MIẾU THIÊNG TRIỆU THỊ VUA BÀ
Đầu thế kỷ thứ 3, nhà Hán diệt vong, Trung Hoa bước vào thời kỳ Tam Quốc, các tập đoàn phong kiến đua nhau cát cứ. Thái thú Châu Giao Sỹ Nhiếp mất, con trai là Sỹ Huy lên nắm quyền bị quân Đông Ngô lừa giết chết, ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam rơi vào tay Tôn Quyền. Để phục vụ cho chiến tranh, chính quyền đô hộ ra sức vơ vét của cải, thu gom lương thực đặc biệt là bắt người tòng quân, đưa đi đến những nơi trận mạc xa xôi tại Trung Nguyên.
Xót xa cảnh nước nhà điêu đứng, quê hương bị dầy xéo, đồng bào bị bắt bớ giết hại. Triệu Thị Trinh quê ở làng Quân Yên, quận Cửu Chân nay thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa đã dựng cờ khởi nghĩa.
"Ru con, con ngủ cho lành,
Để mẹ múc nước rửa bành cho voi.
Muốn coi lên núi mà coi,
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng".
Vùng giải phóng luôn tục được mở rộng, Bà Triệu cho xây dựng phòng tuyến cắt ngang, chạy từ làng Phú Điền huyện Yên Định kéo ra tới cửa biển Thần Phù huyện Nga Sơn nhằm ngăn chặn viện binh của giặc từ Giao Chỉ kéo vào. Thanh thế của vua Bà họ Triệu chấn động Trung Nguyên, khắp nơi hào kiệt tại ba quận của người Việt theo về tụ nghĩa. Để củng cố nội trị, dồn sức chống lại hai nước Ngụy - Thục, Tôn Quyền hạ lệnh phái đại binh đánh dẹp cuộc khởi nghĩa. Trước thế giặc hung tàn, quân của Bà Triệu bị bao vây ở Phú Điền, vua Bà lên núi Tùng tuẫn tiết, giải tán nghĩa quân để bảo tồn sinh mạng, nhưng nhiều người đã tự vẫn theo Bà, nhiều người lại chạy vào Nhật Nam, chạy ra Giao Chỉ tiếp tục tìm cách chống giặc ngoại xâm.
Căn cứ của nghĩa quân tại Phú Điền nơi an táng thi hài của bà cùng các nghĩa sĩ tướng quân, nhân dân nối đời coi sóc hương hỏa, đến thế kỷ thứ 6, Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân đã cho tu sửa đền thờ vua Bà thêm to lớn. Về sau miếu từ luôn tục được mở rộng, lịch đại Đế Vương đều nhớ ơn tiền triều mà ban sắc tặng. Hiện nay, đền đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt cùng với khu lăng mộ Bà Triệu, đình làng Phú Điền và các dấu tích của căn cứ khởi nghĩa hợp thành một quần thể di tích đặc sắc.
Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức thường niên từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 2 âm lịch với nhiều nghi lễ đặc sắc, trong đó phải kể đến là trò "Ngô-Triệu giao quân", mô tả trận chiến giữa quân khởi nghĩa và giặc Đông Ngô. Với vị trí ngay sát quốc lộ 1, từ xưa đền Bà Triệu luôn là điểm để khách phương xa vào bái yết cầu mong thượng lộ bình an, ngày nay các đoàn khách du lịch cũng đưa đền Bà Triệu vào danh sách điểm đến trong hành trình tham quan nghỉ để dưỡng tại hai xứ Thanh - Nghệ.