Landmarks

Bia Chiêu Lăng

Tổng quan

Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi (tức bia Chiêu Lăng) được tạc dựng vào năm Mậu Ngọ niên hiệu Cảnh Thống thứ nhất (1498), đời vua Lê Hiến Tông. Hiện bia Chiêu Lăng được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Nội dung ghi lại thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông.

Bia cổ có trọng lượng khoảng 13 tấn, gồm thân bia và rùa, được làm bằng đá xanh nguyên khối. Bia cao 2,76 m, rộng 1,9 m, dày 0,28 m; rùa dài 2,65 m, rộng 1,89 m, cao 0,69 m. Văn bia có hình chữ nhật, trán bia hình vòng cung, mặt trước khắc nổi 3 hình rồng, chính giữa là một con rồng lớn, hai bên khắc hai rồng uốn khúc bay lượn, mặt hướng chầu vào rồng lớn ở giữa.

Xung quanh diềm bia có hai đường chỉ nổi chạy song song nối từ đỉnh xuống đế, giữa hai đường chỉ nổi mỗi bên trang trí thêm 6 hình rồng uốn lượn (rồng yên ngựa) trong tư thế vờn lên. Phần diềm đế bia trang trí tương xứng 6 rồng, mỗi bên 3 con nối nhau chầu vào. Hai bên hông bia, mỗi bên khắc một rồng yên ngựa lớn, đầu rồng chạm hoa văn hình đao lửa, tư thế bay cao, đuôi rồng trang trí hoa văn hình tam sơn và sóng nước, trên tam sơn là vân mây.

Bia Chiêu Lăng khắc chữ Hán cả hai mặt. Mặt trước tên bia được chạm theo lối chữ Triện gồm 7 chữ: Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi (nghĩa là, bia Chiêu Lăng ở Lam Sơn nước Đại Việt). Toàn văn bia khắc kiểu chữ Khải chân, mặt trước có 58 dòng với hơn 3.000 chữ. Người soạn văn bia là Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu.

Dưới đế bia là con rùa lớn đầu ngẩng cao, dáng rùa thoải mái tự nhiên. Trên lưng rùa sát cổ trang trí hoa văn hình lá đề móc câu, phía sau trang trí dải hoa văn hình mây lửa vắt ngang mai. Bốn bàn chân rùa lộ 5 móng, đuôi vắt ngược lên. Kỹ thuật chế tác bia Chiêu Lăng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Do đáp ứng các tiêu chí độc bản, hình thức độc đáo và có giá trị lịch sử đặc biệt, tháng 12/2016, bia Chiêu Lăng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây cũng là bảo vật quốc gia thứ 8 ở Thanh Hóa, được Thủ tướng công nhận.

 Điều đặc biệt ở tấm bia này là ngoài nội dung văn bia nói về thân thế, sự nghiệp của Lê Thánh Tông, mặt sau bia còn khắc một bài thơ của vua Lê Hiến Tông, 35 bài thơ họa vần của các văn thần, danh nho nổi tiếng thời bấy giờ ca ngợi công đức của vua Lê Thánh Tông.

(Nguồn: Lê Hoàng)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]






Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Bia Chiêu Lăng
Địa chỉ Unnamed Road, Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hoá, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2017-01-30 17:09:40
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất