Landmarks

Từ đường họ Trần Danh

Từ đường bệ đá họ Trần

Tổng quan

Cụm di tích họ Trần Danh nay thuộc thôn Phương Triện, nằm ở phía Đông nam của xã. Họ Trần vốn thuộc dòng dõi Hoàng tộc, quê ở thôn Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, nay là thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định. Vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV vì lý do thời cuộc cụ Thuần Đạo đã di cư về thôn Cống, xã Bảo Triện, huyện Gia Định, xứ Kinh Bắc và từ đó ở đây có dòng họ Trần, cụ thuỷ tổ bắt đầu tính từ cụ Thuần Đạo.

Vào giai đoạn nửa cuối thời Lê, ba đời liên tiếp đỗ đại khoa, có 4 người đỗ Tiến sỹ (trong đó có hai người đỗ Hoàng Giáp), 67 người đỗ cử nhân và tú tài: được mệnh danh là gia đình Khoa bảng.

Việc học hành thi cử của dòng họ bắt đầu phát triển từ đời thứ 4 cụ Danh Huyên đỗ Tú tài, được phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Thừa chính xứ Thái Nguyên, tước Thuỵ Trạch bá, đến đời thứ 6 có 3 cụ đỗ Cử nhân: cụ Long Hưng; cụ Danh Trung và cụ Phụ Dực. Sau đó cụ Phụ Dực dự thi Hội và đỗ Tiến sỹ, tiếp đến là các vị tiến sỹ: Trần Danh Ninh (1703-1767), Trần Danh Lâm (1705 - 1777), Trần Danh Án: (1754 - 1794); đều là những người có nhiều công lao, đóng góp to lớn đối với đất nước, quê hương.

Qua những dấu tích còn để lại thì cụm di tích họ Trần Danh được xây dựng khoảng thời Lê thế kỷ XVIII, lúc đó khu di tích có quy mô đẹp, tạo thành một cụm di tích, gồm Đông A truy viễn đàn (thường gọi là từ đường bệ đá họ Trần); nhà thờ Trần Phụ Dực (còn gọi là nhà thờ cụ Quận); nhà thờ Trần Danh Ninh (từ đường Thiếu bảo tướng công); nhà thờ Trần Danh Lâm (từ đường Vạn Niên) và quần thể khu mộ có hệ thống bia đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của các tiến sỹ trong gia tộc rất đẹp và độc đáo. Trải qua thời gian nhà thờ đã biến đổi không còn nguyên vẹn như xưa. Vừa qua được sự quan tâm của toàn gia tộc họ Trần Danh, các công trình văn hoá của gia tộc đã được tu sửa khang trang 2 công trình gồm; Từ đường họ Trần Danh và nhà thờ Giáp chi.

Từ đường họ Trần Danh
Xưa khu vực này toàn bộ công trình kiến trúc toàn bằng đá lộ thiên còn gọi là Từ đường bệ đá họ Trần gồm bia đá, voi đá, bát hương đá… hiện nay được sự quan tâm của toàn thể gia tộc vào năm 2000 từ đường họ Trần Danh được xây dựng có quy mô lớn kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Hậu đường làm theo kiểu chồng diêm 8 mái, bên trong bài trí bia đá và hệ thống ban thờ đá gồm 6 chiếc, các hoạ tiết hoa văn trang trí trên ban thờ đá vào khoảng thế kỷ XVIII – XIX, trên các ban thờ đá được bài trí các đồ thờ như: bài vị, nến đồng, đài đồng, bát hương… rất tôn nghiêm.

Hiện nay trong cụm di tích họ Trần Danh còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý về lịch sử, giúp cho việc nghiên cứu và giáo dục truyền thống sâu sắc. Đó là các đồ thờ tự bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Hệ thống bia đá, sập đá, tượng Vũ Sĩ đá, gia phả, văn tế, nội dung hoành phi, câu đối… có giá trị lịch sử và nghệ thuật sâu sắc. Bên trong Cụm di tích thờ các bậc tiên tổ và 4 vị đại khoa trong gia tộc là những người có công lớn đối với dân với nước. Cuộc đời và sự nghiệp của các vị đại khoa đã được nhân dân truyền tụng, gia tộc viết gia phả, sử sách biên chép, ca ngợi, nhà vua ban tặng “Thư bút ngự tứ”. Vì vậy Cụm di tích không chỉ là trung tâm tín ngưỡng văn hoá của gia tộc và dân thôn mà còn là nơi lưu niệm sâu sắc về các nhà khoa bảng tiêu biểu.

Cụm di tích họ Trần Danh đã được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá, Quyết định số 1489/QĐ-UBND, ngày 05/10/2009.

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]



Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Từ đường họ Trần Danh
Địa chỉ thôn Phương Triện, xã Ðại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh
Thêm bởi admin
Vào ngày 2015-01-12 09:03:59
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất