảng thêm cao, gốc cội thêm vững, vẫn nhờ họ ngoại giúp công vào.
Người phụ nữ Đồ Sơn tạo lên nhà Hạ, người phụ nữ Hữu Sằn tạo ra nhà Thương; Khương Tự, Nhâm Tự gây dựng lên nhà Chu, những khuôn mẫu sáng ngời thực đã có từ lâu vậy.
Kìa như Mã hậu, Đặng hậu thời Hán, Trưởng Tôn hoàng hậu nhà Đường; Cao hậu, Tào hậu nhà Tống đều là những người dìu rắt vua trẻ, vượt bao khó khăn lúc đương thời, công đức thật lớn lao.
Kính nghĩ, Thánh triều ta đội ơn trời giúp, Trinh Từ Hoàng thái hậu sinh đặng Thánh Tổ Cao hoàng đế, Cung Từ hoàng thái hậu sinh đặng Thái Tông Văn Hoàng đế; Tuyên Từ Hoàng thái hái hậu nuôi dưỡng Nhân Tông Tuyên hoàng đế, khuôn đẹp lời hay, nêu cao trong khoảng trời đất vậy.
Nay bà Quang Thục Trinh Huệ Khiêm Tiết Hòa Xung Nhân Thánh hoàng thái hậu nhận được mưu lớn của các thế hệ xa xưa, nối được đức tốt từ nhiều triều đại để lại, sinh đức Thánh Tông Thuần hoàng đế, đưa nhà nước lên cảnh thịnh trị. Lớn lao thay! khí là mẹ thì âm dương thiêng, mặt trăng là mẹ thì huyền lượng sáng, quẻ Khôn là mẹ thì muôn vật nhờ đó sinh ra, Hoàng thái hậu là mẹ thì phải cai trị thành công. Thật đúng như câu "vòi vọi thay! lồng lộng thay! nhân dân không biết dùng tiếng gì mà xưng hô cho xứng đáng". Bọn thần kính cẩn xét trong "Thế gia phả điệp": Hoàng thái hậu húy là Ngọc Dao, họ Ngô, quê ở Yên Định phủ, Thiệu Thiên, Thanh Hóa.
Cụ tổ 5 đời húy Lỗ, là một dòng họ lớn từ thời Trần. Cụ bà húy Quỳnh Khôi, họ Đinh, là Á Quận Chúa, kiêm Bảo Từ Cung Đại Hoàng bà.
Cụ tổ 4 đời húy Tây, được bản triều tặng phong Kiến Tường hầu, cụ bà húy Ngọc Luân, họ Đinh, được tặng phong Kiến Tường quận phu nhân. Ông nội húy Kinh được truy phong Hưng quận công, bà nội húy Mại, họ Đinh được tặng phong Hưng Đức Quốc phu nhân.
Cha húy Từ, chức Tuyên phủ sứ, Thái tử thiếu bảo, Quan Nội hầu được tặng tước Chương Khánh công, gia ban Ý quốc công. Mẹ họ Đinh, húy Ngọc Kế, tặng Ý Quốc phu nhân. Hoàng thái hậu là con gái thứ hai trong gia đình.
Bà ngoại của Hoàng thái hậu huý Ngọc Huy, họ Trần, là dòng dõi quan Tả thánh Thái sư đời Trần là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Hoàng thái hậu mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, được bà đem về nuôi. Có lần, một bậc dị nhân đi qua bảo rằng:"cô bé này về sau sẽ là mẹ thiên hạ", nói xong bỗng nhiên biến mất. Đó là điềm tốt. Chị ruột Hoàng thái hậu là Ngọc Viên được vào chầu Thái Tổ Cao Hoàng đế làm chức Liệt Vinh, cửa nhà thơm lây từ đó.
Niên hiệu Thiệu Bình thứ 3 (1436), Thái hậu 16 tuổi, với tư cách là con nhà lương gia, được tuyển vào cung, lời nói của người trở thành lời giáo huấn trong cung, nết na của người đều hợp với phép tắc lễ độ, thờ bậc trên đúng lễ, đối kẻ dưới có ân, được Thái Tông Văn Hoàng đế rất mến yêu mến.
