Landmarks

Đình Phú Gia

Tổng quan

Đình Phú Gia hay còn gọi là đình Khai Nguyên, quán Già La là nơi thờ phụng, tưởng niệm về một vị tướng thời Hùng Vương có công đánh giặc cứu nước đem lại cuộc sống no ấm hạnh phúc cho nhân dân.

Theo sử sách, làng Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã suy tôn thần Khai Nguyên, một tướng thời Hùng Vương thứ 6 có công đánh giặc Ân giữ nước, làm thành hoàng làng. Tương truyền ngài còn có công trị nạn hồng thủy, đem lại bình yên, hạnh phúc cho dân lành và được vua ban 12 đạo sắc, phong làm Thành hoàng làng với 12 chữ “Cứu nước, cứu dân, âm phù, dương trợ, dân tình yên ổn”.

Theo các bậc cao niên kể thì: “Tương truyền vị tướng đời thứ 6 của Vua Hùng, có tên húy là Nhự hay còn gọi là thần Già La và thần Khai Nguyên trên đường đi đánh giặc Ân bị giặc chém vào cổ ngả đầu về một bên vẫn phi ngựa về làng. Đến đoạn vườn Hồng, nơi có cây đa táo tại ngã ba Nhật Tân có một quán hàng nước, ngài bèn hỏi bà hàng nước: “Cổ tôi thế nay liệu còn sống được không?”. Bà hàng nước xem và trả lời: “Ngài có là người nhà trời mới sống được!”. Sau đó ngài phi ngựa đi được một quãng về đến đầu làng Phú Gia thì chết, sau khi chết dân làng Phú Gia lập đền thờ để ghi nhớ công lao. Câu chuyện đó còn truyền tụng ở địa phương cho đến ngày nay, đặc biệt có chi tiết người làng Gạ (Phú Gia) nói kiêng từ chết thành là “chít” cũng từ đó.

Sang đến đầu thời Nguyễn, do bãi sông Hồng bị sạt lở, cư dân sau một thời gian ly tán đã trở về bắt tay vào xây dựng lại vào năm 1258 để ghi nhớ công đức của thần dựa trên tờ quy ước và thần tích cổ trong đình, thống nhất đặt tên là đình Phú Gia. Nằm trước tam quan chùa Bà Già cổ kính, theo lối kiến trúc “tiền Thánh hậu Phật” trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua 2 cuộc tàn phá của chiến tranh đình không còn giữ được cấu trúc như ban đầu. Năm 2001, đình được Nhà nước công nhận di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia, năm 2009 đình được phục dựng lại gần như nguyên bản và năm 2010 đình Phú Gia được gắn biển công trình nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội.

Đình Phú Gia còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên. 12 Đạo sắc phong, trong đó có 8 đạo thời Lê, 1 đạo thời Tây Sơn và 3 đạo thời Nguyễn. Mới đây, người dân địa phương đã bổ sung thêm 4 đạo sắc phong nữa, ngoài ra đình đang lưu giữ một đôi hạc, một đôi lân, một đôi kim kê được tạc khắc tinh xảo cùng nhiều hiện vật thờ tự khác từ thế kỷ XVII. Đặc biệt trong đình Phú gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, đó là hiện vật cực kỳ quý hiếm của thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Để tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên, theo lệ hàng năm vào mùng 8/1 (âm lịch), dân làng Phú Gia lại mở hội để tưởng nhớ tới ngài, âu cũng là một nét văn hóa đẹp trong truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Lễ hội bao gồm Lễ tế thần, dâng hương rước kiệu, thổi xôi, ca hát, đấu võ, chọi gà… Lễ mở cửa bắt đầu từ sáng sớm ngày 8/1, các cụ ông trong đội tế lễ làm lễ Bao Sái (lau tượng).

(tổng hợp)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]


 © Nhang án gỗ thế kỷ XVII

 © Lân gỗ thế kỷ XVII

 © Lân và Phượng gỗ thế kỷ XVII



 © Bài vị thời Mạc


Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Đình Phú Gia
Địa chỉ 347 An Dương Vương, Thượng Thụy, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2014-12-30 16:32:05
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất