Landmarks

Chùa Bút Tháp

Ninh Phúc tự

Xem sản phẩm tại Triển lãm VR3D.

Di tượng 3D của chiếc Hương Án cổ vừa bị cháy ở chùa Bút Tháp

Di tượng 3D của chiếc Hương Án cổ vừa bị cháy ở chùa Bút Tháp
Video1
Chùa Bút Tháp nhận Bằng Di Tích Lịch Sử Quốc Gia Đặc Biệt
CÂY TÁO NỞ HOA | Chùa Bút Tháp | Tượng Vi Đà Thiên | Lụa tơ sen
Chùa Bút Tháp | Vẻ đẹp của một đại danh lam

Tổng quan

Chùa Bút Tháp có tên là Ninh Phúc tự thuộc làng Bút Tháp (tên cũ là Nhạn Tháp) xã Đình Tổ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, ở phía trong đê sông Đuống, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km.

Theo các nguồn thư tịch cổ, chùa Ninh Phúc được xây dựng từ đầu thời Trần (thế kỷ XIII) khi thiền sư Huyền Quang trụ trì ở đây. Đầu thế kỷ XVII, nhà sư Chuyết Chuyết (còn gọi là Chuyết Công), khi về Bút Tháp trụ trì đã cho xây dựng lại chùa Bút Tháp theo mô hình chùa Trung Hoa và xây tháp Báo Nghiêm. Thiền sư Minh Hành Tại Tại- đệ tử của Chuyết Công, đã tiếp tục công việc mở mang và xây dựng chùa vào năm 1647.

Năm 1876, vua Tự Đức cho đổi tên làng Nhạn Tháp là Bút Tháp, đổi tên tháp Báo Nghiêm là Tháp Bút.
 
Kiến trúc tổng thể của chùa Bút Tháp nằm trên trục dài 150 mét, nhìn về hướng Nam, gồm 9 lớp: tam quan, tháp chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tích thiện am, nhà khách, phủ thờ, nhà tổ và nhà trai, hình thành nên hai cụm kiến trúc chính.
 
Cụm kiến trúc thứ nhất bắt đầu từ tam quan. Tam quan chùa Bút Tháp có 3 gian. Gian giữa rộng hơn hai gian bên, có kết cấu 3 hàng cột. Hai vì giữa có cột gỗ, hai vì hồi là cột gạch.
 
Từ tam quan, theo đường lát gạch rộng 4 mét, dài 24 mét đến gác chuông. Gác chuông có mặt bằng xây dựng hình chữ nhật, có số đo các cạnh là 8,65 x 8,20 mét, hai tầng. Tầng dưới có tường bao 4 góc, tầng trên có lan can gỗ thoáng, 8 mái có đao cong. Đi 15 mét nữa đến tiền đường- nơi đặt hai pho tượng Hộ pháp bằng đất phủ sơn, có kích thước rất lớn, bên trái có tượng thánh tăng và thị giả. Tòa tiền đường có 7 gian, 32 cột, trên các góc kẻ đều chạm hình rồng và mây lửa.Tại gian chính giữa có bức hoành phi bằng gỗ “Ninh Phúc thiền tự” với dòng lạc khoản ghi “Dương Hòa bát niên, tuế thứ Nhâm Ngọ niên, trọng Hạ cốc đán” (ngày tốt tháng 5 năm 1642)
 
Hai đầu hồi tòa tiền đường có hai nhà bia. Nhà bia bên phải có bia đá cao 2,3 mét, rộng 1,1 mét, diềm bia và trán bia có hoa văn mây rồng. Trên trán bia có chữ “Phật”. Trên mặt trước, văn bia có tiêu đề “Sắc Ninh Phúc thiền tự bi ký”. Mặt sau có tiêu đề “Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi” có niên đại như văn bia ở mặt trước. Bia dựng vào ngày tắm Phật tháng Hoa sen năm Đinh Hợi niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5 (1647). Văn bia do Minh Hành Thích Tại Tại soạn. Nhà bia bên trái có bia đá cao 1,6 mét, rộng 1 mét, diềm bia có chạm trang trí chủ đề hoa điểu, trán bia chạm trang trí chủ đề rồng mây. Trên mặt trước, văn bia có tiêu đề “Ninh Phúc thiền tự tam bảo tế tự điền bi”. Văn bia được khắc vào ngày tốt tháng 11 năm Giáp Dần niên hiệu Đức Nguyên năm đầu (1674). Mặt sau có tiêu đề và trang trí như mặt trước, có niên đại: ngày tốt tháng Hoa Sen, năm Đinh Sửu niên hiệu phúc Thái năm thứ 5 (1647). Cả hai bia ở hai nhà bia đều được dựng trên lưng rùa đá rất lớn.
 
Một tòa nhà chạy dọc nối liền tòa tiền đường với tòa thượng điện, có biển gỗ “Chiêm vọng từ bi”. Phía bên phải có các bức phù điêu rồng phượng và biển đề “Đế đạo long xương”; phía bên trái cũng có các bức phù điêu rồng phượng và biển đề “Hoàng đồ củng cố”. Ở đầu hồi nối với thượng điện có bức hoành phi “Đại hùng bảo điện” có niên đại “Dương Hòa bát niên tuế thứ Nhâm Ngọ, mạnh đông cốc đán trùng tu” (ngày tốt tháng 10 năm 1642) và “Pháp luân thường chuyển”.
 
Tòa thượng điện được xây dựng trên nền đất cao 1,1 mét so với mặt sân, có chiều dài 19 mét, rộng 10,6 mét, gồm 5 gian với 24 cột gỗ lim lớn. Các chân tảng đều được chạm hình cánh sen, 4 góc có 4 cột đá. Lan can đá bao quanh thềm tòa Thượng điện có 26 bức phù điêu chạm đá, mỗi bức dài 1,2 mét, cao 0,6 mét, dày 0,14 mét với nhiều chủ đề sinh hoạt ở nông thôn đồng bằng miền Bắc Việt Nam rất sinh động.
 
Bên trong tòa thượng bài trí tượng Phật, Bồ tát, La hán. Cụ thể: gian giữ có ban thờ Phật Thích ca, tứ Bồ tát, ba pho tượng Tam thế; hai gian bên phải thờ Bồ tát “Thiên thủ thiên nhãn”, tượng Văn thù Bồ tát cưỡi sấu, tượng một vị Bồ tát, tượng 9 vị La hán, tượng Quan âm Thị Kính; hai gian bên trái có tượng Tuyết Sơn, tượng Phổ Hiền Bồ tát cưỡi voi, tượng một vị Bồ tát, tượng 9 vị La hán và tượng bà Hoàng thái hậu Ỷ Lan.
 
Nối tòa thượng điện và Tích thiện am là một chiếc cầu vồng bằng đá xanh dài 4,1 mét gồm 3 nhịp, có 3 bậc đá dẫn xuống Tích thiện am. Cầu có lan can đá với 12 bức phù điêu cham khắc cả hai mặt với chủ đề cảnh vật nông thôn. Hai bên cầu đá có bể chìm trồng sen cảnh.
 
Tòa Tích thiện am là một công trình kiến trúc độc đáo. Tòa nhà có 3 tầng mái chồng diêm. Tầng dưới hình chữ nhật có 7 gian, dài 16,1 mét, rộng 8,4 mét. Hai tầng trên có bốn mái thu hẹp dần, tạo thành hình vuông. Tại chính giữa tòa Tích thiện am có tòa tháp Cửu phẩm liên hoa cao 9 tầng, bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, hình bát giác, có 32 bức phù điêu ở các tầng và nhiều bức tượng Phật nhỏ ở các cạnh. Tòa Cửu phẩm liên hoa có trục, có thể quay được theo chiều thuận kim đồng hồ. Tại gian bên phải có tượng Phật A Di Đà và tấm bia “Tích thiện am”. Bia có niên đại “Chính hòa thập nhị niên tuế thứ Tân Mùi, thập nhất nguyệt, cốc nhật lương thời thủy tạo” (tạo lần đầu giờ tốt ngày lành tháng 11 năm 1691). Gian bên trái có tượng Phật A Di Đà.
 