Đầu lòng sinh Thao Quốc trưởng công chúa, lại là con gái thứ 5 của Văn Hoàng đế (Lê Thái tông) rồi sinh Thánh Tông hoàng đế tức là con trai thứ 4 của Văn Hoàng đế.
Niên hiệu Đại Bảo thứ nhất (1440), khi được sắc phong làm Tiệp dư, cho ở cung Khánh Phương. Thái hậu cho rằng đây là chỗ ở của bà Chiêu Nghi họ Lê mà bỗng chốc mình chiếm lấy thì lòng không nỡ nên hai ba lần từ chối. Vua và các quan đều khen ngợi điều đó.
Thánh Tông hoàng đế mới sinh được vài tháng thì Thái Tông Văn Hoàng đế qua đời. Nhân Tông hoàng đế nối ngôi. Thánh Tông hoàng đế được phong làm Phiên vương ra ở ngoài nhân gian. Tuyên Từ hoàng thái hậu (vợ vua Lê Thái Tông) ngự triều, vì Thái hậu là mẹ của thân vương nên được đặc cách thăng chức, sung viện coi việc phụng thờ Thái Miếu.
Năm Kỷ Mão niên hiệu Diên Ninh thứ 6 (1459), mùa đông, tháng 10. Lạng Sơn vương là Nghi Dân gây biến, Tuyên Từ hoàng thái hậu và Nhân Tông hoàng đế đều bị hại, luân thường sụp đổ, sao nỡ nói ra.
Năm sau, Canh Thìn, mùa Hạ, tháng 6, các quan đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Thọ Vực cùng các con em bực huân thần dẹp được loạn và rước Thánh Tông hoàng đế phiên để về nối ngôi lớn, dâng ngọc sách tôn người làm Hoàng thái hậu rước vào điện Thừa Hoa. Ôi! nơi ở nhà vàng vốn không phải lòng vua Nghiêu, thì mặc lụa thêu rồng đâu phải là ý muốn của mẹ vua Nghiêu.
Hoàng thái hậu đã chính thức ở ngôi đông triều yên hưởng phúc trời rồi, thần minh phò tuổi thọ, chính khí giúp niềm vui, dạy thiên hạ tập thói cần kiệm, khuyên quan gia (vua) giữ lòng khoan hậu. Thánh Tông hoàng đế là bậc hùng tài đại lược, thần vũ anh minh, nhưng mỗi lần được Hoàng thái hậu dạy bảo đều gì thì ngày đêm kính cẩn tuân theo. Vì thế mà lễ nhạc văn chương rạng rỡ đáng kể, phong cách của kẻ sĩ, lề thói của nhân dân đều tất thảy thay đổi hẳn, trở nên thuần hậu, đều là nhờ sức của Hoàng thái hậu vậy.
Năm Bính Thìn (1496) tháng 3, Hoàng thái hậu đi lễ lăng về bị mắc bệnh lị đột ngột và trầm trọng. Ngày 26 tháng nhuận, giờ Hợi mất ở chính tẩm điện Thừa Hoa, năm thứ 27 niên hiệu Hồng Đức, hưởng thọ 76 tuổi ở ngôi Hoàng thái hậu 37 năm. Lúc Hoàng thái hậu mới bị mệt, Thánh thượng hoàng đế (Lê Thái Tông) bấy giờ còn là hoàng thái tử ngày đêm chầu hầu săn sóc, không rời thuốc thang, cơm nước đều tự mình nếm trước. Trong thì khấn vái tổ tiên, ngoài thị đáp ứng trông ngóng của quần chúng, thành khẩn cầu nguyện Không còn thiếu đâu. Khi bà sắp tắt nghỉ ngài tự xưng tên mình mà gọi, Hoàng thái hậu còn ngoái lại nhìn, mở miệng muốn nói nhưng lời không rõ nữa. Từ việc khâm liệm đến việc phạm hàm, việc gì ngài cũng xem xét tới nơi, tự viết ai từ để tỏ lòng đau xót. Trong quan được 10 tháng sắp đưa về sơn lăng thì Thánh Tông Hoàng đế băng hà, bởi vậy mà chưa táng được.
Năm Đinh Tỵ niên hiệu Hồng Đức 28 (1497), ngày mùng 6 tháng 2, Hoàng đế đăng quang, bèn sai lễ quan thay mặt, nhiều lần làm lễ trọng thần dâng kim sách để suy tôn, báo ân đến tận ông bà, bao bọc khắp cả những người lân cận. Tình thương xót, lễ tống chung, bậc thánh nhân đại hiếu đến như vậy đấy! Đặc biệt cử quan Đường Khê hầu Lê Vĩnh làm Sơn lăng sứ, Hữu đô đốc Lê Quảng Độ làm phó sứ; Cẩm Đường bá Trần Thanh Mật làm Tổng bộ sứ, Đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm làm phó; vào năm Mậu Ngọ niên hiệu cảnh Thống thứ nhất (1498) Canh Dần 24 tháng 2 dời về an táng tại xứ Đầm Rắn, núi Lam Sơn, cùng táng ở Hựu lăng. Ban sắc cho bọn thần là Bảo là Xung Xác soạn văn bia Sơn lăng để nêu rõ ý nghĩa.
Chúng thần trộm nghĩ: Phép hay đức sáng của Hoàng thái hậu soi tỏ trời đất, sắp xếp muôn việc. Bọn thần kém cỏi quê mùa, đâu có đâu có đủ sức để ca ngợi đôi vầng nhật nguyệt và tô điểm trời đất! Nhưng đã vâng chiếu chỉ truyền rõ, đâu dám không kính cẩn chắp tay cúi đầu mà góp thêm vài lời.
Hoàng thái hậu sinh ra sẵn có chất ngọc thuần hòa, tính trời cẩn thận đôn hậu, một niềm cần kiệm, không chuộng xa hoa thêu thùa việc nữ công, tay không lúc nào rời; mắm muối nơi bếp núc lại càng rất quan tâm. Ngày thường ở trong nhà vẫn nghiêm trang như đang tiếp khách, khi tiếp xúc với ai cũng tỏ vẻ hòa nhã dịu dàng. Kính trọng tông miếu, phụng thờ quỷ thần, của ngon vật lạ bốn phương dâng lên, bao giờ cũng đem đến tiến cống trước, sau mới đưa đến vua dùng. Không làm việc trái lẽ phải, không ở nơi không chính đáng, nghiêm mà không ác, Giản dị mà trang nhã lịch sự, cử chỉ thường có lễ độ, ít khi ra khỏi phòng vi. Trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi người là Phật sống. Thiếu phủ cung cấp vàng lụa đều ban tứ cho mọi người xung quanh và giúp đỡ kẻ nghèo khó, hòm tủ thường trống rỗng, không có của cải dành riêng. Duy có lời hay nết tốt của người thì mọi người đều tai nghe mắt thấy, ơn giày nghĩa nặng của người thì thấm nhuần da thịt mọi người. Vì vậy cho nên lúc người chầu trời thì trăm họ như mất cha mẹ. Những người chầu hầu trong cung đình lại càng mến tiếc, bỏ trang sức, mặc đồ tang, ăn cơm rau, cài châm gỗ, không còn phân biệt trong cung đình hay ngoài dân nữa. Có công lao lớn nhất đối với xã tắc là đã nuôi dưỡng, dạy bảo nhà vua từ bé đến lớn, lo tông miếu nối tiếp dài lâu.
Đặc biệt khác với người thường là tuổi cao mà tóc không bạc, răng không rụng, mắt không mờ, nhan sắc không kém sút, vẫn đẹp như người chạc 40 tuổi. Tuy danh vị sang mà làm việc thiện không biết mỏi, tuổi tác cao mà tinh thần càng sáng suốt. Tính vốn ham học, lại biết làm thơ mỗi lúc nhàn rỗi lại đem kinh chuyện ra dạy bảo đàn cháu nhỏ. Ngọc thể bất an, phải nằm giường bệnh hơn một tháng mà không hề có tiếng kêu rên xuýt xoa. Khi mất rồi, 5 ngày mới liệm, đúng giữa mùa nóng mà tuyệt nhiên không có mùi hôi hám, há chẳng phải vị tiên thoát xác về thần đó ư. Hoàng Thái hậu bình sinh mộ đạo Phật, càng già càng chăm, cho nên lúc chết được báo đáp như vậy.
Than ôi trời sắp dấy lên cuộc thịnh vượng phi thường, nhất định phải mở ra một vận hội phi thường, sắp gieo xuống một nhiệm vụ phi thường nhất định phải sinh ra một con người phi thường. Coi bổng lộc, địa vị, danh tiếng, tuổi thọ đều là sự báo đáp tự nhiên của kẻ có đức lớn.
Xem như nhà này: Nhiều đời nhân đức, phúc dày tích lũy, mới sinh được Hoàng thái hậu. Cơ trời tác hợp, đức hóa bốn phương, mới sánh duyên với Thái Tông hoàng đế. Thánh Tông hoàng đế sở dĩ được tư chất bậc thượng thánh, làm nên sự nghiệp Trung hưng là nhờ sự giáo huấn từ thiện của Hoàng thái hậu.
Như vậy, đối với Thái Tông thì có công chăm lo giúp đỡ, đối với Thánh Tông thì có công sinh dưỡng cù lao, đối với [đương kim] thánh thượng (Lê Hiến Tông) thì tận tình mến thương. Đức sánh với trời đất công rạng rỡ tam thánh (ba vua) xứng đáng là hàng đầu các vị hoàng hậu nước Đại Việt. Tốt thay! đẹp thay!
Huống gì còn đó: đàn cháu quây quần dưới gối, chia bùi sẻ ngọt thêm thiết tha, họ hàng xum vầy trước mắt, trong ấm ngoài êm càng đằm thắm. Thật xứng đáng với 30 năm ngôi báu; ngoài 70 tuổi được hưởng thọ. Chín châu cung dưỡng, ngũ phúc vẹn toàn, hàng chắt hàng chút, cũng đã đông đúc. Dầu đức tính hòa nhã như thơ Quan thư, siêng năng cần kiệm như thơ Cát đàm, đông con nhiều cháu như thơ Chung tư, dòng họ nhân hậu như thơ Lân chỉ, phúc lộc lâu dài như thơ Cù mộc, đem so với người, nào có hơn gì.
Xây lăng phải có bia, nêu rõ đức tính phải có bài minh cốt để ghi đúng sự thật, cần gì phải trải chuốt lời văn.
Bọn thần nhỏ bé trộm xem lời ai điếu của Thánh thượng, dựa theo ý thơ Tư Tề ở thiên Đại nhã ghi vào tấm đá để truyền lại dài lâu. Minh rằng:
Đế vương vân mệnh
Kế nối ngôi Càn
Vững vàng nội trị
Công nghiệp muôn vàn
Là nhờ họ ngoại
Phù trợ giúp vì
Rạng rỡ vua Việt
Tây thổ mở nền.
Thần truyền thánh nối
Trời người đều theo
Từ cung ba vị
Giúp giật trùng trùng.
Lớn thay thánh hậu
Đức rạng đời sau
Nguyệt cung soi khắp
Hiên Vĩ sinh Kỳ
Rỡ ràng gia tộc
Báo đáp rõ rành
Mát lành ngọc tốt
Cẩn hậu tư trời
Lụa đào trúng tuyển
Quản soi rạng ngời
Bước vào Hựu miếu
Chẳng kém Nguyên phi
Bước lên ngôi lớn
Rạng rỡ mẫu nghi
Đức nhân bao bọc
Trị nước góp phần
Ngang hàng Nhâm Tự
Sánh với Sằn Vi
Tính vốn cần kiệm
Đức sẵn khiêm nhường
Tiền tài bố thí
Vệc thiện quản chi
Tuân thủ lễ phép
Khuê phòng ít ra
Cháu con đông đúc
Họ hàng ngợi ca
Triều chính không dự
Tước chẳng riêng tư
Răn bảo tôi tớ
Không dùng lụa là
Công hơn Nữ Oa
Tình cảm bao la
Lời hay nết tốt
Người người đều biết
Hiếu với tổ tiên
Kính trọng thánh thiện
Đốc sinh khánh thảo
Nối dấu người xưa
Ngôi cao chính vị
Nhà vàng chẳng mơ
Lòng người đã hiệp
Lệnh trời dám sai
Ngôi cao vinh dưỡng
Tuổi thọ dồi dào
Ba cung từ hiếu
Tám cõi cùng vui
Tuổi hạc càng lớn
Mặt hoa càng tươi
Ngôi cao đức trọng
Điềm đạm vẻ người
Ghét đời ô trọc
Ngộ đạo hư vi
Cánh hạc lên trời
Ngựa tiên khuất bóng
Gió lay màu trắng
Mưa thấm trướng hồng
Thềm lan hương nức
Điện quế trăng soi
Thức ngon tiến trước
Luôn giữ trang nghiêm
Kính cẩn không lỗi
Tin mà chẳng mê
Thần minh phù hộ
Phúc nối dài lâu
Xe tang trực sẵn
Lọng rồng rủ che.
Thừa dư đưa lên
Nữ quan theo đến
Mây trắng mờ trời
Sương bạc phủ kín
Tuyền đài im ỉm
Động phủ xuân đi.
Bóng son chẳng về
Dáng người đâu thấy
Lam Sơn cao vút
Lương thủy nước tuôn
Đầm Rắn đất lành
Hạc bay liền cánh
Thần núi phù trợ
Thần sông giúp vì
Lăng miếu chưa xong
Tang đâu dồn đến
Bốn bể im ắng
Muôn loài ngậm đau
Đàng hoàng vua nối
Cháu hiếu tiếp sau
Phụng thờ theo lễ
Xem quẻ bói quy
Nêu đức đặt thụy
Kim sách suy tôn
Giờ tốt đã được
Hẹn kỳ rước về
Thềm vàng tế lễ
Phẩy bụi áo quan
Rừng rậm âm u
Vụt dựng tấm bia
Đức cả mênh mông
Công cao vời vợi
Trên rạng thanh lệ
Dưới xét hoàng thị
Ngòi bút chép ghi
Gáo đong nước biển
Chúng thần bé mọn
Đâu đủ ngợi ca.
Khắc bia trên núi
Vài lời thế thôi
Đời người dằng dặc
Rành rành khôn soi.
Lễ Bộ Tả Thị Lang Đạt Tín Đại Phu kiêm Hàn Lâm viện Thị Độc Trưởng Hàn Lâm viện sự, thần Nguyễn Bảo; Đạt Tín Đại phu Hàn Lâm viện Thị Độc, Tham chưởng Hàn Lâm viện sự, thần Nguyễn Xung Xác vâng khắc soạn.
Năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498) ngày Canh Dần 24 tháng 2 lập bia.
Cẩn Sự Lang Trung Thư Giám chính tự, thần Bùi Sĩ Nho vâng lệnh viết chữ chân.
Mậu Lâm lang Kim Quang Môn đãi chiếu, thần Nguyễn Nhân Huệ vâng lệnh viết chữ triện.
Tiến Công lang Khí giới doanh tạo sở Ngọc thạch tượng, tượng phó, thần Hoàng Phận vâng lệnh khắc bia.












































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Khu di tích Lam Kinh
Địa chỉ Unnamed Road, xóm Lam Sơn, Xuân Lam, Tho Xuan District, Thanh Hoa, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-09-27 21:09:22
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất