|
Ngôi đình cổ Thanh Lũng (xã Tiên Phong, huyện Ba Vì) đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được trùng tu, tôn tạo. |
Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín cho
biết: So với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, Thường Tín
là một trong những địa phương có nhiều di tích và DTLS đã được xếp
hạng, với 100/385 di tích (56 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp thành
phố). Trong số di tích đã xếp hạng có 23 di tích xuống cấp rất nghiêm
trọng, cần được trùng tu, tôn tạo khẩn cấp. Điển hình trong số đó phải
kể đến DTLS cấp quốc gia đình Tổ (xã Nguyễn Trãi) có niên đại cách đây
hơn 300 năm, hiện vẫn lưu giữ được phần lớn các mảng chạm của nghệ thuật
điêu khắc độc đáo thời Lê và nhiều di vật quý. Tuy nhiên, do đã lâu
không được tu bổ nên toàn bộ các cột trụ bằng gỗ lim của đình bị mối mọt
ăn rỗng hết chân; 2/3 số xà thế hoành có nguy cơ bị gãy bất cứ lúc nào
do bị mọt đục; hai bức cốn và bộ cửa võng đã bị gãy nát từ lâu. Đỉnh mái
đình và hai đầu hồi bị sụt ngói, mỗi khi mưa đình bị dột rất nặng. "Để
"cứu" di tích, xã đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Thường Tín, UBND thành
phố Hà Nội đầu tư kinh phí trùng tu toàn bộ di tích nhưng đến nay vẫn
không thể triển khai, vì chưa có vốn" - ông Dương Thanh Tĩnh, Chủ tịch
UBND xã Nguyễn Trãi phân trần. Trước thực trạng đình Tổ quá xuống cấp,
trong năm 2013, UBND huyện Thường Tín đã bố trí 200 triệu đồng để chống
xuống cấp di tích này. Ngoài đình Tổ, còn rất nhiều DTLS xếp hạng ở
Thường Tín bị xuống cấp, cần sớm trùng tu như DTLS cấp quốc gia chùa Đậu
(xã Nguyễn Trãi); nhà thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê); đền bến Chương
Dương (xã Chương Dương); đền thờ Chử Đồng Tử (xã Tự Nhiên); chùa Pháp
Vân (xã Văn Bình)… nhưng đến nay vẫn phải "án binh bất động" chờ vốn.
Tại huyện Chương Mỹ, theo thống kê mới nhất, toàn huyện có 327 di tích
(149 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố) thì 60% số này
bị xuống cấp. Đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chương Mỹ cho
biết, kinh phí đầu tư cho trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn hẹp, chủ yếu
trông chờ vào nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn
ngân sách, trong khi đó nguồn đầu tư từ công tác xã hội hóa chưa được
chú trọng hoặc chỉ đủ đầu tư chống xuống cấp (gia cố, bảo dưỡng).
Cùng cảnh ngộ, các huyện, thị xã như Sơn Tây, Ba Vì, Phú Xuyên cũng có
rất nhiều DTLS xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư kinh phí để tu bổ.
Thị xã Sơn Tây hiện có đình Cam Thịnh nằm trong khu DTLS xã Đường Lâm
được xếp hạng DTLS văn hóa cấp thành phố từ năm 2008 là một ví dụ. Do
đình được xây dựng từ quá lâu (từ khoảng thế kỷ XVII), khí hậu lại khắc
nghiệt nên đến nay toàn bộ hệ thống cột cái, xà ngang, vì kèo… của đình
bị mối mọt ăn rỗng. Để bảo đảm an toàn cho người dân và bảo tồn các di
vật cổ, địa phương đã phải sử dụng gần 100 cột gỗ để chống cho đình khỏi
sập. Ngoài ra, DTLS chùa Vân Gia (phường Trung Hưng), đình Văn Khê (xã
Xuân Sơn)… cũng xuống cấp trầm trọng nhưng chưa biết đến bao giờ mới có
vốn để tu bổ. Tại huyện Ba Vì, đình Thanh Lũng (xã Tiên Phong) - ngôi
đình cổ có kiến trúc nghệ thuật quý hiếm, được công nhận DTLS cấp quốc
gia cũng đang xuống cấp từng ngày. Nhiều năm nay, mái đình bị võng
xuống, sụt từng mảng ngói, gây dột nặng nhưng chính quyền địa phương vẫn
chỉ biết "kêu" vì không có thẩm quyền gì trong việc tu bổ.
Theo thống kê của Sở VH, TT&DL Hà Nội, trong tổng số hơn 5.000 DTLS
trên địa bàn (hơn 2.000 DTLS xếp hạng), hiện có khoảng 600 di tích đã và
đang xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các DTLS trên địa bàn có niên đại
từ 100 năm trở lên, nhiều di tích có tuổi đời 300-500 năm, thậm chí
1.000 năm nên sự xuống cấp là không thể tránh khỏi. Được biết, từ đầu
năm đến nay, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã có nhiều văn bản trình Bộ
VH,TT&DL về việc trùng tu, tôn tạo di tích theo đúng Luật Di sản văn
hóa. Tuy nhiên, do lượng DTLS xuống cấp quá lớn, trong khi vốn đầu tư
để tu bổ mỗi di tích lên đến cả chục tỷ đồng. Do vậy, bài toán vốn đầu
tư tu bổ, tôn tạo di tích trong thời điểm hiện nay chưa thể có lời giải,
đồng nghĩa với việc DTLS tiếp tục xuống cấp.
Theo: hanoimoi