Từ tòa Tích thiện am cách 7 mét đến cụm kiến trúc chính thứ hai. Cụm kiến trúc này gồm 3 tòa nhà song song: nhà khách, phủ thờ và hậu đường. Nhà khách có 5 gian. Ngoài tường nhà khách có tấm biển “Ngôi nhà này được trùng tu với sự giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức trong các năm 1990-1998”.
 
Qua một khoảng sân hẹp 3 mét là tòa phủ thờ. Tòa phủ thờ có 5 gian, dài 16,5 mét, rộng 9 mét. Tại gian giữa có bàn thờ và khám thờ Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, gian bên phải có khám thờ công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, gian cuối bên phải có bia tứ diện “Khánh lưu bi ký” cao 1,6 mét, rộng 0,70 mét, diềm và trán bia tràng trí họa tiết rồng lửa và hoa lá, dựng vào năm Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714). Mặt sau có tiêu đề “Ninh Phúc thiền tự bi ký”. Sát tường có tượng 5 vị Diêm vương đội mũ bình thiên, hướng ra phía gian giữa. Tại gian bên trái có khám thờ quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ. Tại gian cuối có khám thờ hoàng tử Lê Đình Tư, sát tường có tượng 5 vị Diêm vương đội mũ bình thiên, hướng ra phía gian giữa, đối diện với 5 vị Diêm vương ở gian cuối bên phải.
 
Dãy nhà tổ và nhà trai gồm 13 gian (trong đó có 6 gian nhà trai), dài 26,5 mét, rộng 7,7 mét. Tại gian giữa có tượng tổ, phía trên có bức hoành phi “Tổ ấn trùng quang”, hai cột có đôi câu đối:
 
- Đức nhi báo đức thường nhiên, ngũ phận chân hương,
- Tâm dĩ truyền tâm tận phẫu, nhất thừa diệu đạo.
 
Tại hai gian bên phải có 6 tượng và một ảnh tổ. Tại hai gian bên trái có thờ 5 vị thần thổ địa, 3 vị mẫu và 4 ông hoàng.
 
Ngoài hai cụm kiến trúc chính trên đây, chùa Bút Tháp còn một số công trình kiến trúc rất đáng lưu ý:
 
- Hai dãy nhà hành lang, mỗi dãy có 26 gian, mỗi gian dài 2,6 mét, rộng 4 mét. (mới được xây dựng lại vào những năm 1990- 1998)
 
-Tòa nhà thờ đệ nhất tổ Chuyết Công ở phía sau dãy hành lang bên phải (từ ngoài vào). Tòa nhà này có 5 gian, xây dựng theo lối chồng giường, dài 13 mét, rộng 6,8 mét. Gian giữa có khám thờ tổ Chuyết Công. Các gian bên có khám thờ của 3 tổ và tấm bia cao 2 mét rộng 1 mét, trán bia trang trí chủ đề lưỡng long chầu mặt trời, diềm bia trang trí chủ đề rồng mây, mặt trước có tiêu đề “Hiển thụy am- Báo Nghiêm tháp bi ký”. Bia dựng vào năm Đinh Hợi niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5 (1647), do Minh Hành Tại Tại hưng công, Thanh Nguyên cư sĩ soạn, Sadi Chân Kiểm người Phù Chẩn Đông Ngàn viết chữ, Mặt sau có tiêu đề “Hiến thụy am hương hỏa điền bi ký”. Tại hai gian bên trái có khám thờ tổ và khám thờ Đốc quận chúa. Tại khám thờ Đốc quận chúa có đôi câu đối:
 
- Tướng phủ đốc sinh khoa quốc sắc,
 
- Vương cung nhập thị thiền thiên hương.
 
Tòa nhà phía sau dãy hành lang bên trái có 3 gian. Gian giữa thờ tượng Địa Tạng vương Bồ tát, phía trên có bức hoành phi “Âm dương hợp đức”.

Ngoài các công trình kiến trúc trên ra, chùa Bút Tháp còn có nhiều tháp rất đẹp. Tiêu biểu nhất là tháp Báo Nghiêm và tháp Tôn Đức. Tháp Báo Nghiêm được dựng bằng đá xanh, hình bát giác, có 8 cạnh đều nhau, cao 13,05 mét, gồm 5 tầng và một tầng mái. Bệ tháp có tượng sư Chuyết Công, có cánh cửa đá đóng mở được. Tháp có 13 bức phù điêu chạm đá với các chủ đề rất sinh động, trên các góc của mỗi tầng đều có treo phong lệnh. Trong tháp Tôn Đức có chứa sách đồng. Sách đồng được chế tác từ thế kỷ XVIII, có liên quan đến Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
 
Về giá trị điêu khắc gỗ, trước hết phải kể đến tác phẩm nghệ thuật tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn. Đây là tác phẩm điêu khắc thời Lê của tác giả Trương tiên sinh. Tại các khối chạm khắc như thân tượng, bệ, bảng cánh tay được liên kết với nhau một cách hài hòa, bố cục chặt chẽ. Toàn bộ tượng cao 3,7 mét. Quan âm Thiên thủ thiên nhãn được thể hiện 11 cánh tay được bố trí rất khéo xung quanh thân tượng, tạo thành lớp lớp hào quang hình lá đề. Trong mỗi lòng bàn tay hình lá đề được tạo một cao mắt.
 
Phần bệ tượng là hình vuông với nghệ thuật trang trí nhiều lớp rất tinh xảo. Trên bệ tượng có trang trí hình sóng nước dồn dập và có loài thủy quái nhô đầu, nâng cao tay đỡ tòa sen.
 
Hầu hết các pho tượng, các bức phù điêu gỗ và đá, các ban thờ bằng gỗ, các khám thờ ở chùa Bút Tháp đều là tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ XVII, XVIII.
 
Chùa Bút Tháp đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 313/VH-BT ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam và là một trong số ít ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí giá thời Lê.
 
(Nguyễn Quang Khải)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]



 © Sơ đồ mặt bằng chùa Bút Tháp



 © Toàn cảnh chùa Bút Tháp. Ảnh chụp năm 2017, sau khi trùng tu.



đá tháp  © Tháp Báo Nghiêm thờ Hòa Thượng Chiết Tuyết (Chuyết Chuyết) cao 13, 05m, có 5 tầng, mỗi tầng 5 mặt. Tầng dưới cùng có...



 © Gác chuông


 © Phật Tam Thế chùa Bút Tháp, tác phẩm đời Lê, thế kỉ 17.

 © Tháp Tôn Đức, nơi tôn trí xá lợi của Thiền sư Minh Hạnh. Tháp có 4 mặt, 5 tầng, cao khoảng 10m.

 © Tiền đường

 © Trong tiền đường có tượng Phật và Bồ Tát bằng gỗ rất độc đáo, mang đậm sắc thái nghệ thuật tạo hình dân gian,...

 © Bên trái là hành lang, bên phải là 8 tòa nhà nằm song song.

 © Cầu đá cong nối thượng điện với am Tích Thiện. Trên thành cầu có các phù điêu chạm khắc hình chim muông, hoa lá.

 © Am Tích Thiện. Am có 3 tầng mái. Bên trong có cây Cửu Phẩm Liên Hoa, là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn...

 © Trên bề mặt tháp Liên Hoa này có nhiều tác phẩm chạm khắc hình tượng Phật và Bồ Tát, cùng hoa lá.

 © Trong thượng điện có nhiều tượng, trong đó có tượng Văn Thù Bồ Tát, sau lưng là tượng các vị La Hán (bố trí dọc theo...

 © Tượng Phật Tuyết Sơn, là hình ảnh Đức Phật Thích Ca khi đang tu khổ hạnh trong núi tuyết cũng là một tuyệt tác nghệ...

 © Tượng Quan Âm Chuẩn Đề, hay Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là một tác phẩm nổi tiếng do nhà điêu khắc họ Trương tạc...

 © Điêu khắc gỗ trên tường nhà và cột kèo cũng có nét đặc sắc riêng.

 © Công Chúa Lê Thị Ngọc Duyên, pháp danh Diệu Tuệ, người đã cùng Thái Hậu Ngọc Trúc từ bỏ nơi cung cấm về đây tu hành....

 © Hoàng Tử Lê Đình Tứ





















Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Chùa Bút Tháp
Địa chỉ 20, Đình Tổ, Thuan Thanh District, Hanoi, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2012-09-27 08:15:26
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất